Ba nguyên đơn Tạ Văn Bình, Trần Văn Khi và Nguyễn Đình Toán khởi kiện HTX ra tòa để đòi tiền công lao động - Ảnh: N.H.C.
Trong khi đó, tổ đánh bắt chuột lại cho rằng chuột chết hay không, lúa được mùa hay không còn do nhiều yếu tố khác nên khởi kiện ra tòa.
Chúng tôi đều là người cao tuổi, không đi làm thuê ở xa được nên mới ở nhà. Khi HTX cần người làm, chúng tôi nghĩ trước tiên mình làm để giúp dân, sau là để có thêm thu nhập. Khi làm cũng chẳng nghĩ đến việc phải lập hợp đồng bằng giấy tờ, mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau
Ông Nguyễn Đình Toán
TAND huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đang thụ lý vụ kiện giữa nguyên đơn là 3 ông Trần Văn Khi (55 tuổi), Tạ Văn Bình (66 tuổi) và Nguyễn Đình Toán (63 tuổi, đều ngụ tại thôn Cổ Pháp, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách) đối với bị đơn là Hợp tác xã (HTX) dịch vụ xã Cộng Hòa.
Chuột không chết nên lúa mất mùa
Tại đơn khởi kiện, các nguyên đơn cho biết từ năm 2017, nguyên đơn đã thỏa thuận một số công việc với HTX dịch vụ xã Cộng Hòa. Theo thỏa thuận, nhóm nông dân làm 3 việc: dẫn nước về ruộng lúa, dọn mương và rải thức ăn (thóc) đã được trộn hóa chất ở ruộng lúa để diệt chuột. Việc trộn hóa chất vào thức ăn là do người của HTX pha trộn và giao cho nhóm. Nhóm nông dân lao động có nhiệm vụ mang thức ăn đi rải ở ruộng để diệt chuột.
Sau khi thỏa thuận, nhóm nông dân đã hoàn thành công việc của mình trong thời gian 7 tháng. Tuy nhiên, tính đến nay HTX dịch vụ xã Cộng Hòa mới chỉ trả tiền công cho nhóm nông dân trong thời hạn 3 tháng. Ba người dân đã nộp đơn khởi kiện để yêu cầu HTX phải thanh toán tổng số tiền công là hơn 49 triệu đồng. Tòa án đã thụ lý vụ kiện và hòa giải một lần nhưng không thành công.
Báo cáo UBND xã Cộng Hòa về lý do không thanh toán tiền công cho người dân, HTX dịch vụ xã Cộng Hòa cho biết có giao cho một số cá nhân đánh bắt chuột tập trung. Kết thúc vụ mùa năm 2017, HTX đã họp và kết luận vụ mùa bị thất thu. Số tiền phải đền bù cho dân do chuột phá hoại là gần 70 triệu đồng.
Theo tính toán của HTX thì nhóm dịch vụ phải "lời ăn lỗ chịu". Vì vậy, chuột không chết, lúa mất mùa, tiền công bị lỗ thì nguyên đơn phải chịu trách nhiệm. HTX đưa ra phương án tổ đánh bắt chuột sẽ tiếp tục đánh bắt chuột vào các năm tiếp theo để có tiền bù lỗ cho việc đánh bắt chuột thất bại năm 2017.
Nếu các năm tiếp theo nhóm đánh bắt chuột vẫn làm để trừ tiền lỗ năm 2017 thì HTX sẽ trả tiền công nạo vét mương và dẫn nước về ruộng. Nếu không làm nữa thì HTX sẽ không trả tiền công năm 2017, mà dùng tiền đó bù vào số tiền lỗ do chuột gây ra. Không đồng ý với phương án mà HTX đưa ra, nhóm nông dân đã khởi kiện ra tòa yêu cầu HTX phải thanh toán số tiền công còn nợ là hơn 49 triệu đồng.
Vấn đề đặt ra là khi thỏa thuận, giữa HTX và nhóm nông dân chỉ thỏa thuận miệng mà không có bất cứ giấy tờ gì. Phía HTX cho rằng khi thỏa thuận, các bên thống nhất làm dịch vụ lời ăn lỗ chịu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Toán cho biết việc trộn hóa chất gì, tỉ lệ bao nhiêu vào thức ăn thì HTX pha trộn và giao cho nhóm. Nhóm chỉ có nhiệm vụ duy nhất là mang đi rải ở đồng ruộng để diệt chuột. Còn chuột có chết hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Hơn nữa, lúa mất mùa là do dịch bệnh và đã được cán bộ khuyến nông xác nhận, chứ không phải do chuột phá.
HTX phải chứng minh thiệt hại
Nhận định về vụ việc, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng bản chất hợp đồng đã xác lập giữa HTX và nhóm nông dân là hợp đồng dịch vụ quy định tại điều 513 Bộ luật dân sự.
Theo đó, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Theo quy định của pháp luật, loại hợp đồng này có thể giao kết bằng miệng.
"Cần làm rõ phía HTX có thừa nhận về hợp đồng dịch vụ và khoản tiền công sẽ trả cho nhóm nguyên đơn hay không. Qua báo cáo của HTX dịch vụ xã Cộng Hòa với UBND xã thì phía HTX thừa nhận việc thuê người dân làm việc với mức thù lao cố định.
Sự việc này trong thôn có nhiều người chứng kiến. Để có cơ sở giải quyết vụ án, tòa án cần làm rõ việc lúa mất mùa có phải do nguyên đơn hay không?
Ở đây, cần làm rõ phạm vi công việc theo hợp đồng là dẫn nước về ruộng lúa, dọn mương máng và rải thức ăn diệt chuột. Hai bên có thỏa thuận về việc chuột không chết sẽ trừ tiền công của nguyên đơn hay không? Phạm vi công việc có bao gồm việc nguyên đơn đảm bảo kết quả phải diệt được chuột hay không?
Nếu như có lời khai của người làm chứng; người mang thuốc diệt chuột đã trộn sẵn đến hoặc bị đơn thừa nhận thuốc được trộn sẵn thì nguyên đơn không phải chịu trách nhiệm" - luật sư Trương Anh Tú cho biết.
Theo luật sư Tú, trong vụ việc này, cán bộ khuyến nông huyện Nam Sách đã xác nhận nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả lúa chết không phải do chuột, mà do bệnh vàng lùn. Do đó, nguyên đơn hoàn toàn không có lỗi dẫn đến thiệt hại. HTX không thể lấy lý do lúa bị hại do chuột phá hoại để từ chối nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng dịch vụ đã xác lập. Nếu phía HTX xác định lúa bị mất mùa thì HTX có nghĩa vụ phải chứng minh.
Đồng tình, luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết kể cả trong trường hợp người dân và HTX có thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì khi lúa mất mùa, HTX không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân để bắt họ chịu trách nhiệm.
Theo luật sư Thạnh, lúa mất mùa có thể do rất nhiều nguyên nhân: giống, quy trình canh tác, sâu bệnh, thời tiết và những lý do bất khả kháng, chứ không thể đổ lỗi cho người diệt chuột. Nếu như nói dân đánh bả chuột không chết thì HTX phải có chứng cứ. HTX cũng phải chứng minh thiệt hại của vụ lúa là do chuột gây ra mới có cơ sở bắt người dân bồi thường.
Lúa mất mùa do bệnh vàng lùn?
Đại diện nguyên đơn, ông Nguyễn Đình Toán tỏ ra bức xúc nói nếu biết trước đi diệt chuột, chuột không chết mà phải đền bù vì lúa mất mùa thì nhóm ông không bao giờ nhận làm. Bởi chuột có chết hay không phụ thuộc vào việc chuột có ăn thức ăn hay không, thức ăn trộn hóa chất có đủ liều lượng độc hại hay không và còn có thể phụ thuộc vào yếu tố khác. Hơn nữa, nguyên nhân lúa bị mất mùa là do bị bệnh vàng lùn, chứ không phải do chuột phá hoại và việc này đã có cán bộ khuyến nông huyện Nam Sách về thăm và xác nhận tại thôn Cổ Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận