Sau một năm kinh tế trầm lắng, nhiều doanh nghiệp tung quảng cáo Tết sớm. Không chỉ online, quảng cáo ngoài trời cũng được các nhãn hàng đẩy mạnh.
Nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất - thi công quảng cáo, tổ chức sự kiện, trang trí, activation (kích hoạt thương hiệu)... cho biết đã phải tuyển thêm cộng tác viên thời vụ hoặc thuê ngoài cho kịp tiến độ hợp đồng.
Chi bộn tiền quảng cáo, kích cầu mùa Tết
Cùng với việc tham gia chương trình thực tế ăn khách "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", năm nay ca sĩ D.H.Y. trở thành cái tên được chọn mặt gửi vàng mùa Tết. Theo đó, Danisa - một hãng bánh quy bơ cao cấp từ Đan Mạch - chính thức ra mắt MV Tết "Biết ơn điều tuyệt vời chưa nói", với giọng hát ấm áp từ ca sĩ này kết hợp nhạc sĩ L.M.H..
MV nhạc Tết này ôn lại những hy sinh âm thầm của cha mẹ, nhắc nhở chúng ta thể hiện lòng biết ơn. Chỉ sau ba tuần ra mắt, MV nhạc Tết này đã thu hút gần 6 triệu lượt xem trên YouTube. Nhằm tăng kích cầu doanh số bán, thương hiệu bánh cũng tung chương trình tặng chuyến du xuân tới Đan Mạch, tặng vương miện bằng vàng 24K cho khách may mắn.
Nhằm thu hút giới trẻ, doanh nghiệp này cũng hợp tác nhạc sĩ Bùi Công Nam, mở ra chương trình song ca cùng nhạc sĩ này trên nền tảng TikTok, tặng nhiều phần quà hấp dẫn. Với mảng gia vị, video ngắn "CHIN-SU trọn bộ gia vị - Tết thật hạnh phúc" nhận được hơn 2,5 triệu lượt xem sau 10 ngày đăng trên YouTube. Ngoài các nhân vật phụ, video còn có sự góp mặt của ca sĩ C.P. và người mẫu N.P.V..
Sau khi tham gia chương trình Đạp gió tại Trung Quốc vào năm ngoái, C.P. thu hút sự quan tâm và được nhiều khán giả đánh giá cao. Ngoài ca sĩ, nhạc sĩ chính tham gia, một video quảng cáo Tết còn có sự góp mặt của đội ngũ agency sáng tạo, các nhân sự phụ trách về thuê địa điểm, trang trí và dàn dựng bối cảnh, quay phim, chụp ảnh, trang điểm, làm tóc, chăm lo đồ ăn/nước uống...
Đối với doanh nghiệp lớn, sản xuất MV ca nhạc, video quảng cáo Tết thường có giá dao động từ 1 - 3 tỉ đồng trở lên. Để giúp chiến dịch quảng cáo lan tỏa đến nhiều người, bên cạnh việc hợp tác các nghệ sĩ, nhiều doanh nghiệp cũng kết hợp với những người có tầm ảnh hưởng trên mạng để đăng bài, hình ảnh, video... với số tiền chi ra từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng cho mỗi người.
Theo ông Nguyễn Quang Nhựt - phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, tổng giám đốc SJK Group, các nhãn hàng bia đã triển khai nội dung quảng cáo cho dịp Tết, sớm hơn khoảng 10 - 15 ngày so với định kỳ hằng năm. Một số hãng nước giải khát cũng tung các chiến dịch mang thông điệp quảng cáo mùa Tết khá sớm.
Khó khăn cũng phải chi tiền cho quảng cáo
"Ngày bé bên má cả năm. Lớn rồi bên má cả năm bao ngày?", dòng chữ xuất hiện trên bảng quảng cáo ngoài trời ở TP.HCM, đi kèm hình ảnh các nhân vật nữ tươi cười, nhưng khiến nhiều người xúc động. Phía dưới bảng quảng cáo là logo nhỏ của một hãng nước ngọt nổi tiếng.
Ngay khi được đăng lên Facebook và TikTok, bức ảnh về bảng quảng cáo trên lập tức nhận được lượng tương tác khủng. "Nhìn hình mà vừa thấy mẹ vừa thấy ngoại trong đó luôn, cả hai người mình đều rất nhớ", bạn Cẩm Liên bày tỏ.
Quảng cáo ngoài trời dịp Tết là thời điểm mang đến doanh thu quyết định cho các công ty quảng cáo. Ở một số nhãn hàng, riêng quảng cáo ngoài trời dịp Tết có thể chiếm đến 35 - 40% ngân sách cho mảng này hằng năm. Nhiều doanh nghiệp kết hợp cả quảng cáo ngoài trời hoạt động online và sự kiện như tổ chức chương trình đón giao thừa, đại nhạc hội...
Ông Nguyễn Trường Sơn - chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cho rằng dù tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng dù muốn hay không các doanh nghiệp vẫn phải chi tiền cho quảng bá sản phẩm, nhằm phục hồi và phát triển kinh doanh. Thời điểm chi tiền quảng cáo hợp lý và hiệu quả là dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là lúc người tiêu dùng có hứng thú mua sắm.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên quảng cáo ở kênh online, vì có thể đong đếm được tính hiệu quả. Chẳng hạn, khi đăng tải MV ca nhạc, video quảng bá sản phẩm trên nền tảng online, doanh nghiệp kiểm chứng được bao nhiêu lượt xem, thống kê người xem theo độ tuổi, giới tính... Với các dữ liệu này, doanh nghiệp cũng có thể hiểu thêm tâm lý khách hàng nhằm đưa ra các chiến lược quảng cáo và bán hàng phù hợp.
Trong chiến dịch quảng cáo, một doanh nghiệp lớn còn tổ chức thêm sự kiện hoành tráng. Chi phí cho một sự kiện Countdown - đón giao thừa rơi vào khoảng 3 - 4 tỉ đồng trở lên, bao gồm: dựng sân khấu, thiết bị âm thanh, ánh sáng, thuê ca sĩ về hát... Nếu có thêm hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm, chi phí sẽ cao hơn.
"Chi phí cho chiến dịch quảng cáo Tết thông thường rơi vào khoảng vài trăm triệu đến dưới 1 tỉ đồng. Đối với doanh nghiệp, tập đoàn lớn, số tiền rót vào từ 3 - 10 tỉ đồng là bình thường", ông Sơn khẳng định. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Nhựt, mùa Tết đóng góp từ 20 - 50% doanh thu cả năm của các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời.
Lịch Tết đã giao, tất bật làm hộp quà
Vận hành doanh nghiệp trong lĩnh vực in ấn, bà Lê Hồng Thy cho biết nhiều đơn vị vẫn chi ra số tiền lớn để quảng bá thương hiệu thông qua các sản phẩm in ấn dịp Tết. Với lịch Tết 2025, ngay từ tháng 6 dương lịch nhiều bên đã đặt in với số lượng dao động từ 5.000 - 10.000 quyển.
So với những năm trước, nhu cầu đặt in lịch của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có phần giảm. Tuy nhiên nhiều ngân hàng, tập đoàn lớn... vẫn giữ truyền thống in lịch Tết để tặng. Bên cạnh đó các tiệm vàng, doanh nghiệp làm ăn tốt cũng sẵn sàng chi tiền để thiết kế độc quyền hình ảnh, hoa văn, gửi gắm nhiều câu chuyện ý nghĩa.
Cùng với đó, nhu cầu in ấn hộp quà Tết kèm logo doanh nghiệp cũng đang được không ít bên rất ưa chuộng. Giá một hộp giấy (không bao gồm quà Tết bên trong) thường khoảng 65.000 - 100.000 đồng. Có những công ty "chơi sang", chi từ 200.000 - 250.000 đồng/hộp để được in ấn hoa văn độc đáo trên giấy mỹ thuật, chia ra nhiều khay và nhiều tầng để đựng quà...
Theo bà Thy, với nhiều doanh nghiệp, in ấn hộp quà Tết mang dấu ấn riêng, đi kèm logo là cách quảng bá tốt, khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường và giữ khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận