Xác định việc đưa sáng tạo, công nghệ vào nông nghiệp là bước đi đột phá để tăng trưởng, lãnh đạo Đắk Lắk tự tin tiếp sẽ cận thêm những thị trường khó tính nhất..
Một ngày rất bình thường của ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco 2-9) gồm rất nhiều công việc: họp, điều hành bộ máy hàng trăm nhân lực, tiếp đối tác...
Nhưng trên thực tế, rất nhiều nông dân lại khá quen mặt với vị doanh nhân trẻ này khi ông thường xuất hiện trò chuyện với nông dân ở các vườn cà phê...
Từ hương vị Việt ở tiệm cà phê Mỹ...
Trong câu chuyện say sưa về cà phê, ông Huy cho rằng nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành cà phê nói riêng đang phát triển ngày càng hiện đại, đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Dân số ngày càng tăng, diện tích đất canh tác sẽ giảm dần nên việc làm nông nghiệp hiệu suất cao sẽ trở thành một xu thế tất yếu.
Công ty Simexco 2-9 là doanh nghiệp đã có hơn 30 năm cùng nếm trải "ngọt bùi, cay đắng" với cà phê, nông dân nên thấu hiểu bước đi sắp tới phải là nông nghiệp thâm canh, công nghệ cao. Tuy nhiên VN mới chỉ tự hào với sản lượng lớn (chiếm 3/200 tỉ USD ngành cà phê toàn cầu), một tỉ lệ quá nhỏ, vẫn còn biên độ "mênh mông" để khai thác.
Ông Huy khoe, vài năm trở lại đây công ty đã có thêm nhiều bạn hàng ở khắp các quốc gia muốn tìm hiểu, đặt cà phê từ Việt Nam để rang xay, chế biến. Nhiều bạn hàng lớn nhận xét các sản phẩm cà phê của đơn vị nói riêng, cà phê Việt nói chung có chất lượng khá tốt và ngày càng tin tưởng lựa chọn. Theo vị tổng giám đốc trẻ, cà phê Việt đã hoàn thành suất sắc sứ mệnh về quốc gia sản xuất sản lượng lớn.
Đã đến lúc cà phê Việt khẳng định hương vị, thương hiệu của mình. Mỗi lần các bạn hàng đến tìm hiểu về cà phê, tôi đều giới thiệu cho họ cách thưởng thức cà phê của người Việt và nhiều người vô cùng thích thú.
Bởi, nếu để người nước ngoài tự pha chế theo cách của họ thì hương vị Việt sẽ mất đi, cà phê Việt sẽ mãi không có trên bản đồ thế giới. Vậy nên, với quyết tâm đưa hương vị cà phê Việt đi xa, ông Huy cho biết Công ty Simexco 2-9 đã có những bước đi ban đầu để đưa cà phê Việt đến người tiêu dùng Mỹ.
"Một vài bạn hàng, người yêu cà phê đến Buôn Ma Thuột, tôi đều giới thiệu cho họ cách pha chế, thưởng thức cà phê Việt Nam để họ trải nghiệm. Rất vui là nhiều du khách đã "nghiện" cà phê Buôn Ma Thuột và đã đem hương vị này vào tiệm của mình tại Mỹ.
Những người làm cà phê như chúng tôi muốn không chỉ là hạt cà phê Việt đến mọi nơi trên toàn cầu mà mong mỏi cách thưởng thức, văn hóa, hương vị cà phê Việt phải có mặt nhiều hơn nữa ở những quốc gia trên thế giới", ông Huy mong mỏi.
... Đến khát vọng vươn xa của nấm sạch
Cũng chứa những khao khát nâng tầm nông sản, đưa nông nghiệp xanh trở thành xu hướng phát triển bền vững, ông Đoàn Xuân Trường, giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đã dành nhiều tâm huyết cho các sản phẩm nấm do chính mình tạo ra.
Là doanh nhân xuất phát từ lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ông Trường "nhảy" sang nông nghiệp và nhận thấy phải gắn chặt với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ông đã chủ động tìm đến Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, quy trình sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn. Khi trở về, ông đầu tư hệ thống nhà xưởng bài bản với quy trình sản xuất được thiết kế một chiều, thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra được tách biệt, đảm bảo môi trường sạch cho nấm sinh sôi, không bị nhiễm bệnh.
Đến nay, sau ba năm triển khai, mô hình trồng nấm của ông Trường với quy mô 6.000 m² đã đạt chứng nhận ISO 22.000 và VietGAP. Đặc biệt, mô hình đã cho lợi ích kép vì vừa có nguồn thu từ điện năng, vừa có nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Các sản phẩm nấm tươi như nấm mèo, nấm sò, bào ngư cho sản lượng 50 tấn/năm và nấm dược liệu như linh chi, đầu khỉ có sản lượng từ 3 - 5 tấn/năm. Đáng nói, mô hình trồng nấm của ông Trường được chọn làm nơi khảo nghiệm giống nấm mới của Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu.
“Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” là giá trị xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam đến với thị trường gần xa”
Luôn ủng hộ những mô hình sáng tạo
Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, các doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp sạch đã cho ra nhiều sản phẩm ngon, bổ, bắt mắt và an toàn. Nhưng để nông nghiệp phát triển hơn nữa, doanh nhân rất cần những "trụ đỡ" từ những người điều hành địa phương. Ông Lê Đức Huy cho rằng: "Sự ủng hộ từ chính quyền địa phương cho sự phát triển của ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp là vô cùng cần thiết".
Theo ông Huy, hiện TP Buôn Ma Thuột vẫn được biết đến là thủ phủ cà phê hạt, các sản phẩm rang xay cũng rất ít, chưa có chỗ đứng. "Doanh nghiệp rất muốn địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ đầu tư để mở thêm các nhà máy chế biến các sản phẩm từ cà phê, dùng các sản phẩm này tăng tính cạnh tranh trên thị trường", ông Huy mong mỏi.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết địa phương đã hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê, nông sản và với chính sách đặc thù mới, các ưu đãi sẽ lớn hơn.
"Chúng tôi sẽ tận dụng thời cơ này để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nhất là các doanh nghiệp đầu tư lĩnh lực nông nghiệp sạch", ông Hưng cam kết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định địa phương luôn ủng hộ việc phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Vì Đắk Lắk là tỉnh nông nghiệp nên xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn bền vững là bước đi thông minh để phát triển.
Thành công từ việc đưa trái sầu riêng đi chính ngạch sang Trung Quốc, mắc ca đến thị trường Nhật... là nỗ lực rất lớn từ doanh nhân, doanh nghiệp nhưng cũng từ vai trò hỗ trợ của địa phương. Giúp doanh nghiệp cũng là giúp nông dân, là để nông sản của tỉnh nâng tầm.
"Bà đỡ" Agribank Đắk Lắk
Trong bước đi vững chắc của ngành cà phê Đắk Lắk nhiều năm qua, không thể không kể đến nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng, trong đó Ngân hàng Agribank Đắk Lắk có vai trò rất lớn.
Tính đến cuối tháng 11-2022, tại Agribank Đắk Lắk dư nợ cho vay đạt 16.531 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp là trên 9.700 tỉ đồng, chiếm gần 70% trên tổng dư nợ.
Chỉ tính riêng vốn đầu tư cho trồng, chăm sóc cây cà phê,... đã lên tới con số gần 4.000 tỉ đồng. Agribank Đắk Lắk chính là ngân hàng thương mại có vốn đầu tư vào cây cà phê lớn nhất trong các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Một trong những nỗ lực quan trọng của Agribank Đắk Lắk là việc "trẻ hóa" vườn cà phê. Sau khoảng 25-30 năm trồng, việc tái canh cây cà phê nhằm "trẻ hóa" vườn là hết sức cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng và của ngành cà phê Việt Nam nói chung. Agribank Đắk Lắk đã cấp hàng ngàn tỉ đồng cho chương trình tái canh cà phê theo hướng hữu cơ, công nghệ cao.
Không chỉ hỗ trợ cho nông dân, nông nghiệp thuần tuý, những năm gần đây Agribank Đắk Lắk còn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp sạch. Các nguồn vốn dành cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chế biến sâu đã được ưu tiên để kích thích việc phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng công nghệ cao, an toàn với người tiêu dùng.
"Việc định lượng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hơi khó nhưng hiện Agribank Đắk Lắk chú trọng vào đòn bẩy tài chính cho việc phát triển nông nghiệp xanh, thực phẩm sạch.
Các gói tài chính tái canh cà phê, sản xuất nông nghiệp sạch được hỗ trợ với lãi suất ưu đãi hơn so với thị trường", một đại diện Agribank Đắk Lắk cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận