Lều trại canh giữ vị trí ấp trứng rùa biển - Ảnh: B.D.
Sáng 12-7, hàng trăm chú rùa con đã đội vỏ trứng chui ra trong sự vui mừng vô bờ bến của lãnh đạo thành phố Hội An và các nhà khoa học. Số rùa ấp nở thành công này được đặt tên, làm nghi lễ để đưa trở về biển cả.
Đưa trứng từ nơi khác về
Đó là kết quả của một quá trình di chuyển, ấp nở trứng rùa đầy gian nan của các nhà bảo tồn rùa. Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ - chủ nhiệm đề tài khoa học Phục hồi và bảo vệ rùa biển tại - cho biết câu chuyện mà các nhà khoa học đặt ra là làm thế nào để có thể tái tạo bầy đàn cho rùa ở Cù Lao Chàm.
Rùa biển là một loài động vật biển có tập tính sinh sản rất đặc trưng: rùa mẹ trưởng thành (khoảng 20-30 năm tuổi) khi sinh nở sẽ tự định hướng và bơi về nơi chính nó được sinh ra.
Cù Lao Chàm từng là nơi có rất nhiều rùa con được sinh ra. Theo tập tính hoang dã thì các con rùa này sẽ bơi về đây để đẻ trứng, nhưng do biến đổi môi trường sống và sự ác độc của con người nên chúng đã không làm được điều ấy.
Chính vì vậy, bài toán "dụ" rùa trưởng thành về đẻ trứng tại đảo rất khó. Chỉ còn một phương án là đưa trứng rùa từ nơi khác về. Nơi có thể lấy trứng rùa duy nhất cho việc này không đâu khác chính là một khu rất thành công là Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo.
Phương án này được các chuyên gia tại Vườn quốc gia Côn Đảo, Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ủng hộ.
Để đưa trứng rùa biển từ nơi khác về Cù Lao Chàm, ban quản lý khu bảo tồn biển đã tham vấn ý kiến các nhà động vật học hàng đầu về bảo tồn rùa ở các nước. Khi đề cập khoảng cách địa lý 1.000km từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, nhiều nhà khoa học không tin việc chuyển vị trứng rùa sẽ thành công với nhiều chặng di chuyển, thay đổi lịch trình.
Đặc biệt, các nghiên cứu khoa học đã chống lại kế hoạch đó khi cho thấy việc lấy trứng rùa lên khỏi tổ quá 6 giờ (từ lúc trứng ra khỏi bụng mẹ) đem về môi trường khác ấp nở sẽ khó thành công.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ thao tác “đỡ đẻ” một tổ trứng rùa tại Bãi Bấc - Ảnh: B.D.
Hành trình di chuyển
Nhưng những khó khăn, bất lợi và trong cảnh thiếu thốn đủ bề đã không ngăn nổi sự quyết tâm của các nhà khoa học tại Cù Lao Chàm trong việc mang trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm.
Điều khá may mắn và như là cơ duyên cho dự án này là một trong hai trụ cột của dự án là ông Lê Xuân Ái từng có thời gian làm giám đốc tại Vườn quốc gia Côn Đảo với kinh nghiệm hàng chục năm theo dõi công tác bảo tồn loài rùa biển tại đây.
Sau khi hoàn thành nhiều công việc và các thủ tục cần thiết, tháng 9-2017 ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện đợt chuyển vị, đưa trứng rùa từ tổ tự nhiên tại Côn Đảo về Cù Lao Chàm đợt đầu tiên.
Để đạt trọn vẹn mọi thứ, tất cả các khâu chuẩn bị tại cả nơi bứng trứng lên lẫn nơi chôn trứng rùa xuống ấp nở đều được các chuyên gia tập trung xử lý qua hàng tháng trời. Bãi ấp nở tại Cù Lao Chàm được chọn nằm cách trung tâm dân cư đảo khoảng 4km, ở Bãi Bấc - một khu vực có bãi cát thoai thoải và yên tĩnh hiếm hoi còn sót lại của Cù Lao Chàm.
Để có thể đặt trứng rùa xuống ấp nở, toàn bộ bãi cát cũng được dọn sạch. Từng nắm cát được cán bộ, chuyên gia hì hục sàng đãi kỹ. Bãi cát được xử lý môi trường, đo nhiệt độ và rào chắn kỹ càng tại vị trí đào hố chôn trứng rùa để theo dõi quá trình ấp nở.
Trong khi đó, các công việc tại VQG Côn Đảo cũng phức tạp không kém. Qua trao đổi giữa hai bên, việc lấy trứng rùa trước 6 tiếng từ khi trứng ra khỏi bụng mẹ rùa là vô cùng khó bởi rùa đẻ trứng rải rác khắp các bãi cát rồi tự chôn lấp nên không theo dõi hết được. Các chuyên gia quyết định lấy trứng từ 40 ngày tuổi để đưa về.
Ngay trong đợt di chuyển trứng đầu tiên, để có thể theo dõi và đối chiếu các thông số, các nhà khoa học đã quyết định thực hiện kế hoạch đưa trứng bằng cả máy bay lẫn ôtô. Ông Lê Xuân Ái cho biết, từ Côn Đảo về Quảng Nam không có đường bay, nên đoàn phải di chuyển qua nhiều hành trình.
Ở chặng đầu tiên, cả nhóm ôm trứng trong các thùng xốp rồi đi máy bay từ Côn Đảo về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Từ sân bay này, họ chia ra hai tốp khác nhau để tiếp tục hành trình về nơi ấp trứng: một tốp ôm trứng lên xe khách di chuyển bằng đường bộ, tốp còn lại tiếp tục lên máy bay để về sân bay TP Đà Nẵng, từ đó đi thẳng ra đảo Cù Lao Chàm.
Theo kỹ sư Vũ, việc chọn di chuyển cả bằng đường bộ lẫn đường hàng không là để đánh giá chính xác nhất hiệu quả của các phương án, cũng như theo dõi sự thay đổi của trứng ở các điều kiện thời gian, nhiệt độ, môi trường khác nhau, từ đó đúc kết cho các đợt chuyển vị trứng rùa lần sau.
Trong hành trình đưa trứng rùa về đầu tiên dù bằng máy bay (mất 4 tiếng) hay ôtô (mất một ngày một đêm), việc bảo vệ và theo dõi sự thay đổi của các trứng rùa luôn được tập trung cao độ.
Thả rùa con ra biển từ Cù Lao Chàm
Rùa con ấp nở thành công tại Cù Lao Chàm được trả về biển cả - Ảnh: B.D.
Trong hai đợt nhận chia sẻ nguồn trứng rùa tự nhiên ấp nở tại Vườn quốc gai Côn Đảo, kết quả rùa non cạy nở thành công tại các bãi ấp nhân tạo đã làm nức lòng các chuyên gia, khẳng định sự thành công ngoài mong đợi của công tác bảo tồn, phục hồi rùa biển tại Cù Lao Chàm. Hơn 800 chú rùa non đã chui ra từ tổng số 900 trứng.
Ông Lê Xuân Ái và kỹ sư Nguyễn Văn Vũ cho biết giây phút rùa biển bơi ra ăn sóng là một khoảnh khắc không ai làm bảo tồn có thể quên được.
Những chú rùa non được ấp nở bằng tất cả sự yêu thương, công phu của cả ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã lao thẳng ra biển cả, cõng theo những ước hẹn cho ngày mai. Chính những chú rùa này sẽ quay lại và tiếp tục đẻ trứng khi chúng tròn 20-30 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận