Ông Lê Việt Đước và cục đá ông mang về từ đảo Trường Sa Đông - Ảnh: M.L.
"Tôi bảo bác phải ăn đi chứ ốc không để lâu được, ông ấy bảo là muốn để cho mẹ nó một ít. Tôi nói nếu vậy thì cháu cho người lấy ruột ốc ra bỏ vào tủ cấp đông để bác mang về cho bà. Quà của con gửi từ đảo quý như thế nên ông muốn mang về khoe với vợ...", đại tá Thuân nói.
Ra đó, nhìn cái gì cũng nhớ lại thời trai tráng của mình ở đảo.
Ông Trần Văn Thế
Mang tre ra Trường Sa
Không chỉ ra thăm con trai, con rể, ông Trần Văn Thế (Khánh Hòa) còn thăm lại nơi ngày xưa từng lưu dấu chân mình. Ông là lính công binh của trung đoàn 83 (giờ là lữ đoàn 83) đi xây các công trình ở Trường Sa từ năm 1977 đến năm 1990.
Tháng 6-2012, lần đầu tiên sau 22 năm ông Thế mới được quay lại Trường Sa trong chuyến đi thăm con trai (thiếu úy Trần Văn Hùng) và con rể (Nguyễn Đức Thiện).
"Khi ra đến Trường Sa, tôi xúc động lắm vì lâu lắm rồi mới được thăm lại nơi cũ. Năm xảy ra sự kiện 14-3-1988, tôi đang ở Nam Yết. Lúc đi thăm con trai, con rể, chúng nó cũng đang ở Nam Yết" - ông Thế xúc động, rớm nước mắt khi nhớ lại chuyến đi.
Ngoài trứng gà, cá khô, hoa quả... mang ra làm quà cho hai con, ông Thế còn mang theo ba gốc tre. "Tôi nghĩ trên đảo bây giờ cây gì cũng có, chỉ có cây tre là chưa. Tôi mang ba gốc tre là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam ra đảo trồng, để bộ đội nhìn tre là thấy hình ảnh quê hương mình và cũng nhắc các cháu bộ đội về sức sống của người Việt Nam mình, không gì khuất phục được" - ông Thế giải thích
Hơn 20 năm mới trở lại thăm đảo xưa, ông Thế bùi ngùi đi tìm từng công trình mình đã xây dựng. "Ra đó, nhìn cái gì cũng nhớ lại thời trai tráng của mình ở đảo. Bờ kè chắn sóng, các lô cốt, bể nước, giao thông hào bêtông quanh đảo... ngày xưa chúng tôi xây giờ vẫn còn. Giờ đảo như thành phố nổi. Nhà cao tầng, đèn đóm xung quanh sáng trưng. Tôi thấy cuộc sống trên đảo đổi thay nhiều như vậy, tự hào lắm" - ông Thế nói.
Ông Hà Văn Nghĩa và con trai chụp ảnh kỷ niệm bên cột mốc chủ quyền đảo Thuyền Chài A - Ảnh: NVCC
Chống gậy lên tàu
Trước chuyến đi gần một tháng, ông Hà Văn Nghĩa (Ninh Bình) bất ngờ bị trượt ngã phải bó bột. Cả gia đình đều ngăn không cho đi nhưng ông quyết tâm đi. Cuối tháng 5-2017, ông bố này chống gậy đi từ Ninh Bình lên tàu lửa vào Sài Gòn.
"Thằng Linh (chiến sĩ Hà Văn Linh) con tôi ra đảo từ tháng 7-2015, gần hai năm rồi nhớ con quá phải cố gắng đi. Với lại đời người mấy ai có cơ hội ra Trường Sa. Nghĩ vậy nên dù chân đau tôi vẫn cố gắng đi. Hôm khám sức khỏe, mấy ông bác sĩ bảo chân này sao đi đảo được. Ông phó chính ủy Vùng 4 hỏi thăm quê quán rồi bảo đi thử mấy bước xem thế nào. Lúc đó đau lắm nhưng tôi cố đi mấy bước cho ngon lành. Tôi bảo với các ông ấy: nói thật với các bác là tôi chống gậy từ tận miền Bắc vào đây đấy, là tôi đã rất quyết tâm ra đảo thăm cháu nó... Chắc thấy tôi tội nghiệp quá nên mấy ông ấy đồng ý cho mình lên tàu đi luôn" - ông Nghĩa kể lại.
Dù chống gậy ông Nghĩa vẫn ráng vác theo chục quả bưởi, 5 lít nước mắm tép là quà quê hương mang ra cho con và đồng đội.
"Ra đảo tôi vẫn phải chống gậy. Lên xuống tàu xuồng đều có người dìu. May chuyến đó trời yên biển lặng. Đến ngày thứ năm tôi mới lên đảo Thuyền Chài A. Đó là đảo chìm. Đảo có ít người nên nhìn là thấy con trai tôi ngay. Nó đứng lẫn trong đám lính đảo ra đón. Chân đau nhưng con tôi cố lôi xuống biển chơi, lặn ngắm san hô, ngắm cá biển. Chuyến đó đi 18 ngày, tôi ở trên đảo được sáu ngày. Bận đó đảo Thuyền Chài A có năm ông bố ra thăm, tối hát karaoke giao lưu vui lắm. Đêm lính tráng nằm trải chiếu dưới nền nhà. Thân nhân được nằm giường. Năm ông bố mỗi ông một giường. Gió ngoài đảo to tợn, thổi lật cả chiếu lên!".
Năm ông bố ra thăm con trên đảo Thuyền Chài A chụp ảnh kỷ niệm cùng các con - Ảnh: NVCC
Bố vợ thăm con rể
Trong những chuyến tàu chở thân nhân ra Trường Sa, có cả những ông bố vợ sẵn sàng vượt hàng ngàn kilômet ra đảo thăm con rể như ông Lê Việt Đước. Ông Đước đi xe từ Thanh Hóa vào TP.HCM cuối tháng 5-2017 rồi xuống tàu ở quân cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM). Con rể ông là trung úy Nguyễn Minh ở Trường Sa Đông.
"Lúc đó nó đã đi đảo lần thứ hai. Bố ruột nó mất từ trước khi lấy vợ. Nó đăng ký cho bố vợ đi. Tôi coi như đi thay cho bố nó - ông Đước kể - Đảo Trường Sa Đông tàu không cập được cầu cảng. Tàu phải neo cách đảo 500m đợi xuồng ra đưa thân nhân vào đảo. Lúc đầu tôi không biết Minh trong tổ xuồng CQ, cứ nhìn vào đảo ngóng con. Khi tôi chuẩn bị leo cầu thang xuống xuồng thì nghe giọng thằng Minh gọi: Bố! Hai bố con ôm nhau thắm thiết".
Chuyến đi đó ông Đước có 11 ngày đêm ở trên đảo Trường Sa Đông. "Trường Sa Đông là đảo nổi, đẹp lắm.
Hôm giao lưu cán bộ chiến sĩ và thân nhân trên đảo Trường Sa Đông rất vui. Tôi làm hai bài thơ, một bài tặng con rể "Vô tư đi con" và một bài viết thay cho những người vợ ra đảo thăm chồng. Trên đảo có năm ông bố, một bà mẹ.
Chiều, mấy ông bố đánh bóng chuyền, đánh cầu lông với bộ đội. Bố ra thăm nhưng thằng Minh không được nghỉ, vẫn công tác bình thường. Những đêm trên đảo, tôi thích nhất là ngắm trăng. Trăng Trường Sa đẹp lắm. Tôi ngủ trễ vì mải ngắm trăng và còn đi thăm các tổ chiến đấu, động viên các con. Ở ngoài đấy tinh thần căng lắm. Thương chúng nó, tôi xung phong gác thay, bảo các con đi nghỉ đi để bố gác cho nhưng chúng nó không chịu".
Không muốn về
Ông Đước bảo trên đảo Trường Sa Đông có dàn đồng ca buổi sáng. Cứ 5h đảo báo thức.
Đảo có 120 con chó. Chỉ cần một con sủa là cả đàn sủa theo. Sau đến gà trống gáy, gà mái cục tác, rồi đến lợn kêu ủn ỉn.
"Lúc về tôi không muốn về. Nhiều ông khóc. Nhưng tôi kiên gan không nhỏ nước mắt. Lúc đưa tôi ra tàu, Minh lấy khăn lau nước mắt. Tôi cười bảo: Minh ơi, vững vàng lên con! Nói vậy thôi chứ trong lòng mình bùi ngùi lắm. Tôi cứ đứng ngoài boong tàu nhìn cho đến khi khuất đảo mới thôi...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận