Theo thông tin được host Bình Bồng Bột nói trong chương trình, Trăm năm sân khấu là dự án hun đúc tình yêu của khán giả với các loại hình sân khấu, nhất là sân khấu dân tộc.
Mùa đầu tiên tập trung vào nghệ thuật cải lương. Đến nay, chương trình đã phát được bốn tập. Khách mời là các nghệ sĩ Kim Cương, Bạch Tuyết, Hữu Châu, đạo diễn Hồng Dung.
Đùa về "đời sống ngắn" của nghệ sĩ Thanh Nga
Tuy nhiên, số mới của Trăm năm sân khấu đang gây tranh cãi trên mạng. Số này phát từ cuối tháng 3, có khách mời là NSƯT Hữu Châu, mang tên Sân khấu cải lương đang phục sinh mạnh mẽ.
Nhiều khán giả chê cách dẫn chương trình của biên kịch, nhà báo Bình Bồng Bột (Thanh Bình), cho rằng cách đặt câu hỏi của anh với nghệ sĩ Hữu Châu là "vô duyên", áp đặt suy nghĩ cá nhân.
Một số câu hỏi mang tính chất riêng tư mà không có giá trị khai thác chủ đề Trăm năm sân khấu. Phong cách nói chuyện của host cũng bị cho là không phù hợp với nghệ sĩ lớn tuổi…
Đặc biệt, nhiều khán giả bức xúc khi Bình Bồng Bột ví von: "Cải lương á, con thấy đời sống của nó tương đối ngắn ngủi. Chẳng hạn mình lấy cô Thanh Nga làm ví dụ, cô sống một đời sống rất ngắn". Khán giả lên án, cho đây là cách nói thiếu tôn trọng người đã mất.
Ngoài ra, trong số Trăm năm sân khấu có đạo diễn Hồng Dung, câu nói so sánh hát bội - cải lương của bà gây chú ý.
Bà nói có ý: "Hát bội dùng chữ Nho đã không hiểu thì chớ, còn cách hát cũng không làm cho người ta nghe được lời thì người ta không cảm nhận được nhân vật đó, trừ khi là những pho truyện người ta đã biết và hình dung được câu chuyện và nhân vật trên sân khấu đang nói cái gì.
Còn cải lương giúp cho người ta nghe, hiểu được cốt truyện, nhân vật, thông qua âm nhạc của cải lương người ta cảm thấy nó dễ chịu hơn, gần gũi hơn".
Nhiều người cho rằng đây là so sánh quá khập khiễng và thiển cận. Chưa hết, trang Hiếu Văn Ngư, một tổ chức đang phối hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM làm dự án "Hát bội 101", Trăm năm sân khấu sử dụng những cảnh quay của họ về hát bội mà không xin phép, lại sử dụng ở lập trường phê phán.
Lòng tốt cũng cần cẩn trọng
Tuổi Trẻ Online liên lạc với nghệ sĩ Hữu Châu. Ông cho biết không phàn nàn gì về chương trình.
Hữu Châu nói: "Các bạn làm với tấm lòng rất tốt, thương cải lương thiệt sự. Nếu họ không có tấm lòng sao mời được cô Kim Cương, cô Bạch Tuyết… Chẳng qua họ còn trẻ, phong thái hiện đại, cách ngồi, cách đặt câu hỏi hơi thoải mái chút. Có khi mọi người không hiểu thì làm những người có tấm lòng họ nản.
Hồi trước dịch bệnh, các bạn còn làm các cuộc thi cải lương nhỏ. Người tham gia toàn là người trẻ đờn bài Dạ cổ hoài lang bằng nhạc cụ mới dễ thương lắm. Họ muốn cải lương gần với người trẻ. Bản thân tôi, rồi cô Hai Kim Cương cũng không thấy có vấn đề gì hết".
Ông Hoàng Vũ - giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM - buồn vì câu so sánh "hát bội - cải lương" gây tranh cãi.
Ông nói: "Mấy anh em nghệ sĩ hát bội phẫn nộ lắm. Nhưng tôi khuyên mọi người bình tĩnh, tìm hiểu kỹ. Mọi người buồn cũng có lý do vì hát bội đang hoạt động khó khăn, tụi tôi đang cố gắng từng ngày để giữ gìn. Đã không thương thì thôi đừng ghét bỏ".
Tác giả câu so sánh hát bội với cải lương, đạo diễn Hồng Dung, cho biết chưa xem chương trình Trăm năm sân khấu. Bà nói với Tuổi Trẻ Online: "Tôi trò chuyện với các bạn khoảng 3 tiếng nhưng không biết các bạn biên tập như thế nào. Lúc tôi nói là về hát bội ngày xưa chứ không phải hát bội bây giờ.
Về giai đoạn cải lương xuất hiện, trước đó đã có hát bội. Rồi có nhiều loại hình của phương Tây du nhập, lúc đó sẽ có một số người cảm thấy như hát bội khó nghe và để dễ hiểu, dễ cảm hơn thì người kết hợp hát bội có sự giản lược và các loại hình khác để từ từ có cải lương".
Chúng tôi liên lạc công ty Bột, nơi sản xuấtTrăm năm sân khấu. Anh Nguyễn Phương, em trai host Bình Bồng Bột, cho biết công ty đã gửi email giải thích với tổ chức Hiếu Văn Ngư. Ê kíp đang cân nhắc để phản hồi dư luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận