31/03/2014 17:29 GMT+7

Đưa vấn đề nông dân bỏ ruộng ra kỳ họp Quốc hội

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TTO - Ông Bùi Sỹ Lợi (phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH) cho biết sẽ đưa vấn đề nông dân bỏ ruộng tại kỳ họp Quốc hội sắp tới để Quốc Hội, Chính phủ có chính sách thiết thực cho nông dân.

8rYSYZi6.jpgPhóng to
Diện tích đất nông nghiệp ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang bỏ hoang nhiều năm nay - Ảnh: Hà Đồng

Ngày 31-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa gồm các ông: Bùi Sỹ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội), Lê Nam (phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh), Lê Quang Hiệp (chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD4) đã có buổi giám sát về tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng tại huyện Hậu Lộc.

UBND huyện Hậu Lộc cho biết, đến nay huyện có 69,83ha đất nông nghiệp bỏ hoang, với 1.170 hộ không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, trong đó bỏ hoang đất cấy lúa là 68,72ha (với 1.159 hộ). Riêng xã Tiến Lộc có tới 41,14ha đất nông nghiệp bỏ hoang lâu nay, với 747 hộ nông dân không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Trong số đó có 65 hộ nông dân làm đơn trả ruộng cho UBND xã, với diện tích 3,19ha.

Báo Tuổi Trẻ từ ngày 20 đến 24-12-2013 đã có loạt bài phản ảnh tình trạng nông dân bỏ ruộng:

Kỳ 1:

Kỳ 2:

Kỳ 3:

Kỳ 4:

Theo cử tri và lãnh đạo huyện Hậu Lộc, nguyên nhân nông dân bỏ ruộng, trả ruộng là hiệu quả sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là gieo cấy lúa) không cao; tập trung ở những xã có ngành nghề. Công việc làm khác thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể tại làng nghề rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc có mức thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng/lao động/tháng. Nhiều nơi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng chưa được xây dựng đồng bộ, kiên cố, các xứ đồng lại xa khu dân cư, chi phí sản xuất nông nghiệp cao, nên thực lãi mỗi sào cấy lúa (500m2) chỉ được từ 50.000-70.000 đồng/tháng.

Tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Văn Ấp - bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện - cho biết để giải quyết thực trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng, huyện đã và đang chỉ đạo mạnh mẽ đổi điền, dồn thửa (HĐND huyện sẽ có hẳn một nghị quyết chuyên đề này), để giảm số mảnh ruộng manh mún, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông sản hàng hóa.

Theo ông Ấp, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân về KHKT, cây con giống để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là khu vực nông dân bỏ ruộng hoang, trả ruộng…

Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) và buổi làm việc với UBND huyện Hậu Lộc, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các cử tri.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết sẽ phản ảnh vấn đề nông dân bỏ ruộng tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa sẽ có báo cáo với Quốc hội về thực trạng nông dân bỏ ruộng tại địa phương, để Quốc hội, Chính phủ có chính sách quản lý đất đai một cách hợp lý, sát với thực tiễn hơn; có chính sách hỗ trợ thiết thực cho bà con nông dân.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên