Khoảng năm 2009-2013, được đoàn xiếc TP.HCM (nay là Nhà hát nghệ thuật Phương Nam) tạo điều kiện, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp liên tục tham gia các cuộc thi xiếc quốc tế như Trung Quốc, Ý, Cuba... Cuộc thi nào họ cũng giành được giải thưởng chính và các giải phụ (như giải ấn tượng, phong cách...).
Đi thi để tự giới thiệu mình
Thật ra dù đoạt giải cao nhưng chỉ là vinh danh chứ không có tiền thưởng. Sau bao năm chinh chiến ở các đấu trường quốc tế, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp nghiệm ra lợi ích rất lớn của việc giới thiệu mình ở các cuộc thi quốc tế. Đó là cơ hội tuyệt vời để nghệ sĩ cọ xát với thế giới, được thấy mình còn yếu, thiếu chỗ nào, là môi trường học hỏi để nâng cao nghề nghiệp tốt nhất.
Ngoài kỹ thuật cao còn là phong cách biểu diễn, sự giao lưu với khán giả để tiết mục kịch tính, thu hút sự chú ý của người xem, để đám đông có thể phấn khích và dĩ nhiên bầu show sẽ yêu quý, tìm cách giữ chân họ với đoàn xiếc.
Các cuộc thi quốc tế còn là nơi để các đại diện đoàn xiếc lớn trên thế giới đến ngắm nghía và lựa chọn tiết mục ưng ý để mời về biểu diễn. Và như thế, đi thi dù không có tiền nhưng nếu đủ thực lực, thuyết phục được những người tuyển chọn sẽ ngay lập tức "trúng" được hợp đồng lưu diễn với khoản lương hậu hĩnh.
Từ những lần đi thi không mệt mỏi đó Cơ - Nghiệp đã có được những hợp đồng lưu diễn đến nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Đức...
Nắm bắt cơ hội tỏa sáng
Năm 2016, hai anh em Cơ - Nghiệp tổ chức live show kịch xiếc Anh em, đây có thể xem là live show kịch xiếc cá nhân đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật xiếc Việt Nam. Những năm sau này khi bước ra thế giới họ luôn ý thức quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Bởi vì theo Nghiệp: "Bước ra thế giới muốn được chú ý phải tạo sự độc đáo, khác biệt". Và khác biệt đó trước nhất là ở tài năng với những tiết mục không "đụng hàng" và người khác không làm được. Khác biệt còn được họ phát huy từ văn hóa dân tộc, đó là những chiếc áo dài được thiết kế rất khỏe khoắn, đậm chất Việt.
Từ năm 2016 đến nay Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã sở hữu đến bốn kỷ lục thế giới là một thành tích đáng nể. NSƯT Bích Liên, phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ hai anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã trưởng thành từ nơi này nhờ sự dìu dắt của các thầy cô. Nhận thấy khả năng của hai em, nhà hát đã mời thầy Quý Toại, người được đào tạo bài bản ở Nga về dạy tiết mục Sức mạnh đôi tay cho Cơ - Nghiệp. Nhà hát cũng đã hỗ trợ rất nhiều để Cơ - Nghiệp tham gia các cuộc thi lớn trên thế giới, từ đó họ có sự cọ xát, học hỏi.
"Tỏa sáng là nỗ lực vượt bậc của Cơ - Nghiệp. Bởi cả hai rất chịu khó, đam mê và sáng tạo không ngừng. Cũng phải nhấn mạnh là các bạn rất biết cách làm truyền thông để quảng bá hình ảnh, tạo dấu ấn trong nước và trên thế giới" - bà Liên nói.
Có những cách nâng cao vị thế xiếc Việt
Bà Liên cũng cho biết xiếc Việt Nam thời gian qua có tham gia các cuộc thi quốc tế và đoạt giải cao như giải Vương miện vàng Công chúa xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Nga. Nghệ sĩ Hiển Phước - Thanh Hoa của Nhà hát Phương Nam tham gia liên hoan xiếc tại Pháp tạo được dấu ấn, thế nhưng theo bà truyền thông rất ít chú ý tới những nghệ sĩ xiếc vốn thầm lặng nên tin tức ít được rầm rộ.
"Với những cuộc thi xiếc uy tín, hệ thống giải thưởng cực kỳ ít. Có cuộc thi chỉ trao một vàng, hai bạc, hai đồng. Chỉ riêng việc tiết mục xiếc được người ta chọn tham gia liên hoan là đã rất khắt khe rồi. Thế nhưng, có khi đoạt giải đồng về lại không được đánh giá cao" - bà Liên ngậm ngùi nói.
Cuối năm 2022, Liên đoàn Xiếc Việt Nam gây được dấu ấn khi liên tục đoạt hai giải thưởng lớn trong hai cuộc thi xiếc tại Nga. Nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng đoạt giải Vương miện vàng Công chúa xiếc với tiết mục Đu son trong cuộc thi xiếc dành cho hơn 100 nghệ sĩ nữ đến từ 10 quốc gia.
Tự hào hơn là cuộc thi chỉ có hai giải vàng, một giải của Việt Nam và một giải vàng của nữ nghệ sĩ Nga biểu diễn với hổ trắng. Còn nghệ sĩ Chu Khánh Huyền đoạt giải Ngựa đồng trong Liên hoan xiếc quốc tế mang tên Không biên giới (No Border), liên hoan quy tụ hơn 120 nghệ sĩ đến từ 15 quốc gia, cơ cấu giải thưởng chính gồm 2 vàng, 3 bạc và 4 đồng.
Để đạt thành tích này, ông Tống Toàn Thắng - giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết trong suốt mùa dịch, liên đoàn luôn động viên anh em tập luyện để giữ được phong độ. Ông cho rằng với trình độ các nghệ sĩ hiện nay nếu
được đầu tư nhiều hơn nữa thì sẽ có nhiều cơ hội giành giải thưởng ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông băn khoăn chế độ đãi ngộ với nghệ sĩ vẫn còn những hạn chế khi mà theo quy định một ngày tập luyện chỉ có 50.000 - 80.000 đồng.
Ông cũng nói thêm Nhà nước rất hỗ trợ các nghệ sĩ xiếc tham gia các festival, các cuộc liên hoan mang tính chất giao lưu văn hóa, tuy nhiên ngân sách nhà nước cho nghệ sĩ tham gia các cuộc thi quốc tế cũng hạn chế, không phải cuộc thi nào cũng xin được. Mà lỡ mất cơ hội tham gia các cuộc thi quốc tế là lỡ cơ hội cho nghệ sĩ xiếc cọ xát đấu trường quốc tế, học hỏi những cái hay, kỹ thuật mới. Vì vậy liên đoàn cố gắng tạo mối quan hệ với các đơn vị tổ chức liên hoan xiếc quốc tế để họ đài thọ đưa các nghệ sĩ đi thi có giải, nâng cao vị thế xiếc Việt Nam.
Nâng cao chất liên hoan xiếc quốc tế tại sân nhà
Trước ý kiến cho rằng liên hoan xiếc quốc tế tổ chức ba năm một lần ở Việt Nam vẫn còn yếu khi chưa có nhiều tiết mục xiếc đẳng cấp, chất lượng cao tham dự, ông Tống Toàn Thắng thẳng thắn nói: "Tôi cho rằng liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam muốn nâng chất, thu hút nghệ sĩ xiếc giỏi đến phải đầu tư. Có kinh phí mình mới có thể chọn lựa, mời các nghệ sĩ nổi tiếng, các ngôi sao đến. Có những cuộc thi quốc tế, giải thưởng lên tới 30.000 USD thì mới kích thích người ta đến để mong đoạt giải còn bù lại kinh phí sang thi. Giải mình có bao nhiêu đâu, giải vàng được 7 triệu đồng, khoảng hơn 200 USD thì ăn thua gì!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận