12/01/2024 11:00 GMT+7

Đưa hàng Việt lên sàn thương mại thế giới

Khởi nghiệp ở một lĩnh vực khá mới mẻ và đầy hứa hẹn, Trần Tiến Khải (26 tuổi) có tham vọng đưa sản phẩm Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Trần Tiến Khải (thứ hai, từ phải qua) và những đồng đội gen Z ở công ty - Ảnh: MY LÊ

Trần Tiến Khải (thứ hai, từ phải qua) và những đồng đội gen Z ở công ty - Ảnh: MY LÊ

Từ một kỹ sư điện - điện tử, dòng đời lại đưa đẩy Tiến Khải trở thành người bán hàng, rồi giờ làm dịch vụ hỗ trợ người khác bán hàng. Anh chủ trẻ của công ty với 30 nhân sự đều là gen Z tóm tắt về chặng đường đầy khó khăn mình vừa đi qua.

Tôi muốn và đang hiện thực khát khao tạo thu nhập Mỹ cho nhà sản xuất Việt Nam bằng "tuổi trẻ chẳng sợ gì". Nhiều sản phẩm Việt chất lượng tốt đã có trên các sàn thương mại quốc tế, chỉ là chưa đem lại đúng giá trị của nó.
TRẦN TIẾN KHẢI

Khởi nghiệp bán hàng từ trend

Vậy mà công ty khởi nghiệp của Khải vừa bước sang tuổi thứ 4. Có lẽ Khải cũng là câu chuyện phổ biến của những bạn trẻ gen Z nhảy vào làn sóng kinh doanh, bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử: dropshipping và POD. Bởi anh chàng từng tốt nghiệp kỹ sư điện.

Hành trình bắt đầu bằng việc Khải dựa vào các công cụ tìm kiếm, SEO để tìm coi người Mỹ đang tìm cái gì rồi đặt các xưởng gia công ở Việt Nam làm những món hàng đó và bán cho người Mỹ. "Đúng nghĩa là tôi không tư duy gì hết, người khác làm gì tôi làm y chang. Cứ người ta vào web nào mình cũng vào web đó, lấy đúng từ khóa họ tìm rồi mình làm tương tự. Bản chất chỉ đi bắt chước người ta mà không hiểu đó là nghiên cứu thị trường" - Khải chia sẻ.

Mà nhiều bạn trẻ như Khải đã ăn nên làm ra với mô hình bán hàng online khi gia nhập thị trường từ sớm. Năm 2021, Khải và đồng đội lập công ty bán hàng online và có doanh thu lên đến cả triệu USD trong ba năm đầu. Nhưng biến cố xảy đến khi người đồng hành chuyển hướng, công ty từ 12 người ban đầu chỉ còn lại hai người.

Với Khải, anh nhận đó chính là bước ngoặt để bứt ra khỏi vai bán hàng và quyết định đổi vai. "Nhìn lại mọi thứ, tôi nghĩ cú ngã đó lại là may mắn. Tôi tham gia các khóa học, tìm hiểu tư duy quản lý tinh gọn, gặp gỡ nhiều người và có ý tưởng thay đổi con đường công ty đang đi" - Khải bộc bạch.

Những chủ doanh nghiệp bán lẻ anh gặp từ các khóa học vốn có tiềm lực tài chính, bán hàng lâu năm trên thị trường. Anh tự hỏi tại sao những người này không thể bán hàng ra nước ngoài khi có sản phẩm tốt và tiềm lực không thiếu? Ra là họ sợ rủi ro nếu tự làm, nhiều người nói với Khải như thế.

Ý tưởng lập công ty bán hàng cho người nước ngoài xuất hiện trong đầu Khải. Người ta sợ không dám tự làm, mình sẽ làm cho họ. Khải nghĩ thế và bắt tay làm, chuyển hướng công ty. Đó cũng là bước ngoặt đáng nhớ nhất đời mình như anh nói.

Bán hàng Việt Nam ra thế giới

Tuổi 26 nhưng anh chàng cũng là tay dạn dày kinh nghiệm thực chiến sau nhiều năm bán hàng Việt Nam cho khách hàng ở Mỹ và nhiều nước khác trên các sàn thương mại điện tử. Chính kinh nghiệm đó giúp Khải mạnh dạn hơn trong việc hỗ trợ các đơn vị muốn bán hàng ra quốc tế, biết tiềm năng lẫn điểm yếu của hàng Việt thế nào.

Khải nói nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng tốt, có giá thành rẻ so với hàng hóa ở các nước phát triển. Chỉ số sáng tạo của hàng Việt Nam trong vài năm gần đây rất tốt. Chẳng hạn với dòng sản phẩm từ vải denim, Việt Nam có khá nhiều sản phẩm chất lượng tốt và thiết kế rất được ưa chuộng.

Vấn đề là làm sao để làm thương hiệu tốt cho những mặt hàng sẵn có chất lượng, tiềm lực lớn mà dệt may, da giày là minh chứng khá rõ. Thay vì phụ thuộc vào các thương hiệu, kênh phân phối do nước ngoài sở hữu, chúng ta cần trực tiếp đưa sản phẩm "made in Vietnam" đến khách hàng cuối. Điều này giúp người làm sản phẩm trực tiếp thu được lợi nhuận, cũng là tối ưu hóa năng lực sản xuất.

Khi nghiên cứu thị trường, Khải tìm được trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, trong đó Amazon có những gian hàng do người nước ngoài sở hữu, vận hành được định giá lên tới 1,4 triệu USD nhưng hàng hóa phần lớn nhập trực tiếp từ Việt Nam. Họ đặt hàng từ Bến Tre, Đồng Tháp rồi bán đi khắp châu Âu chứng tỏ họ đánh giá cao sản phẩm từ Việt Nam.

"Những dữ liệu này cho chúng ta nhận ra thực tế rằng hàng Việt Nam đã được bán thành công trên các sàn rồi. Và các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng Việt hoàn toàn có thể sở hữu những cửa hàng trực tuyến được định giá cao như thế, tại sao không thể làm" - Khải chia sẻ.

Công ty TTK Global Ventures do Tiến Khải sáng lập và điều hành đang cùng lúc làm song song cả hai hướng. Một là cung cấp các dịch vụ khởi tạo và vận hành doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến siêu nhỏ tại Việt Nam.

Hướng khác là môi giới để người Việt Nam có thể dễ dàng mua lại gian hàng thương mại điện tử quốc tế để bán hàng xuyên biên giới nhanh và hiệu quả hơn, rút ngắn quá trình để sở hữu gian hàng thương mại điện tử tại Mỹ từ khoảng hai năm xuống còn 4-6 tháng. Sau thời gian ngắn chuyển hướng, TTK đã hỗ trợ thành công cho hơn 100 khách hàng Việt Nam bán hàng xuyên biên giới.

Dẫn chứng, Khải nói một khách hàng của TTK là doanh nghiệp đan len siêu nhỏ chỉ có năm người. Hầu như trước giờ họ chỉ bán các sản phẩm thủ công từ len cho em bé trên sàn Shopee. Nhưng khi bán ra thị trường quốc tế, khách hàng rất yêu thích và trong tháng đầu tiên bán trên sàn Mỹ, doanh thu của họ đã gấp năm lần.

"TTK hiện vẫn đang hỗ trợ để doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng. Những sản phẩm tương tự khi được đưa lên các sàn thương mại điện tử quốc tế hoàn toàn có thể tạo ra thu nhập Mỹ cho nhà sản xuất Việt Nam" - Khải tự tin.

Dự án Dự án 'viên nén sinh khối từ bã cà phê' giành giải nhất cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp

Ngày 22-12, Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội tổ chức vòng chung kết cuộc thi "Bệ phóng khởi nghiệp" lần thứ nhất, năm 2023, với sự tham gia tranh tài của 10 đội thi xuất sắc nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên