Dừa sáp vượt lãnh địa Cầu Kè

MINH TÂM 03/03/2017 22:03 GMT+7

TTCT - Dừa sáp là loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế của tỉnh Trà Vinh, nhưng gần như chỉ được trồng trên phần đất của H.Cầu Kè, đem khỏi nơi này dừa không cho trái sáp nữa.

Anh Đặng Minh Bé cho biết tất cả trái trên cây đều đạt tỉ lệ 100% là trái sáp -Minh Tâm
Anh Đặng Minh Bé cho biết tất cả trái trên cây đều đạt tỉ lệ 100% là trái sáp -Minh Tâm


 Những hạn chế này đã được các nhà khoa học của Trường ĐH Trà Vinh khắc phục khi nhân giống dừa sáp thành công bằng phương pháp nuôi cấy phôi.

Biến phôi dừa sáp thành cây giống khỏe mạnh

Từ lâu, dừa sáp được người trồng ưa chuộng vì giá trị kinh tế cao. Đây là cây trồng thích hợp cho ngành dịch vụ và du lịch, lại có khả năng chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn, chịu ngập, kháng bão tố nên cũng là loại cây rất thích hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Tuy nhiên, dừa sáp cực kỳ khó tính, chỉ cho sáp khi trồng trên đất của H.Cầu Kè.

Chưa hết, dừa sáp thuộc giống dừa cao, thụ phấn chéo, là sản phẩm của quá trình đột biến gen, do đó trong tự nhiên, tỉ lệ sáp trên cây rất thấp và không ổn định, dao động 2-25%.

Các nhà vườn chọn phương pháp ươm giống bằng cách chọn trái không sáp trên cây dừa có sáp để ươm thành cây. Cách nhân giống cổ truyền này dễ làm nhưng tỉ lệ đậu trái dừa sáp rất thấp, dưới 30%. Những đặc thù này đã hạn chế đến sản lượng dừa sáp và tất nhiên ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn.

Theo TS Lâm Thái Hùng, trưởng khoa nông nghiệp - thủy sản Trường ĐH Trà Vinh, thành công của đề tài “Nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi tại tỉnh Trà Vinh” là đạt được tỉ lệ đậu trái dừa sáp tới 90%.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, giảng viên bộ môn trồng trọt và phát triển nông thôn, khoa nông nghiệp - thủy sản Trường ĐH Trà Vinh, cho biết họ đã trải qua rất nhiều công đoạn: đầu tiên là lấy phôi trong trái dừa sáp để cấy, nuôi trong môi trường dinh dưỡng.

Khi phôi phát triển thành cây con khoảng 12 tháng tuổi sẽ đem ra vườn ươm thuần dưỡng cho cây quen với độ ẩm, môi trường bên ngoài, cây cao gần 1m mới cung ứng ra thị trường, tổng cộng mất khoảng 18 tháng.

Qua 8 năm nghiên cứu, năm 2012 nhóm mới thành công khi “biến” các phôi thành cây con khỏe mạnh với tỉ lệ nuôi cấy 10 phôi được 5 cây con. Đó chính là bước khởi đầu để đưa oại dừa độc đáo này vượt khỏi “lãnh địa” Cầu Kè, sống khỏe mạnh ở vùng đất khác, mở ra triển vọng cho bà con nông dân.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai theo dõi phôi giống dừa sáp trong phòng thí nghiệm -M.Tâm
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai theo dõi phôi giống dừa sáp trong phòng thí nghiệm -M.Tâm

 

Cây cho 100% trái sáp

Năm 2012, Trường ĐH Trà Vinh đã bán 400 cây dừa sáp giống 18 tháng tuổi với giá 800.000 đồng/cây cho các hộ ở H.Châu Thành trong tỉnh với cam kết tỉ lệ trái sáp đạt trên 70%.

Trong số những người mua giống, có người đã thu hoạch dừa sáp đợt đầu tiên vào năm 2016 với tỉ lệ trái sáp đạt đến 100%.

Thành công đó thuyết phục thêm một số hộ dân ở Châu Thành mua 150 cây giống dừa sáp của trường. Sở KH&CN Trà Vinh cũng mua 1.060 cây giống để xây dựng 6ha dừa sáp cấy phôi cho dự án nông thôn miền núi mà sở triển khai trong năm 2017.

Tại 2ha vườn dừa sáp của anh Đặng Minh Bé (xã Lương Hòa, H.Châu Thành, Trà Vinh), những cây dừa trĩu buồng xen cạnh những cây dừa trổ bông vàng tươi. Anh Bé là một trong những người đầu tiên mua cây giống dừa sáp bằng phương pháp cấy phôi của ĐH Trà Vinh.

Anh Bé cho biết năm 2012, anh mua 300 cây giống 18 tháng tuổi, đến năm 2016 thì 100 cây trong tổng số 300 cây đã cho thu hoạch trái. Cứ mỗi tháng mỗi cây cho một buồng, mỗi buồng trên năm trái, tất cả trái trên buồng đều đạt tỉ lệ 100% trái sáp. Riêng 200 cây dừa sáp còn lại trong năm nay sẽ lần lượt cho trái.

Theo anh Bé, sở dĩ anh mạnh dạn đầu tư loại dừa độc đáo này vì đã nghiên cứu kỹ thị trường của chúng. Hiện nhu cầu dừa sáp rất cao, không đủ cung ứng cho thị trường ĐBSCL nên sau khi dừa cho trái, thương lái đến mua rất đông.

Anh quyết định mở cơ sở kinh doanh dừa sáp để tự bán sản phẩm của mình. Nhiều khách hàng ở Nhật, Mỹ, châu Âu liên lạc với anh để mua với số lượng lớn, nhưng anh từ chối bởi không đủ hàng cung cấp. Nhiều du khách nước ngoài đến Trà Vinh khi thưởng thức loại dừa độc đáo này đã đề nghị mua dừa sáp số lượng lớn, anh cũng phải từ chối.

Anh Bé nói: “Giá cây cộng tiền phân bón, công chăm sóc... lên chừng 1,5 triệu đồng/cây, nhưng khi cây được 3,5 - 4 tuổi bắt đầu cho trái liên tục. Hiện mỗi cây trung bình một tháng cho một buồng 5-6 trái, đều là trái sáp, giá loại I dao động 160.000 - 200.000 đồng/trái, nên cứ mỗi tháng tôi bỏ túi 800.000 - 1.200.000 đồng/cây”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận