Nếu trước đây hầu hết các doanh nghiệp lớn và ngân hàng tại Việt Nam đều phải lưu trữ nhiều dữ liệu tại các trung tâm dữ liệu (Data Center - TTDL) của nước ngoài thì nay họ đã có thêm lựa chọn trong nước.
Phát triển trung tâm dữ liệu "make in Việt Nam"
Viettel vừa khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) vào 10-4. Trung tâm này được thiết kế với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 tủ rack (tủ để lắp đặt các máy chủ), 21.000m2 diện tích mặt sàn, tổng công suất điện tiêu thụ lên đến 30MW - được xem là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay.
Nếu tính tổng cả 14 trung tâm dữ liệu thì Viettel đã có tới 230.000 máy chủ, 81.000m2 mặt sàn, 11.500 tủ rack, 87MW điện - tương đương một trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới. Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ. Theo một số nguồn tin, tổng vốn đầu tư trung tâm này lên đến 6.000 tỉ đồng.
Trước đó, vào tháng 10-2023, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu thứ 8 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích còn lớn hơn cả Vietel, tới 23.000m2 sàn, dù quy mô ít hơn với khoảng 2.000 tủ rack.
Trung tâm này đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế, xây dựng lắp đặt và sắp tới sẽ là chứng chỉ về vận hành. Uptime Tier là tiêu chuẩn đánh giá quốc tế về các tiêu chí như thiết kế, vận hành, xây dựng, quản lý và sự ổn định của một trung tâm dữ liệu.
Tier IV là cấp độ cao nhất thế giới hiện nay. Trước đó, Công ty VNG cũng đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier III tại TP.HCM với quy mô diện tích sàn là 12.400m2, khả năng chứa 1.600 tủ rack...
FPT đang xây dựng trung tâm dữ liệu thứ 4 của mình tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Hiện tại, FPT đang vận hành 3 trung tâm dữ liệu với tổng diện tích sàn là 17.000m2, 4.000 tủ rack... Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hiện đang có tổng cộng 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack, tổng công suất thiết kế là 145MW.
Với sự bùng nổ của chuyển đổi số ở Việt Nam, các doanh nghiệp đều cho biết sẽ tiếp tục phải xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu mới với quy mô "khủng" hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu dữ liệu.
Ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Viettel, tiết lộ: "Tới năm 2025, hãng sẽ đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack".
Ông Huỳnh Quang Liêm, tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cũng cho biết "sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh và bền vững" hướng tới mục tiêu trở thành Digital Hub của khu vực.
Đối thủ ngoại bắt đầu hợp tác
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng hằng năm về thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam khoảng trên 15%/năm và Việt Nam đang là 1 trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi trên thế giới.
Tuy nhiên, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Bên cạnh quy mô, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng được đánh giá là còn "non trẻ" trong năng lực vận hành trung tâm dữ liệu khi so sánh với những "gã khổng lồ" như Google hay Amazon. Do đó, "sự cạnh tranh trên thị trường này đang ngày càng khốc liệt hơn" - ông Nguyễn Thành Danh, giám đốc điều hành VNG Data Center, chia sẻ.
Theo ông Danh, có thể kể ra những khó khăn như: chưa có thương hiệu và tên tuổi trên thị trường quốc tế, hạ tầng và vận hành chưa hoàn toàn đạt yêu cầu của các công ty nước ngoài tầm cỡ, hạn chế trong quan hệ với các khách hàng quốc tế, hạn chế về nguồn vốn...
Dù vậy, doanh nghiệp nội có lợi thế là sự hiểu biết về thị trường, am hiểu quy định pháp luật trong nước, dịch vụ chăm sóc khách hàng kịp thời hơn, chi phí dịch vụ cũng rẻ hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay các công ty nước ngoài chưa thật sự tự xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam nhưng đã có một số liên doanh giữa các công ty nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để triển khai các trung tâm dữ liệu lớn. "Việc này sẽ nâng cao chất lượng trung tâm dữ liệu về hạ tầng lẫn vận hành, tăng sức cạnh tranh của các trung tâm dữ liệu trong nước so với các công ty lớn trên thế giới", ông Danh tin tưởng.
Theo ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Công ty Viettel IDC, trước đây khi trung tâm dữ liệu của Việt Nam chưa phát triển mạnh, nhiều Big Tech (công ty công nghệ hàng đầu thế giới) đã có ý định vào Việt Nam xây dựng trung tâm dữ liệu riêng để khai thác "mỏ vàng đang rất sơ khai".
Tuy nhiên, trong ba năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, FPT, VNPT, VNG, CMC đều có trung tâm dữ liệu mới với quy mô ngày càng lớn.
"Các Big Tech bắt đầu cân nhắc lại chuyện là có xây dựng riêng không. Bây giờ họ cũng thấy vào là cạnh tranh", ông Nam chia sẻ và nhận định "họ thấy cách khả thi nhất để có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh sớm là hợp tác với các nhà cung cấp trong nước".
Theo ông Danh, một số Big Tech đã quay lại đàm phán để sử dụng hạ tầng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Như mới đây, Viettel và Microsoft đã ký kết hợp tác cùng triển khai công nghệ điện toán đám mây (cloud) trong đó kết hợp hạ tầng Viettel Cloud và nền tảng Microsoft Azure Cloud (1 trong 4 hệ sinh thái cloud lớn nhất thế giới thuộc Microsoft) để cải tiến sản phẩm, Việt hóa các ứng dụng của Microsoft và phân phối trong nước.
Ngược lại, về phía Microsoft, việc sử dụng hạ tầng trung tâm dữ liệu cũng như am hiểu về thị trường nội địa của Viettel Cloud sẽ giúp Azure Cloud có thể giải quyết các bài toán của khách hàng thuộc phân khúc hành chính công.
Trung tâm dữ liệu là "trái tim" của mạng Internet
Trung tâm dữ liệu được xem là "trái tim" của Internet và là "xương sống" của nền kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ cho thế giới số.
Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tại Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò của mình trong nền kinh tế với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, tạo ra việc làm cho lao động địa phương. Hiện khách hàng đang sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu nhiều nhất ở các mảng như game, thương mại điện tử, ngân hàng, tài chính chứng khoán...
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam dự kiến đạt mức 1,03 tỉ USD vào năm 2028, hơn 1,26 tỉ USD năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8% mỗi năm. Việc phát triển mạnh của thị trường trung tâm dữ liệu cũng tạo ra nhiều thách thức cần giải quyết như điện nước tiêu thụ, phát thải carbon, xử lý chất thải... để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận