31/10/2024 15:41 GMT+7

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới bằng nhượng quyền, giá trị nông sản tăng đến 100 lần

Nhượng quyền là hình thức xuất khẩu trí tuệ với giá trị cao bậc nhất, đóng góp lớn cho GDP. Dù rất hiệu quả để đưa hàng hóa, nông sản, thương hiệu Việt ra quốc tế, nhưng mảng này vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới bằng nhượng quyền, giá trị nông sản tăng đến 100 lần - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phi Vân (Shark Vân) bày tỏ hy vọng sau 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có nhiều thương hiệu nhượng quyền quốc tế thành công hơn - Ảnh: BÔNG MAI

Chia sẻ với Tuổi Trẻ tại "Triển lãm công nghệ cửa hàng và nhượng quyền" đang diễn ra ở TP.HCM, bà Nguyễn Phi Vân - chủ tịch Mạng lưới nhượng quyền và cấp phép tại Việt Nam, chủ tịch Go Global Holdings - đưa ra nhiều dữ liệu đáng chú ý về tiềm năng phát triển lớn mạnh của thị trường quan trọng này, cũng như sự thiếu hụt nghiêm trọng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Mô hình giúp hàng hóa, nông sản Việt tăng giá trị đến 100 lần nhưng chưa được quan tâm đúng mức

"Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu rất lớn về nhượng quyền, nhưng thông thường vẫn tự mày mò", bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Trong khi đó, nhượng quyền là một trong những hình thức xuất khẩu mô hình và thương hiệu thành công bậc nhất trên thế giới, được nhiều chính phủ trên thế giới quan tâm, đóng góp 3-12% vào GDP. 

Ngành này đóng góp cao vào GDP của Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines, Nhật, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…

"Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành nhượng quyền đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia quan tâm xây dựng kinh tế tri thức. Hình thức xuất khẩu trí tuệ với giá trị cao nhất", bà Phi Vân cho hay. Đây là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn về nguồn lực.

Việt Nam đang là thị trường có dư địa phát triển rất lớn, cơ hội cho tất cả các thương hiệu nuôi giấc mơ quốc tế hóa. Đây vừa là cách tăng tốc quốc tế, cũng là kênh phát triển doanh thu và giá trị thương hiệu, đặc biệt trong ngành sản xuất, nông nghiệp và bán lẻ.

Nước ta có thế mạnh về phát triển ẩm thực. Nhượng quyền cũng là mô hình hiệu quả, giúp giá trị nền nông nghiệp, nông sản Việt lên từ 30-100 lần, so với xuất khẩu nguyên liệu thô cà phê, tiêu… như hiện tại.

Cho đến nay, các thương hiệu Việt có những bước đầu tiên nhượng quyền quốc tế như Phở 24, Trung Nguyên, Highlands, Cộng cà phê... đều vẫn còn hạn chế về mức độ và tốc độ phát triển. Tuy nhiên, một số thương hiệu trẻ như trà sữa Phúc Tea, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé Care With Love, Phở'S... cũng đã có động thái ra quốc tế.

Lưu ý, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống bài bản, không nên làm đại làm càn, học lóm. Thận trọng chọn đối tác phù hợp. Không bao giờ vì khao khát mở rộng nhanh mà ký kết với bất kỳ ai đang có tiền và có ý định đầu tư. Nhượng quyền không phải là kênh đầu tư dành cho tất cả mọi người, muốn thành công phải hiểu biết về ngành.

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới bằng nhượng quyền, giá trị nông sản tăng đến 100 lần - Ảnh 2.

Shark Vân ký kết thương vụ rót vốn, hỗ trợ nhượng quyền quốc tế cho thương hiệu sô cô la dùng 100% nguyên liệu trong nước - Ảnh: BÔNG MAI

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hàn, Nhật… muốn "cắm cờ" nhượng quyền tại Việt Nam

Không chỉ các doanh nghiệp Việt muốn vươn ra thế giới thông qua hình thức nhượng quyền, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ các nước thuộc lĩnh vực ẩm thực, công nghệ, giáo dục, dịch vụ, tài chính... cũng đang săn đón, xúc tiến vào Việt Nam.

Hiện tại, nhiều thương hiệu đình đám toàn cầu như của Bắc Mỹ, Tây Âu và Bắc Á đã thâm nhập vào Việt Nam qua hình thức nhượng quyền, dần chiếm lĩnh thị trường như: McDonald's, KFC, Starbucks, Domino's...

Ở khu vực châu Á, không ít quốc gia đã đi trước Việt Nam 20-30 năm, tạo ra loạt thương hiệu và mô hình xuất khẩu sang nước ta. Năm 2024 là năm chứng kiến doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia và Singapore... tìm nhà đầu tư, đổ bộ ào ạt vào Việt Nam qua nhượng quyền.

Bên cạnh nắm bắt cơ hội, bà Phi Vân cũng nhấn mạnh việc cẩn trọng. Có doanh nghiệp nước ngoài chỉ tìm cách "cắm được cây cờ" vào Việt Nam, mở rộng ồ ạt. 

Chẳng hạn như chuỗi trà sữa Mixue đưa ra các điều kiện rất dễ dàng, kèm lời hứa hẹn về tài chính, khiến nhiều người rơi vào. "Đến khi thấy không như mong đợi thì đã muộn". Cần tìm hiểu rõ về sự chuyên nghiệp, uy tín, nền tảng hỗ trợ vững mạnh... trước khi nhận nhượng quyền

"Triển lãm công nghệ cửa hàng và nhượng quyền" lớn nhất và duy nhất Việt Nam đang diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7), quy tụ hơn 300 gian hàng - 250 thương hiệu đến từ 15 quốc gia, kéo dài từ 31-10 đến 2-11-2024.

Hãng nghiên cứu thị trường Technavio dự đoán tổng giá trị thị trường nhượng quyền toàn cầu tăng từ 2.900 tỉ USD lên 4.300 tỉ USD giai đoạn 2023-2027, tương đương mức tăng đột biến 48%.

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới bằng nhượng quyền, giá trị nông sản tăng đến 100 lần - Ảnh 3.Phở Việt nhượng quyền đến Philippines

Cùng với chuỗi phở, hệ thống trà sữa và dịch vụ chăm sóc mẹ và bé của doanh nghiệp Việt Nam cũng hoàn tất ký kết nhượng quyền cho đối tác tại Philippines.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên