Để có nguồn nước ngọt, nhiều năm qua các nhà quản lý loay hoay tìm giải pháp nhưng xem ra vẫn chưa có một phương án nào hữu hiệu.
Mới đây, một trong những giải pháp được sự quan tâm của dư luận và nhận nhiều ý kiến trái chiều của các nhà khoa học, đó là đầu tư hệ thống dẫn nước ngọt từ nơi khác về vùng sông nước.
Giải pháp công trình để có nước ngọt
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Bến Tre và Cà Mau là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng xâm nhập mặn.
Tại Cà Mau, như một quy luật cứ bốn năm một lần tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sẽ quay trở lại vùng đất này.
Năm nay hạn đến sớm và gay gắt hơn những năm trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Tại huyện Trần Văn Thời (vùng ngọt duy nhất của bán đảo Cà Mau) từ đầu mùa khô đến nay đã ghi nhận hơn 130 tuyến kênh bị sụp lún, 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 14,5km.
Toàn tỉnh đang có hơn 1.800 hộ thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Hiện mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt tiếp tục khô cạn do Cà Mau là tỉnh duy nhất của miền Tây không có được nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mekong.
Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất xây hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau.
Ông Lê Văn Sử, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời và nước ngầm trong sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt. Do đó, theo ông Sử, cần ưu tiên giải pháp công trình về hệ thống thủy lợi để đảm bảo cấp nước ngọt cho người dân sản xuất.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Cà Mau đã đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm.
Việc này sẽ đảm bảo nước để phát triển sản xuất cho hơn 90.000ha đất ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Nhận định trước yêu cầu dẫn nước từ sông Hậu về vùng ngọt Cà Mau, ông Nguyễn Hồng Khanh - phó Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết đề xuất trên đã được cơ quan khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan độc lập khác nghiên cứu.
"Tuy nhiên, cần tính đến hiệu quả của giải pháp đưa ra. Cụ thể, 1m3 nước từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống bơm hoặc đầu tư công trình thì chi phí bao nhiêu so với giải pháp tại chỗ như xây dựng các công trình tích trữ nước nhỏ" - ông Khanh nói.
Điểm nóng Cà Mau
Liên quan giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt ở Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết khác với 12 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau chỉ có tích nước tại chỗ (nước mưa) mà không có nguồn nước nào bổ sung. Như ở huyện Trần Văn Thời hiện cơ bản không có nước, gây ra sụp lún.
Đây là một vấn đề rất lớn nên bộ đã có ba giải pháp.
Thứ nhất, hạn chế lưu thông, đặc biệt xe tải trọng lớn ở những tuyến kênh mương và những tuyến đường kết hợp kênh mương. Thứ hai, tính toán tích trữ nước không tập trung để có thể bơm nước bổ sung cho các vùng sản xuất, vùng thiếu nước ngọt.
Thứ ba, ở vùng Trần Văn Thời phải chuyển đổi sản xuất từ hai vụ lúa sang một vụ lúa - một vụ tôm. Mùa hạn mặn có thể nuôi tôm cá, còn mùa mưa trồng lúa. Việc chuyển đổi như vậy vừa ổn định sản xuất vừa đảm bảo không sụp lún và thu nhập người dân sẽ cao hơn.
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh để giải quyết vấn đề thiếu nước ở Cà Mau chắc chắn phải chuyển nước ngọt từ nơi khác về.
Hiện bộ đang nghiên cứu hai giải pháp để chuyển nước cho Cà Mau.
Thứ nhất, bộ sẽ cùng tỉnh Cà Mau làm cống âu thuyền Tắc Thủ, khi hoàn thành sẽ ngăn nước mặn chảy từ biển vào Cà Mau.
Thứ hai, tính toán việc chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé qua kênh Chắc Băng và chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về Cà Mau, khi đó sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nước ngọt cho bắc Cà Mau và nam Cà Mau.
"Các giải pháp này bộ đang làm với tỉnh. Trước mắt, trong giai đoạn trung hạn sẽ làm cống âu thuyền Tắc Thủ và đến giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển nước qua sông Chắc Băng và Quản Lộ - Phụng Hiệp về cho Cà Mau" - ông Hiệp nói.
Đề xuất táo bạo
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đã có một đề xuất táo bạo đó là nghiên cứu dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre.
Theo ông Tam, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn do nằm ở hạ nguồn sông Mekong. Trong khi nguồn nước sông Mekong ngày càng phụ thuộc vào các nước ở thượng nguồn thì tình trạng hạn, mặn tại các tỉnh ở hạ nguồn ngày càng thất thường, khốc liệt.
Ý tưởng dẫn nước ngọt về các tỉnh hạ nguồn không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã được lãnh đạo tỉnh Bến Tre manh nha từ sau đợt hạn, mặn 2019-2020.
Theo ông Tam, địa phương cùng với hai tỉnh Tiền Giang và Long An có bàn đến giải pháp đầu tư nhà máy nước tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) để truyền tải nước thô về cho các nhà máy nước trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Tam, phương án này vẫn không mang tính bền vững bởi nước mặn xâm lấn sâu vào đất liền ngày càng tăng và có thể vượt qua khu vực cầu Mỹ Thuận, nơi nhà máy nước thô được đầu tư xây dựng.
Do đó, theo ông Tam, cần nghiên cứu đến phương án đầu tư dẫn nước ngọt từ sông Đồng Nai về để không chỉ phục vụ riêng cho tỉnh Bến Tre mà còn các địa phương khác. Thậm chí có thể dùng nước được dẫn từ sông Đồng Nai về để đẩy lùi nước mặn trên các nhánh sông Mekong.
Ông Tam cho rằng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai rất dồi dào, cao độ của hệ thống sông này cao hơn rất nhiều so với tỉnh Bến Tre và nhiều khu vực tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên việc khơi dòng hoặc lắp đặt hệ thống ống dẫn nước về khu vực miền Tây rất thuận lợi. Nước có thể chảy về một cách tự nhiên.
Một vấn đề quan trọng khác là nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chủ yếu nằm trong lãnh thổ Việt Nam và mình hoàn toàn có thể chủ động điều tiết nên không còn lo ngại bị chi phối bởi các quốc gia khác như sông Mekong.
Nâng cấp, "hồi sinh" dự án bỏ hoang
Không phải mới đây ngành chức năng mới có đề xuất dẫn nước về bán đảo Cà Mau mà trước đó gần ba thập niên đã có nhiều dự án, công trình hướng đến việc này.
Cụ thể, công trình âu thuyền Tắc Thủ ngay ngã ba sông Ông Đốc và sông Trẹm thuộc xã Khánh An (huyện U Minh), xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2006, kinh phí xây dựng khoảng 80 tỉ đồng.
Thời điểm đó, âu thuyền Tắc Thủ được xem là công trình thủy lợi quy mô lớn nằm trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau.
Tuy nhiên, do hệ thống công trình kiểm soát mặn ven Biển Tây, âu thuyền Ninh Quới... chưa được đầu tư đồng bộ nên âu thuyền Tắc Thủ chỉ đóng mở được một lần ngay ngày khánh thành rồi sau đó bỏ hoang phí, gây bức xúc cho người dân.
Dù không mang lại hiệu quả nhưng mới đây âu thuyền Tắc Thủ lại được đề nghị sửa chữa và "hồi sinh".
Ông Nguyễn Thanh Tùng, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết trước mắt đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hoàn chỉnh lại âu thuyền Tắc Thủ và một số cống với kinh phí khoảng 740 tỉ đồng để điều tiết, lấy nước từ hệ thống thủy lợi sông Cái Lớn, Cái Bé và kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp để cấp cho vùng ngọt Cà Mau.
* PGS.TS LÊ ANH TUẤN (Trường đại học Cần Thơ):
Cân nhắc khi làm dự án trữ nước quy mô lớn
Trước đây, tôi có tham gia các dự thảo quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long để dựa vào đó mà các tỉnh lập và công bố quy hoạch riêng.
Trong quy hoạch vùng này có đề cập câu chuyện trữ nước nhưng không nêu cụ thể là ở đâu vì nếu trữ thì cần có khảo sát địa chất, nguồn nước và có các điều kiện kỹ thuật đi kèm.
Trữ nước không phải là chuyện dễ. Trữ quy mô nhỏ thì được, còn làm quy mô quá lớn thường là thất bại.
Như tỉnh Bến Tre đã làm, năm đầu tiên thì bị khô rất nhanh, năm thứ hai trữ nước thì bị mặn xâm nhập.
Như tôi đã nói, nếu làm dự án trữ nước mà đào sâu quá thì làm chỗ này sẽ rút nước ở ao, hồ vùng lân cận và làm quy mô lớn quá sẽ làm nước bốc hơi rất nhanh.
Trong khi nước trong ao, hồ nhà dân thì họ có thể lót bạt hoặc làm giàn trồng rau, bầu, bí... để hạn chế nước bốc hơi, giữ được nước rất tốt. Do đó, nếu làm dự án trữ nước quá lớn thì phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Vấn đề chính của Đồng bằng sông Cửu Long là dùng nước quá nhiều cho sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là chủ yếu. Vì vậy nên giảm đê bao làm lúa ba vụ để trở thành vùng trũng tự nhiên, trữ được nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận