Phóng to |
Sacombank đang nằm trong tầm ngắm giành quyền kiểm soát của Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN - Ảnh: Hoài Linh |
Theo đó, với tư cách là cổ đông lớn và được sự ủy quyền của đại diện nhóm cổ đông đa số (hơn 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) đã đưa ra nhiều đề nghị liên quan đến nhân sự, tình hình hoạt động bổ sung vào chương trình đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thời gian tới.
Eximbank yêu cầu gì?
Cụ thể, theo đề nghị của Eximbank, Sacombank phải bầu lại toàn bộ hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát. Theo Eximbank, có ba lý do để đưa ra yêu cầu này.
Thứ nhất, thành phần HĐQT hiện nay của Sacombank chỉ đại diện phần vốn cổ phần chiếm tỉ trọng rất thấp, sau khi ngân hàng này có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông như sự thoái vốn của Dragon Capital, Ngân hàng ANZ... và sự tham gia của các cổ đông mới, trong đó có Eximbank.
Thứ hai, Sacombank đã thực hiện một số hợp đồng có giá trị lớn như mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ, thoái vốn tại Công ty CP chứng khoán Sài Gòn Thương Tín... có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
Cuối cùng, hiệu quả hoạt động của Sacombank trong năm 2011 chưa tương xứng nếu so sánh với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác có cùng quy mô.
Cũng trong công văn này, Eximbank đề nghị Sacombank nâng chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch năm 2012 lên hơn 4.000 tỉ đồng, tăng thêm 15% so với kế hoạch dự kiến báo cáo trình ĐHCĐ. Trong thời gian chuẩn bị ĐHCĐ, Sacombank không được chuyển nhượng các tài sản lớn của ngân hàng, trong đó có phần cổ phiếu quỹ hiện được Sacombank nắm giữ.
Tiếp xúc với chúng tôi chiều 17-2, ông Nguyễn Thanh Nhung - phó tổng giám đốc Eximbank - cho biết chỉ có thể giải thích các từ ngữ trong văn bản này, còn các vấn đề liên quan sẽ do HĐQT trả lời.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một thành viên HĐQT Eximbank giải thích lý do có văn bản này là vì có đơn nặc danh nói Sacombank có dấu hiệu tẩu tán tài sản và thực hiện việc kêu gọi cổ đông ủy quyền. “Chúng tôi vẫn chưa thể nói gì cụ thể, nhưng văn bản này nhằm ngăn chặn những hành động bất lợi (nếu có) đối với cổ đông của lãnh đạo Sacombank...” - vị này nói.
Phóng to |
Theo các chuyên gia, cuộc đua giành quyền kiểm soát Sacombank sẽ còn nhiều kịch tính - Ảnh: T.T.D. |
Trả lời từ Sacombank
Trả lời Tuổi Trẻ cuối giờ chiều 17-2, ông Đặng Văn Thành - chủ tịch HĐQT Sacombank - cho rằng rất ngạc nhiên trước thông tin Sacombank tẩu tán tài sản. “Chúng tôi hoạt động theo luật và chuyên nghiệp. Việc bán tài sản nếu có cũng phải được thông qua bởi ủy ban thanh lý tài sản chứ không phải ai muốn làm gì thì làm” - ông Thành nói.
Ông Thành cho biết thêm hơn 80% bất động sản của Sacombank là trụ sở chính và chi nhánh, do đó không có chuyện bán những tài sản này. Còn việc nhận ủy quyền đại diện, theo ông Thành, hằng năm ngân hàng này đều thực hiện do số lượng cổ đông của ngân hàng khá lớn, lên tới hơn 70.000 cổ đông.
Xung quanh tỉ lệ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như Eximbank công bố, theo ông Thành, do chưa chốt danh sách nên chưa thể nói được điều gì. “Ngay cả vợ chồng vẫn có thể thay đổi, huống hồ gì chuyện cổ đông vốn thường xuyên biến động. Hôm nay anh có thể là cổ đông nhưng ngày mai anh có thể không còn là cổ đông sau khi bán cổ phiếu, hôm nay anh có thể ủy quyền nhưng ngày mai ủy quyền này không còn giá trị do anh không còn là cổ đông...” - ông Thành nói. Về mặt luật pháp, theo ông Thành, ngân hàng này chỉ căn cứ trên danh sách người sở hữu cổ phần do trung tâm lưu ký chứng khoán cung cấp.
Về các đề nghị của Eximbank, theo ông Thành, là quyền của cổ đông này. “Việc bầu lại HĐQT hay không là suy nghĩ của những nhà đầu tư mới. Họ có quyền. Nhưng mọi chuyện đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật...” - ông Thành nói. Trong khi đó, theo khẳng định của ông Thành, nhiệm kỳ HĐQT của Sacombank từ năm 2011-2015 đã được ĐHCĐ thông qua và được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn. Do đó không có chuyện muốn bãi miễn thì bãi miễn.
Hơn nữa, theo ông Thành, ngân hàng là định chế tài chính trung gian, phải tuân thủ quy định về an toàn tiền gửi của người dân, an toàn về hoạt động, nên không thể nào mỗi lần thay đổi cổ đông là thay đổi HĐQT. “Những đề nghị, dù là của bất cứ ai, nếu không đúng với điều lệ, nghị quyết ĐHCĐ thì xin lỗi, chúng tôi không thể làm theo” - ông Thành nói.
Còn nhiều câu hỏi về pháp lý
Trao đổi với chúng tôi về những đề nghị của Eximbank đối với Sacombank, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng với một tên tuổi như Eximbank, nếu không nắm trong tay danh sách cổ đông ủy quyền với tỉ lệ như đã công bố, ngân hàng này sẽ không đưa ra những “yêu sách” với Sacombank. “Đây là thâu tóm thù địch. Nếu không nắm chắc phần thắng, Eximbank đã không tuyên bố rình rang như vậy...” - vị giám đốc này nói.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cũng cho rằng khả năng thành công trong phi vụ thâu tóm này của Eximbank là khá lớn, do tỉ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông trong ban lãnh đạo Sacombank là khá thấp so với con số 51% của nhóm Eximbank.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những đề nghị của Eximbank là không đảm bảo yếu tố pháp lý và Sacombank hoàn toàn có thể không đáp ứng. Một lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho rằng động thái này là hơi “vội vàng”.
Theo vị này, danh sách cổ đông của Sacombank vẫn chưa chốt nên chưa thể khẳng định nhóm Eximbank có nắm 51% như công bố hay không. Đối với đề nghị không bán tài sản lớn, trong đó có cổ phiếu quỹ, theo vị lãnh đạo này, Eximbank khó đạt được mục tiêu. “Quyền quyết định vẫn nằm trong tay Sacombank, họ có quyền hành xử theo đúng luật một khi ban lãnh đạo của ngân hàng này chưa có sự thay đổi...” - vị này nói.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng căn cứ điều lệ của Sacombank, nhóm cổ đông do Eximbank làm đại diện không những không đủ điều kiện đề cử người đại diện tham gia HĐQT Sacombank, cũng không đủ điều kiện triệu tập ĐHCĐ. Vị chuyên gia này cho biết theo điều lệ của Sacombank (khoản J, điều 25), cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng mới được đề cử người vào HĐQT và ban kiểm soát (nếu có), được yêu cầu triệu tập ĐHCĐ...
“Căn cứ trên quy định này, Eximbank chưa đủ điều kiện đề cử người vào HĐQT của Sacombank cũng như yêu cầu triệu tập ĐHCĐ do thời gian nắm giữ chưa đủ sáu tháng...” - vị chuyên gia này khẳng định. Vị chuyên gia này cũng cho rằng đây chỉ mới là sự khởi đầu cho các cuộc đua giành quyền kiểm soát Sacombank trong thời gian tới.
* Đầu tháng 7-2011, sau nhiều tin đồn về nguy cơ bị thâu tóm, ông Đặng Văn Thành - chủ tịch HĐQT Sacombank - trả lời báo giới trong đó khẳng định “hoan nghênh” tất cả nhà đầu tư tham gia Sacombank. * Ngày 4-8-2011, Dragon Capital - cổ đông chiến lược nước ngoài tại Sacombank - bắt đầu bán toàn bộ hơn 61 triệu cổ phiếu STB (tương ứng 6,66%) mà tổ chức này nắm giữ. Ông Chang Hen Jui, chồng bà Huỳnh Quế Hà - phó chủ tịch thứ nhất HĐQT Sacombank, đã mua vào hơn 30,672 triệu cổ phiếu STB do Dragon Capital bán ra theo phương thức thỏa thuận. * Từ ngày 15-11-2011, Sacombank bắt đầu mua lại 100 triệu cổ phiếu STB để làm cổ phiếu quỹ. Đây được xem là động thái tự vệ của ngân hàng này trước nguy cơ bị thâu tóm ngày càng lộ diện. * Ngày 6-1-2012, Công ty CP Cơ điện lạnh REE (REE) bán toàn bộ hơn 42 triệu cổ phiếu STB, tương đương 3,92% vốn cổ phần của Sacombank. * Ngày 9-1, Ngân hàng Australia and New Zealand Banking Group Limited (ANZ) - cổ đông nước ngoài lớn nhất của Sacombank - đăng ký bán toàn bộ hơn 103 triệu cổ phiếu STB, tương đương 9,61% cổ phần của Sacombank. Người nhận chuyển nhượng là Eximbank, tỉ lệ nắm giữ sau giao dịch này là 9,73% vốn cổ phần của Sacombank. * Ngày 17-2, Eximbank - cổ đông nắm giữ 9,73% vốn cổ phần của Sacombank - gửi văn bản cho Sacombank và các cơ quan chức năng, chính thức tuyên bố là đại diện ủy quyền của hơn 51% vốn cổ phần của Sacombank. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận