Vào những ngày cuối tháng 9-2023, thầy Đỗ Bách Khoa cùng nhóm học trò vừa trải qua chặng bay dài để về lại Gia Lai sau chuyến hành trình không thể nào quên ở Hàn Quốc. Chuyến đi không chỉ giúp học sinh biết thêm vùng đất mới, mà gieo đặt những ước mơ lớn vào tương lai.
Căn phòng nuôi lớn ước mơ
Một buổi chiều, căn phòng nhỏ nằm trong trường THPT Chi Lăng có chừng 10 học sinh đang bận rộn với các mô hình robot. Sau giờ học trên lớp, căn phòng này là nơi gặp gỡ, chung niềm đam mê của những cô cậu học trò đang theo học ở đây.
Dù là trường THPT, nhưng tiện nghi, cách thức tổ chức mô hình học tập và môi trường bài bản để học sinh phát triển tư duy, năng lực và sở trường y hệt như một trường đại học thu nhỏ. Cũng nhờ vậy, nhiều năm qua nơi đây đang trở thành một mô hình giáo dục hiện đại, thực chất và hướng đến phúc lợi cho học sinh nhiều hơn tại Gia Lai.
Thầy Đỗ Bách Khoa - Hiệu trưởng THPT Chi Lăng - nói rằng với tâm nguyện đầu tư một môi trường học tập xứng đáng, chắp cánh cho những ước mơ hoài bão từng học sinh nên không chỉ học kiến thức, học sinh được thầy cô tạo mọi điều kiện để phát huy năng lực.
Mục đích của việc đầu tư các phòng chức năng, phòng năng khiếu, chương trình STEAM… là để khơi gợi nguồn năng lượng, tố chất trong mỗi học sinh. Thực tế cho thấy qua ít năm đầu tư, chất lượng của học sinh đã vượt trội và thậm chí đứng ngang hàng với nhiều trường THPT có tiếng trong nước.
Mới đây, từ những "căn phòng nuôi dưỡng ước mơ", những cô cậu học sinh của Trường Chi Lăng đã vinh dự vượt qua tổng số 120 đội trên toàn quốc để đứng vào nhóm 20 đội thắng cuộc và giành chuyến qua Mỹ không dễ có.
Chân đến Mỹ, tay chạm vào ước mơ
Thầy Đỗ Bách Khoa - hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng - cho biết chuyến đi là tất cả những nỗ lực, tâm huyết và tình cảm mà thầy muốn dành cho học sinh. Mục đích lớn nhất là giúp học sinh một lần chạm tay tới ước mơ, trực tiếp tới Mỹ, bước vào trò chuyện với các kỹ sư đang vận hành Google - một tập đoàn tầm cỡ đã thay đổi thế giới.
Tháng 2-2023, những học sinh xuất sắc ở Chi Lăng đã tập luyện và có mặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tham dự một cuộc thi về robocon. Tất cả học sinh này đều học lớp 10 và 11. Khi Ban tổ chức công bố 20 đội thắng cuộc và giành phần thưởng là một chuyến qua Mỹ tham quan tại Google, niềm vui vỡ òa cả thầy lẫn trò. Tham dự với tổng cộng 4 đội thì trường Chi Lăng có 2 đội với 10 học sinh giành chiến thắng.
Những ngày từ tháng 5-2023 cho tới lúc lên máy bay qua Mỹ là quãng thời gian hồi hộp nhất của thầy và trò. Dù giành vé qua Mỹ, nhưng để vượt qua được vòng phỏng vấn từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội là điều không đơn giản. Học sinh không chỉ vấn đáp tốt, mà "lý lịch" di trú cũng phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe.
Thầy Khoa kể sau cuộc thi robocon chiến thắng và giành vé đi Mỹ, những người có tên trong danh sách xuất cảnh được mời ra Hà Nội phỏng vấn. Tuy nhiên một sự cố ngoài dự tính, vốn không liên quan đến năng lực, trình độ của các học sinh đã khiến toàn đội bị loại.
"Thầy trò lầm lũi trở về Pleiku mà không ai nói với nhau một câu gì cả. Nỗi buồn khiến tất cả trĩu nặng. Học sinh buồn, tiếc vì bỏ lỡ cơ hội có một không hai, nhưng thầy giáo còn buồn nhiều hơn vì không thể giúp các em toại nguyện, trọn vẹn mong ước", thầy Khoa nói.
Cơ hội qua thăm Google tại Mỹ tưởng như đã đóng khép với thầy trò nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã gọi điện trực tiếp và đề nghị phỏng vấn lại cho thầy trò qua kênh online. Kết quả hơn cả mọi kỳ vọng: 9/10 học sinh trong 2 đội robocon của Chi Lăng cùng thầy Khoa đủ điều kiện xuất cảnh.
Chuyến đi không thể nào quên
Giữa năm 2023, chuyến bay đưa thầy Đỗ Bách Khoa cùng 9 học sinh Chi Lăng lên đường đến Mỹ bằng một chặng bay dài. Chuyến đi này đã trở thành một kỷ niệm đẹp của thầy và trò. Hơn tất cả, những ước mơ từ vùng cao nguyên cũng sẽ bắt đầu từ chuyến đi kỳ thú ấy.
Trong một tuần ở Mỹ, cả thầy và trò được dẫn trực tiếp tới thăm trụ sở Google - tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Đặc biệt, tại trụ sở Google, những kỹ sư người Việt Nam làm việc tại đây cũng đã sắp xếp thời gian để trò chuyện, truyền cảm hứng cho những học sinh từ phố núi Pleiku.
Chuyến đi còn đáng nhớ hơn bởi một sự cố hy hữu khi cả đoàn trên đường bay về. Chuyến bay từ Dallas đi San Francisco để về lại Việt Nam thì động cơ máy bay bị hư nên thầy trò được ở lại Mỹ thêm một ngày.
Thầy Đỗ Bách Khoa cho biết "khoản kinh phí đi lại được các gia đình phụ huynh đóng góp một phần, còn lại là từ nhà trường, đơn vị tổ chức chuyến đi". Ngoài Mỹ, học sinh thắng giải các cuộc thi quốc tế khác còn được đưa qua Hàn Quốc, Thái Lan… để tới trụ sở các tập đoàn lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận