Việc trả lại những dự án này đã bộc lộ ra rất nhiều bất cập trong việc xin và cấp phép đầu tư. Về phía cơ quan chức năng, khâu thẩm định năng lực của nhà đầu tư có vấn đề, dẫn đến giao dự án cho những nhà đầu tư không có năng lực thực thi. Đó là trường hợp ở dự án Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (nay là Khu công nghiệp dầu khí Soài Rạp) khi đã giao cho một công ty con của Vinashin. Suốt nhiều năm nhận được dự án, nhà đầu tư triển khai ì ạch đến mức phải thu hồi giao cho nhà đầu tư khác. Sang tay nhà đầu tư thứ hai, nay vẫn lý do thiếu vốn nên tiếp tục trả lại Tiền Giang.
Hay ở dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (chiều dài 33km, tổng vốn đầu tư khoảng 11.760 tỉ đồng), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) mới đây có thông tin sẽ trả dự án cũng vì nguồn vốn quá lớn, kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái, không thu xếp được vốn... Tuy nhiên trước đó, vào năm 2011, Geleximco tỏ ra rất tự tin cho biết dự án do công ty đầu tư toàn bộ nguồn vốn và trực tiếp quản lý thực hiện, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2014!
Nhiều nhà đầu tư đã đua nhau vẽ ra các dự án, “ôm” đất ở những thời kỳ kinh tế phát triển nóng mà chưa tính toán việc đầu tư theo đúng năng lực của mình. Rồi chuyện chạy dự án trước quy hoạch, xí đất tràn lan trong khi năng lực đầu tư có giới hạn nhằm hưởng lợi từ cơn sốt của thị trường bất động sản hoặc khi có cơ hội kiếm lợi thì làm, không thì bỏ. Tình trạng “nhà nhà làm dự án” trong những năm 2008-2009 đã để lại hậu quả là khi không “ăn” được, các nhà đầu tư đã phải nhả ra. Doanh nghiệp không mất nhiều vì các địa phương cho biết sẽ thu xếp thanh toán số tiền nhà đầu tư đã bỏ vào dự án, nếu có. Trường hợp nhà đầu tư gần như chưa bỏ một đồng bạc nào vào dự án họ đã “ôm” năm này qua năm khác, các địa phương cũng cho biết sẽ không có chế tài bởi trước nay chưa có tiền lệ.
Cuối cùng chỉ có thiệt hại lớn mà Nhà nước và người dân phải chịu. Đó là những cánh đồng mênh mông bỏ hoang nhiều năm liền và sẽ tiếp tục bỏ hoang chờ nhà đầu tư mới. Nhà nước không những thất thu thuế nông nghiệp, mà đáng lẽ ra nếu thẩm định kỹ càng, giao cho nhà đầu tư có năng lực đảm bảo, dự án có thể sớm hoàn thành và đi vào khai thác, trở thành động lực kinh tế cho địa phương. Chưa kể người dân sống trong các khu vực quy hoạch sẽ không bị rơi vào tình trạng nhà cửa xập xệ, hư hỏng mà không dám xây vì không biết đất đai bị thu hồi, giải tỏa khi nào.
Đã đến lúc các địa phương phải nhận trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng dự án bị trả về hàng loạt, chịu trách nhiệm về sự ì ạch, chậm trễ trong thực hiện các dự án trọng điểm vì đã giao cho những nhà đầu tư kém cỏi. Đồng thời, để đối phó tình trạng doanh nghiệp “ôm” dự án nhưng không có năng lực thực hiện, cần có quy định ràng buộc trách nhiệm, nếu để chậm trễ hoặc bỏ bê dự án phải có biện pháp chế tài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận