Từ bức tranh Hàng Trống Canh nông vi bản, nhóm dự án sáng tạo ra chuỗi hình ảnh mô phỏng động tác cày, cấy, gặt của người nông dân trong quá trình hình thành bánh gạo Việt
Đây là một phần của dự án Họa Sắc Việt do nhóm bạn trẻ khởi động từ năm 2017, với mong muốn giải đáp vấn đề "Phong cách thiết kế của Việt Nam là gì?".
Câu trả lời bước đầu được tìm kiếm từ công cuộc lội ngược dòng, thâm nhập vào dòng tranh Hàng Trống - một sản phẩm của người Việt ở Thăng Long, để từ đó đưa ra các đồ án ứng dụng màu sắc và họa tiết của dòng tranh này trên các sản phẩm Việt Nam hiện đại.
Trịnh Thu Trang (giảng viên ngành thiết kế đồ hoạ Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã dành 5-6 năm sưu tập các hiện vật tranh Hàng Trống, là mẫu tranh thật và mang nhiều đề tài, nhiều phong cách của nghệ nhận truyền thống, hình thành một kho dữ liệu quan trọng.
Nhóm dự án cũng làm việc với các nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê để có những nắm bắt về tầm quan trọng cũng như giá trị, ảnh hưởng của tranh Hàng Trống trong đời sống người Việt từ xưa.
Với tinh thần bảo tồn những giá trị truyền thống, nhóm dự án cho biết "Chúng tôi không cố gắng bê nguyên chúng đặt vào thực tại... Việc chúng tôi có thể làm là chắt lọc những gì từ chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những người thiết kế đồ họa, những nhà thiết kế thời trang, nội thất hay nhiều nghệ sĩ khác".
Tại buổi giao lưu, Trịnh Thu Trang cũng trình bày những khác biệt cơ bản giữa tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Theo đó, Hàng Trống là sản phẩm ở Thăng Long (Đông Hồ ở Bắc Ninh), và thuộc dòng tranh có trình độ thẩm mỹ cũng như phục vụ đối tượng thưởng thức cao qua các đề tài như: Tứ quân tử mai lan cúc trúc, Tố nữ, Lớp học của thầy đồ cóc, Múa rồng, Rước đèn ông sao...
Đặc biệt Hàng Trống còn có dòng sản phẩm tranh thờ, tranh tết có ý nghĩa thiêng liêng đối với các gia đình Việt ngày xưa.
"Hồi xưa, nhà nào dù nghèo cũng muốn có một bức tranh treo trong nhà, đặc biệt là trên bàn thờ ngày tết. Dòng tranh Hàng Trống đáp ứng nhu cầu này, nay các sản phẩm hiện đại có nhiều, các mẫu tranh xưa không còn được treo bàn thờ nữa, nên chúng tôi chắt lọc lấy, sáng tạo ra các mẫu và ứng dụng vào nhiều sản phẩm của người Việt hôm nay", Thu Trang giới thiệu.
"Ở đây, dự án chúng tôi ứng dụng từ màu sắc và họa tiết của dòng tranh này vào khăn, áo, và cả bao bì nhãn mác. Nghiên cứu và ứng dụng tranh Hàng Trống, chúng tôi còn muốn kể câu chuyện về màu sắc họa tiết và phong cách thiết kế truyền thống Việt cho bạn bè quốc tế, một kiểu tự hào như người Nhật có mẫu áo Kimono còn người Việt chúng ta hiện nay đang có những gì?", Trịnh Thu Trang và Lê Huy Hà - hai thành viên của dự án cùng chia sẻ.
Tại buổi giới thiệu lần này, nhóm Dự án Họa Sắc Việt cũng trưng bày giới thiệu một loạt các mẫu họa tiết được sáng tạo từ đường nét của tranh Hàng Trống: họa tiết mây, cá, quạt, các kiểu họa tiết tròn, xoáy, hình hoa sen, hình thoi, họa tiết hình cóc...
Hoa văn cóc hình thành từ Tranh Hàng Trống - Ảnh: L.ĐIỀN
Sau chặng đường gần 3 năm, dự án đã ra mắt được tập sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống (tác giả Trịnh Thu Trang - NXB Thế Giới), và tiếp tục sẽ tổ chức các workshop để lan tỏa nhận thức về giá trị ứng dụng của tranh Hàng Trống đến đông đảo công chúng, đặc biệt là các học sinh tuổi mầm non, tiểu học.
Nhóm dự án có ý tưởng tiếp theo sẽ tiếp tục tìm hiểu, ứng dụng màu sắc họa tiết có tính mỹ thuật từ các di sản văn hóa của các dân tộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc... trong sáng tạo phong cách thiết kế như với tranh Hàng Trống.
Trịnh Thu Trang (trái) và Lê Huy Hà cùng giới thiệu Họa Sắc Việt - Ảnh: L.ĐIỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận