Cơ quan chức năng thu giữ tạp chất bơm vào tôm tại một cơ sở mua tôm sú nguyên liệu ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) - Ảnh: Trần Nguyên |
* Ông Hồ Quốc Lực (tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng):
Chế tài quá nhẹ tay
Tình trạng đưa tạp chất vào tôm đã tồn tại trên 20 năm nay, nói hoài nhưng chưa giải quyết được. Để ngành tôm Việt Nam phát triển, ngoài các giải pháp đã và đang thực hiện, phải coi việc bơm tạp chất vào tôm là vấn đề sống còn, cần được giải quyết dứt điểm.
Sở dĩ trong nhiều năm qua không giải quyết căn cơ tình trạng bơm tạp chất vào tôm là do chế tài quá nhẹ tay. Hành vi đưa tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng, đem lại lợi nhuận “khủng” và nhiều hệ lụy xấu, nhưng khi phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.
Vi phạm này là vấn đề nhức nhối, nên cần được đưa vào Bộ luật hình sự, phải xử lý hình sự thì những người làm ăn bất chính mới sợ.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần “thanh lọc” một số cán bộ có chức trách ở lĩnh vực này. Không ít trường hợp có tin báo cơ sở thu mua đang bơm tạp chất vào tôm, nhưng khi kiểm tra thì không phát hiện vì bị “lộ” thông tin.
Riêng đối với doanh nghiệp, cần kiên quyết nói không với tôm bơm tạp chất bằng việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ công đoạn mua đến tiếp nhận nguyên liệu, không mua tôm có tạp chất của những cơ sở làm ăn gian lận.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động rà soát chương trình quản lý chất lượng, tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm sản xuất sản phẩm tôm.
* Ông Nguyễn Như Tiệp (cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT):
Có thể xử lý hình sự
Đề án đã được Chính phủ thông qua đặt ra hai mục tiêu: hết năm 2017 hoàn thành việc vận động các cơ sở thu gom tôm không bơm tạp chất vào tôm, các doanh nghiệp cam kết không chế biến tôm bị bơm tạp chất, thanh tra đột xuất và phạt nặng một số cơ sở vi phạm phát hiện được; đến hết năm 2018 thì xử lý cơ bản tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm.
Trong năm 2017, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra và phạt nặng các cơ sở vi phạm phát hiện được. Dự kiến đợt thanh tra sẽ được tiến hành vào tháng 4, tháng 5 với sự tham gia của Bộ NN&PTNT và Bộ Công an.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và vệ sinh thực phẩm cho phép phạt đến 7 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là doanh nghiệp và 3 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là cá nhân.
Hàng hóa giá trị 100 triệu đồng, mức phạt nếu vi phạm là 300 - 700 triệu đồng thì theo tôi là không thấp.
Tuy nhiên, do bơm chích tạp chất vào tôm sẽ được hưởng siêu lợi nhuận từ việc tăng trọng lượng và tăng kích cỡ tôm nên dù mức phạt hành chính hiện hành không thấp, ở Cà Mau từng có doanh nghiệp bị phạt 500 triệu đồng, nhưng vẫn chưa xử lý được tình trạng bơm tạp chất vào tôm.
Chính phủ cũng đã giao các bộ liên quan rà soát để có thể áp dụng xử lý hình sự với hành vi này. Nếu phạt hành chính thật nặng, áp dụng các hình thức phạt bổ sung thì chế tài mới đủ sức răn đe và các cơ sở bơm chích tạp chất sẽ e ngại nếu có dự định làm việc này.
Tuy nhiên, cần áp dụng các biện pháp tổng thể, phải nâng mức xử lý, nâng mức chế tài và các địa phương vào cuộc mạnh mẽ thì việc xử lý tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm mới thật sự hiệu quả.
Cơ sở thu gom tôm có bơm tạp chất hay không thì địa phương biết ngay vì chủ cơ sở không thể làm một mình, họ phải thuê người và trả công cho người bơm tạp chất. Nhưng vấn đề là địa phương đã tập trung rà soát để phát hiện hay chưa?
Nếu địa phương tập trung cho mục tiêu này cùng với mức chế tài cao hơn, tôi cho rằng việc ngăn chặn tôm bơm chích tạp chất sẽ có hiệu quả.
* Ông Ngô Thành Lĩnh (tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau): Lãnh đạo huyện, xã phải chịu trách nhiệm Có một thực tế ở Cà Mau là khi bị kiểm tra, xử lý thì người bơm tạp chất vào tôm chạy về địa bàn giáp ranh tỉnh Bạc Liêu để làm. Vì vậy, theo tôi, điều trước tiên là cần phải xử lý vi phạm này đồng loạt trên cả khu vực, đặc biệt ở các địa bàn nóng như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, chứ tỉnh này làm mà tỉnh kia không làm thì cũng như không. Thứ hai, phải đặt trách nhiệm của lãnh đạo huyện, xã theo hướng xã nào, huyện nào để xảy ra tình trạng bơm tạp chất vào tôm thì lãnh đạo xã đó, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, thậm chí phải bị cách chức. Thực tế không ai biết nguồn gốc việc chích tạp chất vào tôm bằng chính quyền địa phương, nhưng lâu nay họ dung túng, bao che. Đã làm thì phải làm từ gốc, chứ làm từ ngọn như vừa qua thì bịt được đầu này lại bị xì ở đầu khác. Thủ tướng đã “phất cờ” rồi, bây giờ chủ tịch UBND các tỉnh cần ra văn bản, cần mời chủ tịch UBND huyện lên ký kết nếu xảy ra tình trạng này ở địa bàn huyện nào thì chủ tịch huyện đó phải chịu trách nhiệm. Rồi cấp huyện lại mời cấp xã lên giao trách nhiệm như vậy. Chúng ta phải chống bơm chích tạp chất vào tôm như chống ma túy mới được. Ngoài ra, đoàn liên ngành của cấp tỉnh phải thường xuyên kiểm tra đột xuất và thành phần trong đoàn này phải chuyên nghiệp, không quan liêu, không để xảy ra tình trạng mua bán thông tin. Những địa phương nào làm tốt nên có khen thưởng cụ thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận