28/03/2013 04:05 GMT+7

Đua vào ghế chủ tịch VFF: Không nhiều người mặn mà

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Hôm nay (28-3), ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) họp để rà soát công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác nhân sự cho đại hội VFF khóa VII sẽ diễn ra vào ngày 5-6.

UWe9PjZf.jpgPhóng to
Người thay ông Nguyễn Trọng Hỷ làm chủ tịch VFF khóa VII được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá thoát khỏi vùng trũng Đông Nam Á - Ảnh: Q.Minh

Đến thời điểm này nhiều CLB, liên đoàn thành viên vẫn chưa giới thiệu ứng viên vào chiếc ghế chủ tịch VFF thay ông Nguyễn Trọng Hỷ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hàng loạt CLB đang chơi ở V-League như Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai, Kiên Giang... đều cho biết chưa đề cử ai cho chức danh chủ tịch VFF khóa VII. Rất nhiều liên đoàn bóng đá các tỉnh, TP cũng không đề cử người vào vị trí chủ chốt vì nhiều lý do.

Ông Phạm Văn Hùng - tổng thư ký LĐBĐ Hải Phòng, thành viên BCH khóa VI - nói: “Hải Phòng chỉ đề cử tôi tham gia ứng cử vào BCH khóa VII, các vị trí chủ chốt khác chúng tôi không có đề cử nào bởi chưa tìm được người phù hợp. Hiện nay qua báo chí, tôi được biết có nhiều ứng viên được đề cử cho chức danh chủ tịch VFF nhưng những ứng viên này chưa có ai thật sự nổi bật, thỏa mãn được kỳ vọng của những người sắp tới sẽ tham gia cầm phiếu bầu”.

Trong khi đó, dù chủ tịch của hai CLB Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai là ông Võ Quốc Thắng và ông Đoàn Nguyên Đức đều là những cái tên được một số đại diện đề cử vào chức danh chủ tịch VFF, tuy nhiên bản thân hai CLB này lại không đề cử ai. Ông Võ Thành Nhiệm - giám đốc điều hành CLB ĐTLA - cho biết CLB này không đề cử ai tham gia BCH và cũng không đề cử ai vào vị trí chủ tịch VFF. Ông Huỳnh Mau - giám đốc điều hành CLB HAGL - cho biết CLB này chỉ đề cử ông tham gia BCH khóa VII nhưng cũng không đề cử ai cho vị trí chủ tịch VFF.

Như thế, hai ứng viên sáng giá nhất hiện nay vẫn là ông Phạm Văn Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và ông Lê Hùng Dũng - phó chủ tịch VFF. Mặc dù vậy, đến thời điểm này cả hai ứng viên trên đều chưa lên tiếng công khai xác nhận tham gia cuộc đua đến chiếc ghế này.

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 27-3, ông Nguyễn Văn Tấn - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VH-TT&DL - nói: “Bộ VH-TT&DL vẫn đang nghe ngóng diễn biến xung quanh việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội VFF sắp tới và chưa có bất cứ động thái nào về việc đề cử người thuộc quản lý của bộ tham gia ứng cử cho vị trí chủ tịch VFF. Chủ tịch VFF là vị trí rất nóng trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên theo trình tự thì VFF sẽ là nơi chuẩn bị các phương án nhân sự cho việc này, sau đó sẽ báo cáo lên bộ. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị của VFF nên chưa có báo cáo gì.”

Một đại diện ban cán sự Đảng Bộ VH-TT&DL nói: “Theo trình tự, nếu ông Phạm Văn Tuấn tự ứng cử hay được đề cử tham gia làm chủ tịch VFF phải thông qua ban cán sự Đảng của Bộ VH-TT&DL. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chúng tôi vẫn chưa thấy có báo cáo gì về việc này”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Viễn - phó chủ tịch VFF, người cũng được một số CLB đề cử vào chức danh tổng thư ký hoặc phó chủ tịch khóa VII - nói: “Tôi cho rằng phải nhìn vào thực tế 4-5 năm nữa hoạch định phát triển của bóng đá VN là gì để tìm ra người phù hợp thực hiện các công việc đó. Nên tránh tình trạng tìm người xong rồi mới xếp việc. Nhiệm vụ trọng tâm của bóng đá VN trong nhiệm kỳ VII là triển khai Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà Thủ tướng vừa phê duyệt”.

“Tôi ủng hộ việc tranh cử công khai”

Trả lời Tuổi Trẻ hôm qua, phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng - một trong những ứng viên sáng giá nhất thay chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ - cho biết ông ủng hộ cuộc đua công khai, thẳng thắn và sòng phẳng vào chiếc ghế chủ tịch VFF. Ông nói: “Năm 2005 trong cuộc bầu cử ban chấp hành VFF khóa V, chúng ta từng chứng kiến cuộc bầu bán rất dân chủ, công khai. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy rất hài lòng với những gì diễn ra tại đại hội. Tôi nghĩ với cách tranh cử công khai, các thành viên làng bóng sẽ có cơ sở chọn lựa, không rơi vào trường hợp bỏ phiếu theo cảm tính, tình cảm riêng tư”.

Tuy nhiên, ông Dũng nói việc để các ứng cử viên tự chọn cho mình êkip ăn ý có thể vẫn chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bóng đá VN.

K.B.

Quan trọng nhất là vận động hành lang “ngầm”

Đó là chia sẻ của giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên viện trưởng Viện Khoa học TDTT. Ông Chí là một trong hai ứng viên cho chức danh chủ tịch VFF khóa V năm 2005. Tuy nhiên, người chiến thắng trong cuộc đua năm 2005 là ông Nguyễn Trọng Hỷ.

Ông Chí chia sẻ: “Theo trình tự của việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội, ban đầu VFF sẽ lấy ý kiến thăm dò từ các CLB, đơn vị thành viên, sau đó đưa lên BCH, thường vụ cho ý kiến, thảo luận. Sau khi đã thống nhất các ứng viên tham gia ứng cử, đề cử cho vị trí này, VFF sẽ báo cáo Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL. Sau khi bộ xem xét sẽ có ý kiến lại với các đề cử này để VFF tiếp tục xem xét. Nhân sự bầu cử chủ tịch không giới hạn về số lượng người. Bộ VH-TT&DL cũng có quyền đề cử người của mình tham gia ứng cử vào chủ tịch VFF. Tại đại hội, chỉ các đại biểu chính thức mới có quyền tham gia bầu cử.

Theo kinh nghiệm của tôi, sau khi VFF đã thống nhất đề cử ai cho chức danh chủ tịch VFF, quan trọng nhất là việc vận động hành lang “ngầm” của các ứng viên, ai vận động tốt thì người đó sẽ giành chiến thắng”.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên