25/12/2021 12:12 GMT+7

Đứa con thông minh của một người điên

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - 'Hôm em biết kết quả đậu đại học, em nói với mẹ con đậu đại học rồi. Mẹ em chẳng nói gì, chỉ gào lên, rồi hất đổ chén cơm em mang vào cho mẹ', Hiếu kể.

Đứa con thông minh của một người điên - Ảnh 1.

Bà già yếu, mẹ tâm thần, mỗi ngày ngoài việc học, Hiếu phải làm mọi công việc nội trợ và đồng áng - Ảnh: TRẦN MAI

Men theo lối nhỏ vừa đủ cho một xe máy đi và cỏ dại mọc um tùm ở thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi là ngôi nhà của chàng trai Lê Đức Hiếu, tân sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Người dân ở đây gọi Hiếu là "đứa con thông minh của người điên".

Mọi người có thể kể rõ về chuyện Hiếu ra đời, Hiếu thảo hiền, Hiếu đã leo từng nấc thang khó nhọc của đời mình với khát khao cháy bỏng mang tên con chữ.

Em không tính dài, chỉ tính từng ngày. Như đầu học kỳ 1, không có tiền đóng học phí, bà ngoại ra chợ vay nóng để em tạm đóng tiền học phí bước vào học kỳ đầu tiên. Ít hôm vào TP.HCM nhập học, vừa cày vừa học. Nếu ngoại ốm hay bệnh mẹ chuyển biến nặng ngoại không chăm được, em sẽ xin bảo lưu về chăm mẹ rồi vào học tiếp. Nói chung, với em bây giờ có thể mất 4 năm hoặc 5 năm, thậm chí 6 năm để hoàn thành đại học, chỉ có điều em chắc chắn sẽ không rời giảng đường.

Lê Đức Hiếu

Khoảng cách vô hình

Sáu năm là thời gian chúng tôi quay trở lại nhà Hiếu, mọi thứ chẳng có gì thay đổi, chỉ Hiếu từ cậu bé ngày nào giờ trở thành chàng trai 18 tuổi, còn bà Chế Thị Gái (73 tuổi, bà ngoại Hiếu) già đi thấy rõ. Bà Gái vẫn nhớ chúng tôi, niềm nở khoe: "Lâu quá mới ghé nhà bà, thằng Hiếu đậu đại học rồi".

Sáu năm trước, phóng viên Tuổi Trẻ cùng một nhóm thiện nguyện từng đến nhà Hiếu để xây thêm một căn phòng cho chị Lê Thị Thương (47 tuổi, mẹ Hiếu). Lúc đó chị Thương bị trói bằng một sợi dây xích dài chừng 2m dưới hiên bếp. Đó là cách bà Gái giữ chị Thương không quậy phá và bà cũng không phải đi quanh xã tìm mỗi khi trời nhá nhem.

Bà Gái dẫn chúng tôi ra căn phòng sáu năm trước nơi chúng tôi vận động xây phía sau nhà để chị Thương ở thay vì bị xích. Bà Gái bảo rằng nhờ có căn phòng mà chị Thương ít quậy phá hơn.

Vẫn câu chuyện cũ, bà kể khi chị Thương tròn 20 tuổi, đi làm từ TP.HCM về quê, thấy ngoài sân bóng xã tổ chức hát cải lương, chị Thương đi xem cùng bạn rồi bất ngờ ngồi bệt xuống giữa ngã ba, rồi chị không đi xem cải lương nữa mà trở về nhà, ngồi im trong phòng đến tận bảy ngày, sau đó chị nói vô thức và nổi cơn điên.

Bà Thương đưa con vào Bệnh viện tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai), bác sĩ thông báo chị Thương bị tâm thần nặng, những viên thuốc vào người chị Thương được nửa tháng mà chẳng có chuyển biến tích cực nào. Tiền lúc đó cũng vơi, bà Gái dẫn con về Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi, ở đây một tuần bác sĩ lắc đầu, bà Gái đưa con về nhà hẳn. Chị cũng khóc cười, gào thét vô thức từ ngày đó.

Lúc đó, cả nhà đã chấp nhận với số mệnh dù chị Thương bị tâm thần quá bất ngờ. Nhưng cuộc sống luôn có những điều chẳng ai ngờ tới. Năm chị Thương 29 tuổi, bà Gái thấy bụng chị Thương to bất thường, bà nghĩ chắc là do uống thuốc nhiều nên vậy, nhưng rồi một đêm bà phát hiện một người đàn ông từ phòng chị Thương đi ra, bà Gái hiểu chuyện gì đã xảy ra và Hiếu ra đời như thế.

Hiếu ngồi bên cạnh, lặng lẽ nghe câu chuyện của bà ngoại, thỉnh thoảng cậu chen ngang lời kể. 18 năm sống bên cạnh mẹ nhưng chưa một lần Hiếu cảm nhận hơi ấm từ mẹ.

Với Hiếu, chẳng có khoảng cách nào mênh mông hơn cảm xúc bị bóp nghẹt. Chắc chỉ ai cùng hoàn cảnh mới cảm nhận hết nỗi niềm của Hiếu.

Mỗi lần đạt điểm cao, mỗi lần nhận thưởng, mỗi lần Hiếu làm được điều gì đó thật tốt, cậu cũng chỉ đứng ngoài cửa nói vọng vào phòng khoe với mẹ. Phía bên trong, mẹ Hiếu chẳng nói được lời nào. Hiếu tự khoe rồi tự đón nhận.

"Hôm em biết kết quả đậu đại học, em nói với mẹ con đậu đại học rồi. Mẹ em chẳng nói gì, chỉ gào lên, rồi hất đổ chén cơm em mang vào cho mẹ", Hiếu tâm tình.

Đứa con thông minh của một người điên - Ảnh 3.

Bà già yếu, mẹ tâm thần, mỗi ngày ngoài việc học, Hiếu phải làm mọi công việc nội trợ và đồng áng - Ảnh: TRẦN MAI

Tính từng ngày nuôi chí lớn

Kể đến đó, mắt Hiếu rưng rưng, 18 năm chưa một ngày Hiếu thôi hy vọng mẹ sẽ cảm nhận được mình là một đứa con. Mẹ sẽ tự hào về con mình, nhưng cho đến giờ tất cả chỉ dừng lại ở hy vọng.

Hiếu là một người kiên cường, lúc còn nhỏ mỗi lần bạn bè chọc Hiếu là con của người điên, cậu phản ứng lại bằng những lần đánh nhau và trở về nhà trong bộ áo học trò lấm len cùng nước mắt.

Từ khi bước vào cấp II, Hiếu tự ý thức đó là sự thật và cậu bé ngày đó không chạy trốn điều ấy nữa. Hiếu bảo rằng điên là từ bình thường mà mọi người dành cho những người tâm thần nặng như mẹ mình và chẳng có gì phải khó chịu hay né tránh cả.

"Em là con của người điên thật, nhưng có điên cũng là mẹ em, không ai thay đổi được điều đó. Em sẽ cố gắng để mọi người thấy mẹ có một người con giỏi giang", Hiếu nói.

Chấp nhận số phận và bước đi trên con đường không bằng phẳng của đời mình là cách Hiếu chọn, Hiếu phải tỉnh táo thay cho phần của mẹ. Có lẽ vì vậy mà nhiều năm Hiếu là học sinh giỏi, kết quả ba môn xét tuyển đại học của Hiếu tận 26,8 điểm.

Với một học sinh trường huyện, điểm số ấy là quá sức, nhất là trong hoàn cảnh bi thương như Hiếu. Hôm chúng tôi đến, sau khi trò chuyện, Hiếu mang sổ nhận thuốc của mẹ lên trạm y tế xã Hành Đức nhận thuốc.

Nhân viên y tế ở đây chẳng lạ lẫm gì nên nhanh chóng đưa thuốc cho Hiếu và hỏi "Con nhớ thuốc nào uống bao nhiêu viên vào lúc nào không?". Hiếu trả lời rành mạch như đã thuộc lòng.

Tin Hiếu đỗ đại học lan đi khắp nơi, ai cũng cảm phục ý chí của Hiếu. Ngoài lời động viên còn có những món quà thiết thực. Hôm 20-11, nhân Ngày hiến chương nhà giáo, UBND huyện Nghĩa Hành cũng đã có học bổng 3 triệu đồng khích lệ Hiếu. Hiếu đón nhận và cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm. Đâu đó giữa bất hạnh, yêu thương luôn là điểm tựa để Hiếu vịn vào và tiếp tục.

Hỏi Hiếu về dự tính cho tương lai, chàng trai trẻ cười hiền lành đáp: "Em không tính dài, chỉ tính từng ngày. Như đầu học kỳ 1, không có tiền đóng học phí, bà ngoại ra chợ vay nóng để em tạm đóng tiền học phí bước vào học kỳ đầu tiên. Ít hôm vào TP.HCM nhập học, em sẽ ở cùng anh trai rồi vừa cày vừa học. Nếu ngoại ốm hay bệnh mẹ chuyển biến nặng ngoại không chăm được, em sẽ xin bảo lưu về chăm mẹ rồi vào học tiếp. Nói chung, với em bây giờ có thể mất 4 năm hoặc 5 năm, thậm chí 6 năm để hoàn thành đại học, chỉ có điều em chắc chắn sẽ không rời giảng đường".

Vọng trong tiếng gào thét của chị Thương từ căn phòng u tối, bà Gái thở dài khi nghe Hiếu nói, nhà bà Gái chẳng có gì, vườn cau sau nhà là giá trị nhất nhưng thường xuyên bị kẻ xấu hái trộm. Bà Gái biết phía tương lai của cháu mình còn nhiều gập ghềnh chờ đón. Nhưng bà vẫn luôn tin mình sẽ còn khỏe mạnh để làm điểm tựa cho Hiếu. Những gì Hiếu trải qua đủ để bà Gái tin đứa cháu sẽ mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn.

Ngày 25-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 47 tân sinh viên khó khăn tại tỉnh này. Đây là điểm trao thứ 7 chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2021 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ.

Mỗi suất học bổng có trị giá 10 triệu đồng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng tiền mặt, tổng kinh phí chương trình hơn 500 triệu đồng do Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP ôtô Đô Thành tài trợ (trong đó có 6 suất học bổng đặc biệt, trị giá 90 triệu đồng).

Ngoài ra, Công ty Nestlé Việt Nam đã ủng hộ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty CP Vinacam còn trao tặng 2 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, còn thiếu thiết bị học tập.

Anh Cao Lê Tùng Nghĩa, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" rất ý nghĩa, nhiều năm qua đã chắp cánh cho rất nhiều thế hệ sinh viên khó khăn bước vào giảng đường đại học. Năm nay, lễ trao tổ chức trong thời điểm có dịch COVID-19 và những gương mặt được lựa chọn trao học bổng rất nỗ lực trong học tập cũng như ý chí vượt qua khó khăn.

"Tôi hy vọng lễ trao sẽ là nơi gặp gỡ, sẻ chia và đồng cảm của những tân sinh viên có cùng hoàn cảnh. Đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo báo Tuổi Trẻ gặp gỡ, gắn bó và tiếp tục thực hiện chương trình đầy ý nghĩa này trong những năm kế tiếp", anh Nghĩa nói.

Dự kiến, buổi trao học bổng sẽ có sự hiện diện của ông Nguyễn Hoàng Tuấn, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi và đại diện các nhà tài trợ học bổng.

TRẦN MAI

Đứa con thông minh của một người điên - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Học bổng Tiếp sức đến trường 2021 đến tay tân sinh viên Đà Nẵng Học bổng Tiếp sức đến trường 2021 đến tay tân sinh viên Đà Nẵng

TTO - Ngày 23-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức lễ tuyên dương và trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 29 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại TP Đà Nẵng.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên