Sinh viên tình nguyện xem lại các thiết bị trước khi lắp đặt cho gia đình bà Nguyễn Thị Em - Ảnh: Huyền Trang |
Bà Em cho biết hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, nhiều hôm gia đình bà phải ăn cơm trong ánh đèn dầu tù mù vì hết tiền “mua” điện từ máy phát của đảo.
Không chỉ mình bà Em, người dân thôn đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang rất vui bởi có thêm nguồn điện năng lượng mặt trời từ công trình do Đoàn Trường ĐH Nha Trang cùng 40 sinh viên tình nguyện của trường góp sức xây dựng.
Nằm cách đất liền 10km nhưng đến nay thôn đảo Điệp Sơn vẫn chưa có mạng lưới điện quốc gia. Cả đảo có gần 80 hộ dân nhưng chỉ có một máy phát điện 10kW chạy bằng dầu diesel, hoạt động từ 18 - 21g30 hằng ngày.
Anh Lê Công Lập, bí thư Đoàn Trường ĐH Nha Trang, cho biết Đoàn Trường ĐH Nha Trang đã tổ chức vận động và lắp đặt 13 bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời miễn phí cho hai trường học và bảy hộ dân sống trên đảo với kinh phí khoảng 45 triệu đồng. Toàn bộ hệ thống điện mặt trời này là sản phẩm do chính trường thiết kế.
“Trường đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các nhà tài trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho toàn đảo Điệp Sơn và các vùng còn khó khăn ở Khánh Hòa và các tỉnh lân cận” - anh Lập nói.
TS Trần Tiến Phức, trưởng khoa điện - điện tử Trường ĐH Nha Trang, cho biết nhà trường sẽ hướng đến việc sử dụng điện mặt trời cho các trang thiết bị liên lạc trên tàu thuyền, giúp ngư dân đảo Điệp Sơn yên tâm khi đánh bắt xa bờ.
Ngoài lắp hệ thống điện mặt trời, các sinh viên tình nguyện Trường ĐH Nha Trang đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác cho người dân trên đảo như xây dựng sân chơi vận động cho trẻ em, sửa chữa nhà cửa và xử lý rác thải, được người dân rất quý mến. “Thích tụi nhỏ cứ ở hoài chứ về mọi người buồn lắm” - bà Nguyễn Thị Lộc (51 tuổi, người dân ở đảo) chia sẻ.
ĐH Cần Thơ kết thúc chiến dịch Mùa hè xanh tại An Giang Ngày 28-7, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ làm lễ rút quân chiến dịch Mùa hè xanh, khép lại 28 ngày đóng quân tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang với nhiều hoạt động: tuyên truyền nâng cao ý thức người dân địa phương về các bệnh truyền nhiễm, phổ biến kiến thức pháp luật qua các phiên tòa giả định, trồng hơn 20 cây cột cờ, làm lan can cầu cống giúp học sinh đi lại dễ dàng trong mùa nước lũ. Các hoạt động bảo vệ môi trường cũng được triển khai qua chương trình Thứ bảy tình nguyện và Ngày chủ nhật xanh thu gom 500kg rác thải ở cụm dân cư và trồng cây xung quanh các trường học. Tại huyện Chợ Mới, các chiến sĩ tuyên truyền diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết, khai giảng các lớp học phổ cập giáo dục cho học sinh tiểu học, thu gom phế liệu, tổ chức văn nghệ gây quỹ đầu năm học mới cho Trường tiểu học B Hội An. Chiến dịch đã mở nhiều lớp học hè gồm các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh và vi tính, tổ chức các lớp dạy võ thuật, dân vũ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận