26/03/2013 08:12 GMT+7

Đưa việc làm về vùng sâu

NGỌC TÀI - TR.GIANG
NGỌC TÀI - TR.GIANG

TT - Thay vì phải xa nhà, xa con đi làm công nhân ở TP.HCM hoặc thức dậy từ tờ mờ sáng đón xe đến các khu công nghiệp cách nhà hàng chục cây số để làm việc, giờ đây hàng ngàn lao động ở vùng sâu của tỉnh Bến Tre chỉ cần bước ra khỏi cửa là đến chỗ làm.

Cjc8XOPU.jpgPhóng to
Nhiều người dân xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre) làm công nhân tại xưởng may của Công ty Thành Kiều - Ảnh: Ngọc Tài

Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre đã triển khai được tám mô hình đưa doanh nghiệp (DN) và việc làm về vùng sâu, mang lại lợi ích cho DN lẫn người lao động.

Xưởng may, nhà máy ở nơi “khỉ ho cò gáy”

Mở cơ sở sản xuất vệ tinh ở vùng sâu

Ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết tỉnh Bến Tre cũng chú trọng giúp các cơ sở sản xuất, làng nghề mở “vệ tinh” ở các vùng sâu vùng xa. Các vệ tinh này thu hút một lượng lao động nông nhàn rất lớn. Chẳng hạn, HTX bó chổi Sáu Luyến (huyện Thạnh Phú) mở được 10 vệ tinh, tạo việc làm cho 200 lao động, cơ sở đan lát làm thảm chỉ sơ dừa của ông Nguyễn Văn Đông (huyện Mỏ Cày Bắc) có 18 vệ tinh ở 18 xã với khoảng 300 lao động...

Cách TP Bến Tre hơn 50km, xã biển Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) là xã nghèo nhất của huyện này. Vậy mà ở nơi “khỉ ho cò gáy” này lại có một xưởng may lớn. Đó là xưởng may của Công ty TNHH may mặc Thành Kiều do một doanh nhân ở TP.HCM đến đầu tư. Công ty này hiện có 250 công nhân làm việc tại xưởng và 550 người khác nhận hàng về nhà gia công. Hiện công ty thông báo tuyển thêm 200 công nhân nữa...

Vừa hết giờ làm việc ca sáng, chị Nguyễn Thị Linh vội vã về nhà ăn cơm và chơi với con trai 4 tuổi. Chị Linh bảo nhờ xí nghiệp may chỉ cách nhà chưa đầy 2km nên mỗi sáng chị đi chợ mua thức ăn cho gia đình, ăn sáng rồi đi làm vẫn kịp. Trưa tranh thủ về nhà ăn trưa với gia đình, ru con ngủ, sau đó trở lại làm ca chiều. “Trước đây tôi lên Sài Gòn rồi qua Bình Dương làm công nhân. Xa nhà, xa con mà chi phí sinh hoạt, thuê nhà trọ cao nên làm bù đầu cũng không có dư. Bây giờ làm ở xưởng may gần nhà với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, lo cho gia đình xong mỗi tháng tôi con tích lũy khoảng 1 triệu đồng” - chị Linh khoe.

Khi mô hình “Vườn dừa mẫu lớn” thực hiện thí điểm tại xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm) hoạt động hiệu quả, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phối hợp với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre triển khai mô hình ở hai xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam) và Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc). Tỉnh hỗ trợ đầu tư máy móc cho công ty mở xí nghiệp chế biến dừa tại hai xã này, thành lập các tổ hợp tác thương lái mua dừa. Những thương lái này khi mua dừa cho nhà máy được hưởng hoa hồng, còn những người trong gia đình họ có thể đến nhà máy làm việc. Hiện hai xã Minh Đức và Thanh Tân đã tiếp nhận 80 lao động nông nhàn với mức lương thấp nhất 3 triệu đồng/tháng...

Doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty Thành Kiều, cho biết thu nhập trung bình của công nhân may tại công ty ông từ 2-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn phụ cấp cho công nhân 200.000 đồng tiền ăn trưa, 400.000 đồng tiền chuyên cần (nếu đi làm trên 25 ngày/tháng) và 200.000 đồng tiền xăng cho những công nhân có nhà cách công ty hơn 10km. Công ty đã giúp nhiều nam nữ thanh niên vùng quê Bảo Thạnh và sáu xã lân cận có việc làm ổn định, thu nhập khá hơn nghề nông.

Giải thích lý do đưa xưởng may về tận vùng sâu, ông Thành nói quê gốc của ông ở huyện Ba Tri. Sau 30 năm bôn ba làm ăn ở TP.HCM, ông muốn làm việc gì đó giúp người dân nông thôn quê nhà nên từ gợi ý của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, ông Thành quyết định xây dựng nhà xưởng ở xã Bảo Thạnh.

Còn ông Hồ Vĩnh Sang, chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, nói cả ba nhà máy chế biến dừa thuộc dự án đưa DN về nông thôn ở Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc đều hoạt động hết công suất, tức khoảng 4 tấn dừa nguyên liệu/ngày. Mỗi công nhân thu nhập 3 triệu đồng/tháng, còn DN cũng chủ động được nguồn nguyên liệu. “Quan trọng là người trồng dừa được tham gia dây chuyền sản xuất với tư cách công nhân nhà máy. Họ cũng chủ động về thị trường, không còn xảy ra tình trạng thương lái ép giá. Mô hình này đem lại lợi ích cho cả DN và người dân” - ông Sang phân tích.

Từ thành công này, tỉnh Bến Tre quyết định trong năm nay sẽ đưa DN chế biến dừa về năm xã khác nữa để tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bến Tre, chia sẻ mô hình đưa DN, việc làm về vùng sâu mà tỉnh thực hiện cho thấy hiệu quả rất rõ. Bài học kinh nghiệm để làm thành công là tỉnh có chính sách cho DN vay vốn ưu đãi để đầu tư mở nhà xưởng ở vùng sâu vùng xa, hỗ trợ DN đào tạo nghề cho người lao động, có quỹ đất sạch để DN thuê xây dựng nhà xưởng...

NGỌC TÀI - TR.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên