Chính quyền Seoul sẽ tham gia vũ trụ ảo metaverse - Ảnh: GETTY
Mới đây, metaverse chính thức đi vào kế hoạch quản lý đô thị của chính quyền Thượng Hải và Seoul.
Metaverse, tương lai của thế hệ Internet 3.0, là một loạt các thế giới ảo liên kết với nhau, cho phép người dùng tương tác với các vật thể số hóa và các avatar (đại diện của một người trên Internet).
Kế hoạch 5 năm của Thượng Hải
Một bản kế hoạch vừa được Ủy ban Kinh tế và công nghệ thông tin thành phố Thượng Hải công bố ngày 29-12-2021 đề cập đến việc phát triển metaverse. Theo kế hoạch này, metaverse là một trong bốn chủ đề hành động trong kế hoạch 5 năm phát triển ngành công nghiệp thông tin điện tử của thành phố.
Theo kênh truyền hình CNBC (Mỹ), những lĩnh vực cụ thể được chính quyền Thượng Hải khuyến khích phát triển bao gồm: áp dụng metaverse trong các lĩnh vực như dịch vụ công, văn phòng kinh doanh, giải trí xã hội, sản xuất công nghiệp, an toàn sản xuất và trò chơi điện tử.
Chính quyền Thượng Hải còn có kế hoạch khuyến khích nghiên cứu và phát triển thêm các công nghệ cơ bản, chẳng hạn như cảm biến, tương tác thời gian thực và blockchain (công nghệ chuỗi khối).
Báo chí Trung Quốc cho biết kế hoạch của thành phố Thượng Hải đánh dấu lần đầu tiên một chính quyền địa phương đề cập đến metaverse trong kế hoạch 5 năm.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Tencent và Alibaba cũng đang trong quá trình phát triển công nghệ metaverse.
Tập đoàn công nghệ Baidu, có trụ sở tại Bắc Kinh, vừa tổ chức hội nghị đầu tiên của Trung Quốc trong vũ trụ ảo metaverse. Sự kiện này đánh dấu việc ra mắt ứng dụng Metaverse của Baidu cho các nhà phát triển. Hôm 21-12-2021, phó chủ tịch Ma Jie của Tập đoàn Baidu nói với các phóng viên rằng ứng dụng của Baidu có thể tạo không gian cho 100.000 người tham dự hội nghị ảo.
Ông cho biết Baidu đặt mục tiêu xây dựng một nền tảng nguồn mở cho các nhà phát triển metaverse, nói nôm na là xây dựng hạ tầng cho thế giới ảo.
Tập đoàn Alibaba cũng có một trang web quảng cáo các dịch vụ đám mây metaverse. Vào tháng 11-2021, chủ tịch Martin Lau của Tập đoàn Tencent cho biết ông hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ sự phát triển của các công nghệ metaverse với các quy định cụ thể cho thị trường Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn dịp cuối năm 2021 trên kênh truyền hình CNBC, ông Winston Ma, giáo sư luật tại Đại học New York (Mỹ), cho biết sau một năm cấm và có nhiều quy định giám sát chặt chẽ hơn về các loại công nghệ, bao gồm cả tiền điện tử, ông e ngại chính quyền Trung Quốc sẽ ban hành các quy tắc giám sát mới về phát triển metaverse.
"Metaverse Seoul"
Chính quyền thành phố Seoul đang ráo riết đẩy mạnh việc xây dựng nền tảng cơ bản metaverse của riêng mình khi bước vào năm 2022.
Được gọi là "Metaverse Seoul", kế hoạch được công bố vào tháng 11-2021 này dự định tạo ra một hệ sinh thái giao tiếp ảo cho tất cả các lĩnh vực quản lý của thành phố, trong đó có kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và dịch vụ công.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu của thủ đô Seoul, chẳng hạn như Lễ hội đèn lồng Seoul, cũng sẽ được tổ chức trên "Metaverse Seoul" để mọi người trên khắp thế giới đều có thể được chiêm ngưỡng.
Vào năm 2023, Seoul còn có kế hoạch mở "Trung tâm Metaverse 120" để giải quyết các dịch vụ công ảo. Trong "Trung tâm Metaverse 120", các hình đại diện (avatar) sẽ giải quyết các mối quan tâm của người dân mà trước đây chỉ có thể được xử lý ở tòa thị chính thành phố.
Nếu kế hoạch thành công, người dân Seoul có thể đến một tòa thị chính ảo để làm mọi thứ, từ tham quan di tích lịch sử đến nộp đơn khiếu nại dân sự, bằng cách đeo kính thực tế ảo.
Khi đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2026, ứng dụng này sẽ được tổ chức thông qua nhiều chức năng công cộng, bao gồm: văn phòng thị trưởng ảo, cũng như các không gian phục vụ lĩnh vực kinh doanh; một vườn ươm công nghệ tài chính (fintech); và một tổ chức đầu tư công.
"Metaverse Seoul" cũng tham gia vào Digital New Deal của Hàn Quốc - một kế hoạch toàn quốc sử dụng các công cụ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng trung tâm và nền kinh tế. Đây là kế hoạch phục hồi của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra.
Con người có thể tiếp cận vũ trụ ảo qua các thiết bị kính thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Theo giới chuyên gia, các thiết bị này có thể là rào cản đối với nhiều người dân. Tai nghe thực tế ảo vẫn được bán với giá 300 USD và 600 USD, đồng thời chúng không được sử dụng rộng rãi như điện thoại thông minh và máy tính.
Thành lập Hiệp hội Metaverse Nhật Bản
Bốn công ty trong ngành công nghiệp tiền điện tử và blockchain, bao gồm FXcoin, Ginco, Coinbest và Intelligence Unit, đã thành lập Hiệp hội Metaverse Nhật Bản (JMA).
Hiệp hội Metaverse Nhật Bản được thành lập chính thức vào ngày 7-12, với mong muốn hỗ trợ Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia hàng đầu hỗ trợ tích cực cho công nghệ metaverse vốn đang rất phát triển. Đồng thời giúp phục vụ các quỹ đầu tư tiền mã hóa toàn cầu bằng cách cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến metaverse.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận