Thanh tra giao thông kiểm tra một chiếc xe chở khách qua dịch vụ Uber tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: Mậu Trường |
Việc xử phạt taxi vi phạm chủ yếu là những xe không có phù hiệu, xe không có bảng hiệu, bộ đàm, đồng hồ tính cước taxi... Trước đó, thanh tra Sở Giao thông vận tải đã xử phạt 11 xe, trong đó nhiều xe tính tiền cước taxi bằng tin nhắn trên điện thoại của hành khách đi xe.
Về dịch vụ vận chuyển hành khách thông qua ứng dụng Uber, ông Lê Hồng Việt - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nhìn nhận: đây là loại hình kinh doanh vận tải mới chưa được pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, sử dụng Uber để tham gia điều hành hoạt động vận tải, kinh doanh vận tải hành khách dưới hình thức nào cũng đều trái với Luật giao thông đường bộ và nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô của Chính phủ. Loại hình này cũng tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng nếu xét thấy loại hình hoạt động xe Uber đem lại tiện ích và thuận lợi cho số đông, được hành khách hài lòng và lựa chọn thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu những điều kiện cụ thể để loại hình dịch vụ này được đi vào hoạt động hợp pháp.
Ngày 2-1, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết hiệp hội vừa gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về công văn phúc đáp của bộ trưởng liên quan đến hoạt động phần mềm Uber tại Việt Nam. Đồng thời, hiệp hội cũng cam kết trong thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng phục vụ của taxi truyền thống, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách đi taxi. Theo ông Hỷ, công văn phúc đáp của bộ đã làm rõ được nhiều vấn đề và làm hài lòng các thành viên Hiệp hội Taxi TP.HCM.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sau khi nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin - truyền thông và đại diện của Công ty Uber. Qua đó, Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm: Công ty Uber là một đơn vị kinh doanh về công nghệ theo giấy phép kinh doanh đã được UBND TP.HCM cấp và không kinh doanh vận tải. Vì vậy Công ty Uber không phải là đối tượng quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, hoạt động của Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải nên Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Công ty Uber chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh về giấy phép, phương tiện, lao động... theo đúng quy định.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã hoặc sẽ ký hợp đồng với Công ty Uber phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện, lái xe có sử dụng phần mềm ứng dụng Uber, đặc biệt là thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải. Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thanh tra đột xuất và định kỳ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải có sử dụng phần mềm Uber. Nếu không đảm bảo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Công ty Uber cũng phải có trách nhiệm liên đới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận