26/10/2013 04:23 GMT+7

Đưa tin thi cử thất thiệt, bị phạt 3-6 triệu đồng

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Chính phủ ban hành có bổ sung nhiều hành vi vi phạm mà các nghị định cũ chưa điều chỉnh, các hành vi vi phạm gây bức xúc xã hội...

wH0nBWcu.jpgPhóng to
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH 2013. Năm 2014 thí sinh sử dụng tài liệu sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng - Ảnh: Như Hùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - chia sẻ:

- Nghị định điều chỉnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm theo hướng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe và khả thi. Các hành vi vi phạm được mô tả một cách chuẩn xác và rõ ràng hơn, phân biệt rõ một số hành vi chỉ có cá nhân vi phạm để áp dụng mức phạt phù hợp. Các hành vi vi phạm gộp trước đây hay bị hiểu nhầm được tách ra thành các khoản riêng để đảm bảo khi thực hiện hành vi đó được hiểu chính xác.

Lớp học vượt quá sĩ số: khó khả thi

Không phạt học sinh tiểu học

Theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, người đủ 14 tuổi mới bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại điều lệ trường tiểu học, học sinh tiểu học có độ tuổi 6-14 tuổi. Vì vậy, học sinh tiểu học không là đối tượng bị xử phạt.

* Quy định xử phạt trường học có lớp vượt quá sĩ số học sinh như dự thảo ban đầu đã được điều chỉnh thế nào khi thực tế ở một số thành phố lớn, việc lớp học vượt sĩ số hoàn toàn không phải lỗi của nhà trường, thưa ông?

- Dự thảo ban đầu đưa ra việc xử phạt hành chính đối với những lớp học vượt quá sĩ số, trường học không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất về sân chơi, bãi tập, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành... Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan quản lý, ban ngành và các cơ sở giáo dục, thông qua các ý kiến hội thảo về dự thảo nghị định và kết quả làm việc trực tiếp của ban soạn thảo với một số tỉnh, thành phố lớn, thấy rằng lớp học quá đông là hiện tượng có thật, nhất là ở các thành phố lớn. Hiện trạng này do điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất còn bất cập, cần khắc phục dần nên không xử phạt nữa. Xử phạt chỉ là một hình thức tác động, nhưng trong trường hợp này rất khó khả thi.

* Nghị định có mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định dạy thêm giảm nhẹ nhiều so với dự thảo liệu có làm giảm sự nghiêm túc trong thực hiện?

- Từng điều khoản của nghị định đã được ban soạn thảo nghiên cứu, tính toán trên cơ sở thực tiễn xã hội, ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo tính khả thi, răn đe. Mức phạt cao chưa hẳn đã tốt, nhất là đối với nhà giáo. Việc đưa ra các quy định xử phạt phải nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nhận thức đúng về sai phạm của mình, tích cực khắc phục sai phạm do mình gây ra.

* Từ ngày 10-12, nếu người học mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị phạt hành chính 1-2 triệu đồng. Quy định này chỉ áp dụng cho những kỳ thi quốc gia như thi ĐH, thi tốt nghiệp THPT hay áp dụng cho tất cả các kỳ thi trong nhà trường?

- Với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, việc xử phạt sẽ được áp dụng nghiêm túc cho tất cả các kỳ thi, không chỉ giới hạn chỉ ở các kỳ thi cấp quốc gia. Đặt ra quy định này, ngành giáo dục hi vọng tất cả các kỳ thi từ thi học kỳ, thi hết năm đến các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều được tăng cường tính nghiêm túc, bảo đảm có được những kỳ thi “sạch”, góp phần đổi mới thi cử thiết thực, hiệu quả. Do đó, không chỉ có thí sinh mà ngay cả giám thị, giám khảo, hội đồng thi vi phạm quy định về thi như giám thị làm bài hộ thí sinh, trợ giúp thí sinh làm bài, giám khảo mang vật dụng không được phép vào khu vực chấm thi, tổ chức chấm thi sai quy định... cũng sẽ bị xử phạt hành chính.

Thủ tục xử phạt sẽ được thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính.

Tung tin đồn thất thiệt: cũng phạt

* Có ý kiến lại cho rằng để dạy sự trung thực cho học sinh khi làm bài thì quan trọng vẫn là sự giáo dục hằng ngày cho các em trong nhà trường chứ không phải là việc đưa ra các mức phạt có vẻ chưa phải là biện pháp răn đe phù hợp trong môi trường sư phạm?

- Đúng là trong nhà trường thì biện pháp tuyên truyền giáo dục phải là biện pháp cơ bản. Việc đưa ra các hình thức xử phạt không chỉ nhằm xử phạt mà trước hết nhằm cảnh báo để mọi người biết, tránh sai phạm. Tuy vậy, ai đó cố tình vi phạm - kể cả người học đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi - thì tùy mức độ mà phải chịu hậu quả pháp lý.

* Quy định phạt tiền đối với chính giáo viên, cán bộ nhà trường nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học được nhiều người ủng hộ, nhưng việc xác định những vi phạm này có vẻ không dễ dàng?

- Những hành vi như xỉ vả học sinh, dán băng keo vào miệng học sinh, dùng thước kẻ đánh học sinh, để bạn cùng lớp dàn hàng tát học sinh... như báo chí đã nêu là những dấu hiệu cấu thành vi phạm này.

* Việc thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ bị phạt 3-6 triệu đồng. Quy định này sẽ được áp dụng cho cá nhân tung tin đồn thất thiệt và cả cơ quan báo chí nếu đưa tin không đúng về kỳ thi?

- Thực tế, trong những kỳ thi vừa qua có hiện tượng đưa thông tin không đúng về kỳ thi như sai sót đề thi, tiêu cực trong thi cử, lộ đề thi..., nhưng sau khi xác minh đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Dù là tin thất thiệt nhưng vẫn ảnh hưởng, gây tâm lý bất an cho thí sinh, phụ huynh và cả xã hội. Vì vậy, bên cạnh cơ chế tiếp nhận thông tin chính xác về các kỳ thi, kể cả thông tin tích cực hay tiêu cực, tăng thêm những kênh thông tin giám sát các kỳ thi an toàn, nghiêm túc cũng cần có chế tài với hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu. Nếu việc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng lớn còn có thể bị xử lý bằng chế tài pháp lý nghiêm khắc khác.

Một số mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục

- Phạt 2-4 triệu đồng với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, phạt 4-6 triệu đồng với hành vi dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép. Ngoài ra, nếu vi phạm một trong hai điều trên sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm 6-12 tháng.

- Phạt 6-12 triệu đồng với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép, đồng thời bị đình chỉ hoạt động dạy thêm 12-24 tháng.

- Phạt 5-10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học.

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt 200.000-500.000 đồng đối với hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học với người học các cấp học phổ cập.

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt 500.000- 1.000.000 đồng với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập.

- Phạt 1-2 triệu đồng với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi.

- Phạt 2-3 triệu đồng với hành vi làm hộ bài thi, trợ giúp thí sinh làm bài.

- Phạt 3-5 triệu đồng với hành vi thi thay, thi kèm.

- Phạt 7-10 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi.

- Phạt 8-10 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định.

- Phạt 10-12 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài.

- Phạt 20-50 triệu đồng với hành vi làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi.

- Với người nước ngoài tổ chức chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài khi chưa được cấp phép tại Việt Nam, ngoài bị phạt 40-60 triệu đồng còn bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên