Nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử nghị án, đã có bị cáo cúi đầu xin lỗi cùng những giọt nước mắt ân hận muộn màng.
Bị cáo cúi đầu xin lỗi
Trong danh sách dài bị cáo ra tòa, hai bị cáo P.T.T.L. và P.T.P. (cùng trú Quảng Nam) là trẻ nhất, người sinh năm 1995, người sinh năm 1996. Họ mới ra trường, về làm việc cho Công ty TNHH Mode Tour Network rồi tiếp tay cho chuyên gia "dỏm" nhập cảnh trái phép và bị bắt tạm giam từ tháng 5-2021.
Trước tòa, cả hai đều thành khẩn khai báo về hành vi của mình cùng lời tiếc nuối: "Bị cáo không biết đó là vi phạm, nếu biết thì sẽ không bao giờ dám làm".
Bị cáo P. sụt sùi rằng từ nhỏ đến lớn chỉ biết học. Ra trường có được chỗ làm chưa kịp báo hiếu cho ba mẹ đã phải ra tòa, đối diện với lao lý. "Đây là bài học đắt giá cho bị cáo" - bị cáo P. ngân ngấn nước mắt.
Hầu tòa trong vụ án này còn có hai bị cáo là anh em ruột ở Đà Nẵng. Bị cáo Đ.V.Q. (32 tuổi) là anh của bị cáo Đ.M.T. (27 tuổi). Q. đã giúp sức cho một công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép.
Để làm hồ sơ bảo lãnh, Q. đã nhờ em trai lúc này đang ở Hà Nội làm giả con dấu của doanh nghiệp...
Khi hội đồng xét xử chất vấn tại sao lại giúp anh trai làm con dấu giả? T. cúi mặt nói rằng lúc đó anh trai bị thất nghiệp do dịch bệnh, vợ anh đang mang bầu, hoàn cảnh rất khó.
Vì vậy, bị cáo chỉ muốn giúp đỡ anh và không hề vụ lợi. Khi xảy ra sự việc, dù không hưởng lợi gì nhưng bị cáo T. đã bỏ tiền ra để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Q. nhìn sang em trai, giọng nghẹn lại: "Cho bị cáo xin lỗi em trai. Vì anh mà phải vi phạm pháp luật. Mong hội đồng xét xử khoan hồng để em ấy sớm về phụng dưỡng cha mẹ, đỡ đần vợ con bị cáo".
Một hoàn cảnh khác cũng éo le không kém. Đó là vợ chồng bị cáo V.T.P.T. (34 tuổi, trú Đà Nẵng) và chồng là T.T.S.. Trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử, bị cáo T. và chồng đều nói rằng do bản thân thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
T. vừa khóc vừa nói hai năm qua chồng của bị cáo bị tạm giam, cuộc sống rất khó khăn. Hai vợ chồng có ba con nhưng một cháu bị tự kỷ. Cả hai vợ chồng chỉ lo cho các con nếu phải đối diện với án tù.
Khi được hội đồng xét xử cho phép trình bày, bị cáo T.M.H.O. (34 tuổi, trú Đà Nẵng) nói rằng: "Bị cáo không dám nhìn mặt ai. Xin phép hội đồng xét xử cho bị cáo được xin lỗi đến những người vì bị cáo mà liên lụy, phải đứng ở đây".
Được sự đồng ý, bị cáo O. quay xuống cúi đầu xin lỗi các bị cáo phía sau mình.
Tiếp tay chuyên gia "dỏm" nhập cảnh trái phép
Sau ba ngày xét xử, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên án 24 bị cáo trong đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép dưới dạng chuyên gia. 24 bị cáo (gồm người Hàn Quốc và Việt Nam) bị tuyên án về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Trong số này còn có ba bị cáo bị tuyên về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Tòa án đã tuyên bị cáo Lee Kwan Young - quốc tịch Hàn Quốc, phó chủ tịch Hội Người Hàn miền Trung, giám đốc Công ty TNHH Eyelux (chủ mưu) - 10 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên các mức án khác nhau, thấp nhất là 9 tháng tù treo, cao nhất là 10 năm tù.
Theo cáo trạng, ngày 26-4-2021, Công an Đà Nẵng kiểm tra căn hộ thuộc The Poine Villa (đường Trường Sa, Đà Nẵng), phát hiện 14 người Hàn Quốc lưu trú, hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh.
Những người này được các doanh nghiệp bảo lãnh vào làm việc theo diện chuyên gia nhưng tất cả khai nhận để nhập cảnh Việt Nam, họ đã liên hệ và đóng một khoản tiền cho công ty môi giới dịch vụ bảo lãnh. Họ hoàn toàn không biết, không có bất kỳ mối quan hệ với các doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh.
Qua điều tra đã xác định được đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép cho các công dân Hàn Quốc. Bị cáo Lee Kwan Young và bị cáo Seo Young Jin (quốc tịch Hàn Quốc) - giám đốc Công ty TNHH Mai KT - có thời gian dài lưu trú, kinh doanh tại Đà Nẵng.
Khoảng tháng 10-2020, hai người này biết được Công ty TNHH Mode Tour Network phối hợp cùng văn phòng bán vé Hãng hàng không Jeju Air tại Đà Nẵng tổ chức nhập cảnh cho các chuyên gia Hàn Quốc. Điều kiện cần để công dân Hàn Quốc tham gia nhập cảnh này là có doanh nghiệp tại Việt Nam bảo lãnh.
Sau đó, ông Lee sử dụng Công ty Eyelux để bảo lãnh cho một người nhập cảnh với tư cách "nhà đầu tư". Ông Seo sử dụng Công ty Mai KT để bảo lãnh cho năm người Hàn Quốc nhập cảnh trái phép theo diện "nhà đầu tư".
Qua vụ trên, cả hai biết có thể lợi dụng chính sách nhập cảnh cho chuyên gia để thu lợi bất chính, chỉ cần có công ty bảo lãnh.
Cáo trạng cáo buộc bị cáo Lee Kwan Young, Seo Young Jin đứng ra tổ chức việc lập hồ sơ bảo lãnh không đúng quy định, qua đó tổ chức bốn chuyến bay nhập cảnh trái phép từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng.
Cụ thể, Lee Kwan Young với vai trò chủ mưu, cầm đầu, thông qua 26 doanh nghiệp đã tổ chức cho 92 công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép để thu lợi bất chính. Seo Young Jin thực hiện theo chỉ đạo của Lee Kwan Young, thông qua 26 doanh nghiệp đã tổ chức cho 97 công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép...
Các bị cáo còn lại đã giúp sức hoặc tổ chức cho nhiều công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép. Trong số này, có nhiều bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp đã ký bảo lãnh cho các chuyên gia "dỏm".
Cân nhắc khi đưa ra hình phạt
Tại tòa, hội đồng xét xử xác định nhiều bị cáo đã ký bảo lãnh cho những người nước ngoài nhập cảnh trái phép nhưng không phải chuyên gia để thu lợi bất chính.
Tòa cũng nhìn nhận một số bị cáo đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, phạm tội trong thời điểm khó khăn, công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phần lớn có nhân thân tốt, một số bị cáo thu lợi số tiền không lớn.
Có hai bị cáo là vợ chồng có ba con nhỏ, gia đình khó khăn; hai bị cáo là anh em ruột... do đó khi đưa ra hình phạt, hội đồng xét xử có sự xem xét, cân nhắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận