Phóng to |
Anh Hoa Nghiêm thực hiện một tác phẩm thư pháp lên mũ bảo hiểm |
Sau hình vẽ, hình dán, thư pháp cũng đang lên ngôi. Thật thú vị khi biết rằng người đưa thư pháp lên MBH lại là những "ông đồ” rất trẻ.
So với hình vẽ, hay hình dán, thư pháp có ưu thế “hút” sự tò mò của người xung quanh hơn bởi những nét chữ bay lượn trong những câu ca dao, tục ngữ hay thơ văn thi vị. Sở hữu một chiếc MBH hàm chứa thông điệp “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”, một bạn trẻ tỏ ra tự hào: “Đi ngoài đường ai cũng nhìn mình, mỗi lần dừng đèn đỏ ai cũng chăm chú đọc dòng chữ trên nón. Nhiều cậu thanh niên hiếu thắng còn chạy xe theo đọc cho ra chữ mới thôi. Thấy cũng thích thích”.
Cửa hàng của ông chủ trẻ Hoa Nghiêm (thành viên CLB thư pháp Nét Việt - Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) trên đường 5, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM là một trong những địa chỉ tìm đến của những bạn trẻ thích trang trí MBH bằng thư pháp.
Phóng to |
Thư pháp lên mũ bảo hiểm |
Không có mục đích kinh doanh, tất cả những người chơi thư pháp đều vẽ thư pháp trên MBH như một sự tình cờ. “Đơn đặt hàng” trang trí MBH đầu tiên anh Nghiêm nhận được cách đây hai năm là của đôi vợ chồng người bạn thân. Vì nhà ở Bình Dương nên hai người phải thường xuyên đội MBH lên thành phố làm.
Anh chàng này sau khi diện chiếc MBH có đôi câu “Hạnh phúc nào cũng chan hòa mật đắng. Cố tìm quên là gợi nhớ suốt đời” đã làm chị vợ rất bất ngờ và ngay lập tức được nhiều người “hỏi thăm”.
Từng thể hiện thư pháp lên rất nhiều chất liệu như: giấy, đá, mành, tre trúc… nhưng với Lê Hải (chủ cửa hàng số 7 Trương Hán Siêu, Q1, TP.HCM): “Viết thư pháp đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, có những nét chữ mỏng như sợi tóc nên độ trơn nhẵn và độ bám yếu của MBH là trở ngại lớn nhất”.
Đặc biệt, vẽ thư pháp không phải là viết thư pháp, chữ một khi đã viết xuống là không thể xóa đi viết lại. Song, ngoài những chiếc mũ mới cứng, ở cửa hàng của anh cũng có một số MBH đã cũ, trầy sơn. Anh Nguyễn Hòa, cộng sự của anh Lê Hải bỏ nhỏ: “Tụi này là thợ “chữa cháy” mà. Chỗ nào bị cũ, trầy sẽ trang trí thêm ít hoa văn. MBH xấu cũng có thể “diện” như thường”.
Không những các bạn trẻ thích sự phá cách mới tìm đến thư pháp, một số bác tóc hoa râm cũng thích làm đẹp MBH với những thông điệp hơi “nghiêm khắc” như: an toàn là bạn, tai nạn là thù; chậm mà chắc… Còn những bạn trẻ thích đùa thì sẽ chọn những câu: cứ từ từ, xin đừng hôn em…
Anh Hoa Nghiêm cho biết, những câu được khách hàng ưa chuộng viết lên mũ thường là những câu thể hiện tình cảm, nhân sinh như: ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau; sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
Vì thời gian vẽ một nón bảo hiểm tối đa là một tiếng đồng hồ nên khách hàng có thể ngồi xem vẽ trực tiếp. Với anh Lê Hải đó là sự cho - nhận chứ không đơn thuần là sự mua - bán.
Với giá khá mềm, 50.000 đồng trở xuống cho những mẫu đơn giản và 50.000 - 100.000 đồng cho những mẫu cầu kỳ, phức tạp, các bạn có thể tung tăng xuống phố với những chiếc MBH không đụng hàng và đầy cá tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận