24/08/2018 16:15 GMT+7

Đưa rùa về lại Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ môi trường sống cho rùa

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - "Thả rùa non về biển chỉ là một phần, quan trọng nhất của dự án là chúng tôi muốn thấy rùa quay trở về đảo để đẻ trứng và sinh nở rùa non trong an toàn..."

Đưa rùa về lại Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ môi trường sống cho rùa - Ảnh 1.

Bãi Bấc hoang sơ được chọn để làm công tác bảo tồn - Ảnh: B.D.

Chỉ khi nào môi trường Cù Lao Chàm trong lành, yên tĩnh, an toàn và có nhiều thức ăn thì đàn rùa mới trở lại.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ

Để có thể cho ấp nở, thả về biển cả những con rùa vốn được sinh ra từ một vùng đất khác, các cán bộ chuyên gia tại BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phải trải qua hàng tháng trời ăn ngủ với rùa. 

Có người từ khi dự án bảo tồn rùa biển khởi động đến nay gần như dành hết thời gian cho mấy tổ trứng rùa.

Những người ăn ngủ với... rùa

Khi trứng rùa được chôn lấp xuống bãi Bấc ở Cù Lao Chàm, một chiếc lều đơn sơ được dựng lên trên bãi cát, cả ngày lẫn đêm các cán bộ bảo tồn phải túc trực canh giữ 24/24 giờ, không được rời mắt khỏi vị trí chôn trứng. 

Bởi chỉ một phút lơ là, toàn bộ tổ trứng sẽ bị xới tung lên bởi kỳ đà, rắn đảo và thậm chí là bị kẻ xấu moi trộm.

Địa điểm đặt tổ ấp trứng nằm sát con đường bêtông chạy quanh đảo, bên mép bờ biển với bãi cát trải dài mênh mông. Ở đó, các cán bộ phải thay phiên nhau ngồi cả ngày lẫn đêm để nhìn vào tổ trứng, vừa canh thú hoang vừa ghi chép mọi diễn biến tại tổ trứng, báo về cho trung tâm.

Anh Ngô Văn Hai - cán bộ phòng tuần tra và kiểm soát BQL khu bảo tồn - cho biết những ngày "ăn, ngủ" với trứng rùa anh đã may mắn được chứng kiến khoảnh khắc rùa nở. 

Cuối tháng 9-2017, sau nhiều tuần ròng rã nằm canh trứng rùa, lúc 1h sáng anh Hai nghe tiếng động lạ từ hố ấp. Khi rọi đèn xuống thì anh suýt reo lên khi thấy dưới ánh đèn là chi chít những con rùa non đang quẫy hố cát chui lên khỏi mặt đất.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ cho biết những năm về công tác tại Cù Lao Chàm, điều đau xót nhất của anh chính là câu chuyện mà ngư dân kể về sự suy tàn của loài rùa biển trên hòn đảo này. 

Dù không sâu về chuyên môn rùa biển, nhưng khi dự án được manh nha, chính Vũ là người đã thuyết trình, tập hợp tư liệu, củng cố các cơ sở để đề xuất thành công đề tài. Ba năm dự án triển khai, dù nhà chỉ cách đảo mấy chục cây số nhưng ít khi anh về nhà. 

Thời gian của anh hầu như tập trung cho dự án, cho số phận của các con rùa biển mà cả BQL đang dày công chăm sóc.

"Thả rùa non về biển chỉ là một phần, quan trọng nhất của dự án là chúng tôi muốn thấy rùa quay trở về đảo để đẻ trứng và sinh nở rùa non trong an toàn. Chỉ khi làm được như thế, những nỗ lực và công sức của chúng tôi mới thực sự có kết quả" - Vũ nói.

Ngoài Vũ, đội ngũ bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm còn có một trụ cột khác là ông Lê Xuân Ái, người được mệnh danh là "nhà rùa học" với những nỗ lực không mệt mỏi cho dự án cứu vãn loài rùa. 

Từng làm giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, năm 2015 ông nghỉ việc trước thời gian hưu chính thức để về nhận vị trí cán bộ bảo tồn, phục vụ cho dự án bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm. 

Kiến thức rộng, cộng với sự dày dạn của mấy chục năm ăn ngủ với rùa tại Vườn quốc gia Côn Đảo, chính ông Ái là trợ lý và là "cố vấn" đắc lực cho kỹ sư Vũ và đội ngũ các nhà khoa học tại Cù Lao Chàm.

Đưa rùa về lại Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ môi trường sống cho rùa - Ảnh 3.

Một lứa rùa non được ấp nở thành công tại Cù Lao Chàm - Ảnh: B.D.

Cuộc chiến giữ đảo

BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết hệ sinh thái tự nhiên của hòn đảo này vô cùng có giá trị, là mái nhà của rùa biển, các loài tôm cá vào các mùa sinh sản. 

Chính vì mạch tự nhiên đặc biệt này, Cù Lao Chàm là nơi ấp nở, đẻ trứng và tạo đàn cho nguồn thủy hải sản và sinh vật biển của một khu vực biển rộng lớn. Đó cũng là lý do khiến hòn đảo nhỏ này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Một hòn đảo đẹp, thuần phác và nguyên sơ được cả cộng đồng lẫn chính quyền gìn giữ bao lâu nay đang trở thành mục tiêu của các hoạt động kinh doanh khai thác thừa toan tính mà thiếu ý thức bảo tồn. 

Cù Lao Chàm đối diện với vô số nguy cơ: sự tập trung đánh bắt của ngư dân khiến nguồn hải sản dần cạn kiệt, họ khai thác tận diệt và sử dụng lưới nhiều lớp đã triệt hạ đường tìm kiếm thức ăn, các vị trí đẻ trứng sinh sản của các loài thủy hải sản, động vật biển, trong đó có rùa biển. 

Mỗi ngày phải cõng bình quân 4.000 khách du lịch đã khiến Cù Lao Chàm ồn ào, bức bối và chật chội như một ngã tư giờ cao điểm.

Năm 2017, Cù Lao Chàm "dậy sóng" trước dự án resort với những khối nhà bêtông ngay tại các bãi tắm đẹp. 

Người dân đảo muốn lên rừng bắt một con cua về nấu canh, chặt một cành củi khô về nhóm bếp phải xin phép chính quyền thì các dự án chiếm dụng diện tích rộng lớn lại được chính quyền cấp phép.

Dự án bị cộng đồng và các nhà khoa học kiên quyết phản đối là dự án khai thác du lịch của Công ty CP Cá Voi Xanh (Đà Nẵng) tại bãi Bấc. 

Nếu vị trí này được chính quyền tỉnh Quảng Nam phê duyệt để thực nghiệm đề tài phục hồi rùa biển, nằm trong phân khu bảo tồn lằn ranh đỏ thì Cá Voi Xanh lại đề xuất đưa canô đón khách thẳng từ TP Đà Nẵng vào nghỉ dưỡng ngay tại bãi đẻ của rùa.

Theo các nhà khoa học, bãi Bấc, nơi Công ty Cá Voi Xanh đòi làm du lịch, chính là những lồng ấp trứng tự nhiên, nguồn dưỡng đặc biệt của hệ sinh thái biển miền Trung. 

Với sự nhạy cảm và đặc biệt quan trọng đó, bất kỳ một dự án nào, tác động nào thiếu tính toán cũng sẽ cắt đứt mạch sinh thái tự nhiên.

Dự án bảo tồn rùa biển đã thả thành công những con rùa non về đại dương, nhưng với sự đổ bộ của các doanh nghiệp lên Cù Lao Chàm, chuyện rùa có quay về đẻ trứng hay không là một câu hỏi rất khó trả lời.

Đưa rùa về lại Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ môi trường sống cho rùa - Ảnh 4.

Các cán bộ BQL Khu bảo tồn biển kiểm tra vị trí ấp trứng rùa vào ban đêm - Ảnh: B.D.

Phải ưu tiên cho bảo tồn

Theo lãnh đạo UBND TP Hội An và BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, không chỉ Công ty Cá Voi Xanh mà hiện nay Cù Lao Chàm đang đứng trước sức ép khai thác du lịch.

"Nếu không ưu tiên bảo tồn, mạch sinh thái tự nhiên vô cùng quan trọng kéo dài từ rừng dừa Cẩm Thanh của TP Hội An ra tới các vùng biển quanh đảo sẽ bị cắt đứt và có nguy cơ UNESCO sẽ tước danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với Cù Lao Chàm" - TS Chu Mạnh Trinh, cán bộ BQL Khu bảo tồn Cù Lao Chàm, nói.

Đưa rùa về lại Cù Lao Chàm: Tái tạo đàn rùa

TTO - Nếu như trong tự nhiên, việc đẻ con, tái tạo giống nòi là cuộc vượt cạn lặng lẽ của rùa mẹ thì ở môi trường nhân tạo, những cuộc "vượt cạn, ấp nở" này trở nên vô cùng cam go, được thực hiện bởi bàn tay của các kỹ sư bảo tồn.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên