25/11/2015 08:10 GMT+7

Đưa sâm Ngọc Linh thành cây “tỉ đô”, phải tính chuyện bán sâm

HỒ TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)
HỒ TẤN VŨ ([email protected])

TT - Nếu được đầu tư bài bản, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cùng chiến lược quảng bá thương hiệu hiệu quả, cây sâm VN - chủ lực là sâm Ngọc Linh nổi tiếng - có thể thu về 1,5 - 2 tỉ USD xuất khẩu mỗi năm.

Nông dân xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) với sâm Ngọc Linh tự trồng - Ảnh: T.Vũ
Nông dân xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) với sâm Ngọc Linh tự trồng - Ảnh: T.Vũ

Ngoài trồng sâm, với độ cao 2.592m, đỉnh Ngọc Linh còn là nơi có thể phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, khám phá nằm gần Hội An, Đà Nẵng. Một khi đường giao thông hoàn thành, việc lên đỉnh núi lạnh 150C nghỉ ngơi trong mùa hè hay sử dụng các sản phẩm từ sâm để phục hồi thể lực chắc chắn thu hút nhiều du khách

Ông HỒ QUANG BỬU (chủ tịch UBND huyện Nam Trà My)

Ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), người chấp bút chính đề án “Bảo tồn và phát triển vùng sâm Ngọc Linh đến năm 2030” vừa được Chính phủ thông qua - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi.

Ông Bửu cho biết mặc dù sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học đánh giá là một trong năm loài sâm tốt nhất thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác đúng tiềm năng của nó, đặc biệt là phát triển và khai thác thương mại sản phẩm này. 

Trong khi đó, huyện miền núi HamYang (Hàn Quốc) khí hậu khắc nghiệt hơn cả Nam Trà My nhưng đã phát triển nghề trồng sâm khá mạnh, mỗi năm thu về gần cả tỉ USD nhờ xuất khẩu sâm.

Ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - trong chuyến khảo sát về việc trồng sâm tại đỉnh Ngọc Linh - Ảnh: T.Vũ

Ông Hồ Quang Bửu
- Ảnh: T.Vũ

* Theo đề án, lợi nhuận thu được từ trồng sâm khá hấp dẫn, tăng 10 lần sau năm năm. Cơ sở nào cho một bài toán như vậy?

- Từ nhiều năm qua, nhiều người Xê Đăng và Ca Dong trên đỉnh Ngọc Linh đã thành công với cây sâm Ngọc Linh. Với giá sâm tươi hiện 20-50 triệu đồng/kg, tùy theo độ tuổi, nhiều nông dân ở xã Trà Linh (Nam Trà My) đã thu hơn 30 tỉ đồng sau năm năm đầu tư 1ha sâm rừng với vốn ban đầu 3 tỉ đồng.

Thực tế cũng cho thấy dù là huyện nghèo nhất nước với 62,9% hộ nghèo, nhưng Nam Trà My có đến 30 người là tỉ phú nhờ trồng sâm. Như vậy nông dân làm được, tại sao doanh nghiệp không làm được?

* Nhưng với số vốn đầu tư lên tới 9.000 tỉ đồng, liệu đề án này có phải là chiếc bánh vẽ để moi tiền ngân sách?

- Đây là tổng kinh phí dự kiến của đề án đến năm 2030, trong đó 7.000 tỉ đồng là vốn huy động xã hội hóa, 2.000 tỉ đồng còn lại từ ngân sách. Với đề án mà Chính phủ vừa thông qua, Quảng Nam sẽ dành 15.000 ha rừng tại Nam Trà My trồng sâm. Dự kiến đến năm 2030 VN sẽ có 500 - 1.000 tấn sâm/năm, doanh thu mang về 1,5 - 2 tỉ USD/năm.

* Ông Đinh Văn Thu (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam):

Sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Đề án phát triển cây sâm được Chính phủ thông qua là cơ hội rất lớn không những cho Quảng Nam, mà còn cho các tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng tương tự như Kon Tum, Quảng Ngãi, Điện Biên, Lai Châu..., đặc biệt mở ra hướng đầu tư mới cho doanh nghiệp. Cơ chế đã có, phần còn lại là bắt tay sao cho mọi việc mang lại hiệu quả. Chính quyền tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư vào vùng trồng sâm và các dịch vụ, sản phẩm sau thu hoạch.

Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trong thân và rễ của sâm Ngọc Linh có 52 thành phần saponin - thành phần quyết định tác dụng dược lý của nhân sâm. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn có 17 axit amin, 20 khoáng chất vi lượng, 0,1% tinh dầu. Thân cây, lá, củ đều có dinh dưỡng và sử dụng được cho sức khỏe con người.

Do đó tôi tin rằng nếu được đầu tư bài bản, sản phẩm sâm VN sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, chứ đây không phải chiếc bánh vẽ như lo ngại.

* Với cơ sở hạ tầng yếu kém, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể nguồn cung cây sâm giống không có, việc thực hiện đề án này liệu có khả thi?

- Đến nay, một con đường dài khoảng 50km trong đề án này đã chính thức khởi công từ trung tâm huyện lên đến gần đỉnh Ngọc Linh ở độ cao khoảng 2.000m, kết nối với xã Mường Hoong của Kon Tum. 15.000 ha rừng đã được quy hoạch, sẵn sàng giao cho doanh nghiệp. Trong đó 100 - 120ha vùng sâm gốc, bảo tồn gen sẽ được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt.

Về cơ chế, tôi nói Nhà nước chỉ thu dịch vụ môi trường rừng của doanh nghiệp 200.000 đồng/ năm/ha để doanh nghiệp trồng sâm trong vòng 25 năm. Nông dân cũng được chia lại đất rừng và hưởng cả khoản tiền dịch vụ bảo vệ rừng của họ. Nhiều ngân hàng cho biết có thể cho người dân trồng sâm vay đến 3 tỉ đồng nếu đề án tốt.

Chúng tôi đã có phương án phối hợp cùng các trường đại học nông nghiệp lớn trên toàn quốc thực hiện chương trình nuôi cấy mô và sản xuất hàng loạt cây giống thành công. Ngoài ra, từ vườn ươm trong dân và khu sâm giống của huyện, tỉnh đủ sức cung cấp cây giống cho các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu.

* Sau khi đề án được Chính phủ thông qua, phản ứng của doanh nghiệp và nhà đầu tư với cây sâm như thế nào?

- Hiện có gần 20 doanh nghiệp chính thức đăng ký đầu tư với chính quyền tỉnh. Ngoài ra, tôi được biết rất nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hàng trăm hecta trồng sâm với nhiều dự án lớn đi trước đón đầu trong việc phát triển thương mại với loài cây này.

Thời gian tới, địa phương cũng sẽ tổ chức một lễ hội sâm quốc tế để quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư, chủ yếu thu hút các doanh nghiệp sâm trên khắp thế giới về đây trưng bày, giới thiệu sản phẩm cùng với sâm Ngọc Linh...

Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp VN tìm thị trường, học hỏi, tìm đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong chuyến đi khảo sát tại HamYang (Hàn Quốc) mới đây, chúng tôi được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết sẵn sàng tham gia đầu tư trồng sâm tại VN nếu Nhà nước có cơ chế.

* PGS.TS Trần Công Luận (hiệu trưởng Trường ĐH Tây đô - giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM):

Cần một chiến lược quảng bá tầm cỡ quốc gia

Việc xây dựng đề án sâm quốc gia là điều nên làm, bởi sâm Việt Nam là một trong năm loại sâm tốt nhất thế giới (cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Canada). Tuy nhiên, muốn thương mại hóa thành công loại cây dược liệu này đòi hỏi rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là sản phẩm và vấn đề quảng bá thương hiệu.

Tôi cho rằng phát triển một vùng sâm bền vững như Nam Trà My (Quảng Nam) đang làm là cần thiết, bởi dù muốn hay không cũng phải có một vùng nguyên liệu ổn định. Tuy nhiên khi xây dựng thương hiệu chỉ nên lấy tên là sâm Việt Nam, bởi người nước ngoài chẳng quan tâm và không cần biết ngọn núi Ngọc Linh ở đâu.

Thực tế cũng cho thấy khách nước ngoài chẳng quan tâm sâm Cát Đằng hay sâm Trường Bạch Sâm (Trung Quốc), chỉ biết đó là sâm Trung Quốc. Tương tự, người ta chỉ biết đó là sâm Hàn Quốc chứ không quan tâm loài sâm này ở đâu, vùng nào.

Việc quảng bá là câu chuyện dài, đòi hỏi cả một chiến lược ở tầm quốc gia về sản phẩm, với sự tham gia nhiều doanh nghiệp. Không phải ngày một ngày hai đưa thương hiệu sẽ thành công ngay, nhưng có làm mới có phát triển, còn hơn để lãng phí loài cây quý hiếm này.

HỒ TẤN VŨ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên