30/07/2017 15:43 GMT+7

Đứa con của chiến tranh

BÁ MINH
BÁ MINH

TTO - Trưa 30-3-1972, chiến dịch giải phóng Quảng Trị bắt đầu. Cùng với các đơn vị chủ lực khác, trung đoàn 27 (trung đoàn Triệu Hải anh hùng) được lệnh đánh vào sườn đông nam thành cổ.

Ông Xuyến trước nhà riêng, đồng thời là trụ sở của “Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị  1972 huyện Quỳnh Lưu” -  Ảnh: BÁ MINH
Ông Xuyến trước nhà riêng, đồng thời là trụ sở của “Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị 1972 huyện Quỳnh Lưu” - Ảnh: BÁ MINH

Thiếu úy Nguyễn Bá Xuyến, đại đội trưởng C3, D2 (trung đoàn 27) được giao nhiệm vụ vào vùng địch hậu để nghiên cứu hướng tấn công mới.

Đón người đại đội trưởng trẻ tuổi này là cô du kích xinh đẹp Cáp Thị Hồng, lúc đó cả hai người đều 24 tuổi.

Cuộc tình thời chiến

Sau khi nắm được một số thông tin thì bất ngờ, một cuộc tập kích của quân đội Sài Gòn ập đến.

Nữ du kích Cáp Thị Hồng vội vã kéo thiếu úy Nguyễn Bá Xuyến chạy ra bờ sông Vĩnh Định (một nhánh của sông Thạch Hãn), chui xuống căn hầm bí mật, bên dưới lùm cây tràm.

Trong căn hầm này, người đại đội trưởng và cô du kích đã trao cho nhau những gì quý giá nhất của cuộc đời họ.

Sau đó cả hai đều thoát khỏi vòng vây an toàn nhưng do chạy hai hướng khác nhau nên ai cũng tin rằng người kia đã đánh lạc hướng chặn giặc cho mình thoát thân và đã hi sinh...

Anh Xuyến trở về đơn vị, tiếp tục chỉ huy đại đội đánh chiếm thành cổ, lập được rất nhiều chiến công và bị thương nhiều lần. Anh được phong dũng sĩ diệt Mỹ, được thưởng nhiều huân chương chiến công.

Ngày 22-7-1972, khi đang chiến đấu bảo vệ thành cổ, anh bị một mảnh đạn găm vào tai bị thương, tai điếc đặc, không thể chiến đấu được nữa, cấp trên mới lệnh cho anh về tuyến sau điều trị.

Hội ngộ sau 33 năm

Rồi anh Xuyến vào Học viện Quân sự, ra trường anh qua Campuchia mang quân hàm đại úy với chức vụ tiểu đoàn trưởng quân tình nguyện Việt Nam đánh Pol Pot.

Năm 1986, sau 20 năm chinh chiến, Nguyễn Bá Xuyến về nghỉ hưu tại quê nhà ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Sau khi về hưu cũng như trước đó, từ lúc hiệp định Paris được ký kết, ông Xuyến đã nhiều lần vào Quảng Trị để dò hỏi tin tức cô du kích Cáp Thị Hồng nhưng đều không có kết quả, ông càng đinh ninh người nữ du kích đã hiến dâng cho mình những gì trinh trắng nhất đã hi sinh.

Năm 2005, ông Xuyến cùng đồng đội sắp xếp thời gian tổ chức hành hương về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.

Tháng 7 năm này, trời Quảng Trị nắng chang chang, Đài tưởng niệm liệt sĩ thành cổ khói nhang nghi ngút.

Sau khi cùng các cựu chiến binh thành cổ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ, ông Xuyến quay ra thì gặp một phụ nữ trung niên, mái tóc dài đã điểm bạc nhưng vẫn còn nét thanh tú của thời con gái cùng một đoàn đại biểu đi vào...

Phút ngập ngừng, ông Xuyến và người phụ nữ đó nhìn nhau trân trân mấy giây, rồi họ lao vào ôm lấy nhau, môi của họ đồng thời bật ra những tiếng gọi tên nhau run rẩy...

Nguyễn Bá Tuyền (đứa con trong chiến tranh của ông Xuyến và bà Hồng) cùng với vợ trong ngày cươi của mình -  Ảnh: BÁ MINH
Nguyễn Bá Tuyền (đứa con trong chiến tranh của ông Xuyến và bà Hồng) cùng với vợ trong ngày cươi của mình - Ảnh: BÁ MINH

Trở về nguồn cội

Sau cuộc gặp bất ngờ dài đằng đẵng 33 năm, bà Hồng đưa ông Xuyến về thăm vùng quê cát trắng của mình bên bờ sông Vĩnh Định thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Tại đây, ông Xuyến mới biết từ cuộc tình chớp nhoáng trong chiến tranh ác liệt giữa mình với cô du kích năm nào, một bào thai đã thành hình và trở thành một thanh niên nay đã ở tuổi 32, giống hệt ông và suốt hơn 30 năm qua đang khao khát được gặp lại bố đẻ.

Kể từ buổi đội hầm bí mật năm nào, hai người đều không bao giờ có cơ hội gặp nhau lần nữa nên ông Xuyến đã về quê lấy vợ và đã có ba đứa con, một trai, hai gái.

Bà Hồng cũng đã lấy chồng và có thêm một đứa con gái. Sau khi giải thích với vợ con của mình, ông Xuyến đã được tự do thăm viếng “đứa con trai của chiến tranh” tại Quảng Trị.

Một ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017, sau những rào cản về pháp lý (ông Xuyến phải làm thủ tục đổi họ cho con từ họ Hà của bố dượng sang họ Nguyễn của ông), ông Xuyến đã đưa con trai về quê nhập họ.

Tại nhà thờ tiểu chi 2, họ Nguyễn Bá, xóm 5, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, buổi lễ vào họ đã diễn ra xúc động đầy nước mắt.

Ông Xuyến ở tuổi 70, giọng run run trình với họ hàng gia tộc đứa con trai nay đã 45 tuổi của mình.

BÁ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên