Thí sinh đến dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2019 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tại điểm thi Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Phần lớn trong số này là các trường ngoài công lập: Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (3 đợt), Trường ĐH Hoa Sen (6 đợt), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (ngày 13 và 14-7), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (ngày 14-7)...
Tổ chức thi... "thí điểm, thử nghiệm"
Ngày 28-3, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chính thức công bố sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng và dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển theo kỳ thi này.
Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - phó trưởng phòng tư vấn - tuyển sinh - truyền thông nhà trường, đây là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để thí điểm và sẽ hoàn thiện dần trong những năm tiếp theo.
"Hiện tại, trường đang thành lập đội ngũ thực hiện các công tác ra đề thi, coi thi và chấm thi cho kỳ thi tuyển sinh riêng này với thành viên gồm giảng viên trường và giáo viên, tổ trưởng chuyên môn tương ứng các trường THPT ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Dự kiến đến cuối tháng 4-2019 sẽ hoàn tất nhân sự và phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ này", bà Dung cho biết.
Ngày 29-3, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng bất ngờ công bố tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng với gần 20% chỉ tiêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-4, ông Đặng Thế Hiệp - phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh nhà trường - cho hay: "Nhà trường thành lập đầy đủ hội đồng tuyển sinh, ban đề thi, ban coi thi, ban chấm thi... Hiện nay mọi việc mới đang trong quá trình làm đề cương. Đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức kỳ thi này nên chủ yếu thử nghiệm, dần dần có kinh nghiệm các năm sau sẽ làm lớn hơn".
Trường ĐH Hoa Sen cũng mới bổ sung phương thức tuyển sinh bằng thi đánh giá năng lực do trường tổ chức với 10% chỉ tiêu. Trong số các tiêu chí xét tuyển có tiêu chí thí sinh phải đạt từ 6,0 điểm trở lên (thang điểm 10) trong kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
Trước đó, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng công bố sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2019.
"Đề thi do trường tự biên soạn, kiến thức trải đều trong 3 năm THPT, tập trung vào lớp 12" - PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Việc tổ chức đánh giá riêng bởi một kỳ thi để tuyển sinh thực sự là rất mạo hiểm vì nếu đề thi không tốt sẽ khó đánh giá năng lực người học, ngoài ra số lượng thí sinh đăng ký ít sẽ rất tốn kém.
ThS Phạm Thái Sơn (giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
"Không có chuyện ra đề dễ để vơ vét thí sinh"
PGS.TS Hồ Thanh Phong cho hay ngay từ khi về nhận công tác tại trường này (tháng 10-2018), ông nhận thấy phương thức tuyển sinh bằng việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hay và phù hợp.
"Để tổ chức kỳ thi này cần khâu quan trọng đầu tiên là đề thi. Mô hình kỳ thi đánh giá năng lực ở Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) do tôi thiết kế. Để làm đề thi mới này ngay từ tháng 10-2018, trường đã liên lạc với các trường THPT uy tín để đặt hàng ra đề theo hình thái mẫu đã thực hiện thành công ở Trường ĐH Quốc tế mấy năm nay. Việc tổ chức thi tại trường cũng thuận lợi do trường thường xuyên tổ chức thi nhiều lần trong năm với 30% chỉ tiêu", PGS.TS Hồ Thanh Phong nói.
"Có người cho rằng việc trường tổ chức thi năng lực để né điểm sàn, ra đề dễ để vơ vét thí sinh vào khối ngành sức khỏe. Tuy nhiên tôi khẳng định không có chuyện này. Qua việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, chúng tôi muốn gửi đến thí sinh một thông điệp mới: chọn người có năng lực để trao học bổng cho thí sinh có tổng điểm hai môn thi cao, dần nâng cao chất lượng đầu vào của trường và chọn được những thí sinh có năng lực chuyên biệt", ông Phong nhấn mạnh.
Giải thích về việc tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, ThS Nguyễn Mạnh Cường - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hoa Sen - cho biết: "Phương thức xét tuyển này chủ yếu dựa vào học bạ và kết quả thi đánh giá năng lực bằng hình thức trắc nghiệm trong 30 phút các kiến thức xã hội, hội nhập quốc tế, khả năng phân tích, tư duy logic và hiểu biết về ngành nghề".
Trong khi đại diện của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đều cho rằng: "Kỳ thi tuyển sinh riêng này sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp theo học trình độ ĐH chính quy tại trường".
Xây dựng công cụ đánh giá không đơn giản
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, việc các trường tự tổ chức thi đánh giá phục vụ công tác tuyển sinh thể hiện quyền tự chủ của các trường.
Công cụ đánh giá tốt thì sẽ giúp tuyển chọn được thí sinh phù hợp để đào tạo, góp phần nâng chất lượng đào tạo và ngược lại.
Việc xây dựng công cụ đánh giá không đơn giản, đòi hỏi có nguồn lực tốt, sự chuẩn bị rất kỹ và sự triển khai có khoa học.
Để tổ chức được kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM phải qua quá trình: hình thành ý tưởng từ năm 2013, viết đề án lần 1 năm 2014, hoàn chỉnh đề án năm 2016.
Đồng thời tập hợp được đội ngũ chuyên gia giỏi, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phần cứng - phần mềm, xây dựng ngân hàng câu hỏi theo đúng nguyên tắc khoa học đo lường đánh giá.
Mỗi câu hỏi được viết theo đúng yêu cầu của ma trận đề thi sau đó được phản biện bởi chuyên gia.
Sau phản biện thì được hoàn chỉnh và thử nghiệm thực tế để xác định độ khó, độ phân biệt và độ giá trị. Câu hỏi đạt chất lượng mới được đưa vào ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận