09/11/2021 09:26 GMT+7

Đưa chất cấm vào thuốc bảo vệ thực vật, làm giả bao bì 'y chang'

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc bảo vệ thực vật than trời vì bị nhiều đơn vị làm giả "y chang" bao bì nhãn mác nhưng lại đưa chất cấm vào trong ruột để bán rẻ nhằm chiếm thị trường.

Đưa chất cấm vào thuốc bảo vệ thực vật, làm giả bao bì y chang - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng Đồng Nai vừa bắt hàng ngàn chai thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu làm giả - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Không chỉ vậy, việc trộn chất cấm trong các sản phẩm làm nhái nhãn hiệu được phép kinh doanh còn gây nguy hiểm cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Trộn chất cấm vào hàng giả

Sau bài viết "Chất cấm vẫn đổ xuống ruộng đồng" (Tuổi Trẻ ngày 5-11), chúng tôi nhận được đơn phản ảnh của nhiều DN sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho rằng cơ quan chức năng cần làm mạnh tay hơn với việc kinh doanh chất cấm, hàng giả và hàng lậu.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, giám đốc Công ty cổ phần BVTV Sài Gòn (SPC), cho hay nhiều sản phẩm của công ty đã ngưng sản xuất 2-3 năm trước nhưng vẫn thấy bán trên thị trường. Công ty đi điều tra thì phát hiện đây là hàng giả, hàng nhập lậu cố tình lấy thương hiệu của công ty để đánh lừa người tiêu dùng. 

"Ảnh hưởng của việc làm giả nhãn hiệu của chúng tôi là rất lớn. Vì vậy, các DN rất mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý dứt điểm", ông Dũng nói.

Bà Ngọ Thị Phương, đại diện Công ty cổ phần BMC Việt Nam (Long An), cho biết một số đối tượng làm giả sản phẩm thuốc trừ cỏ Jiafosina 150SL (nhãn hiệu "Khai Hoang Q7") và Newfosinate 150SL và cạnh tranh trực tiếp với hàng thật. 

"Chúng tôi đem đi phân tích thì thay vì hoạt chất glufosinate ammonium (được cấp giấy phép của Cục BVTV) thì sản phẩm giả lại là hoạt chất paraquat, glyphosate - chất cấm mà các đối tượng xấu cố tình đưa vào sản phẩm làm giả sản phẩm của công ty chúng tôi và của nhiều công ty khác trong ngành. Bọn chúng đặt in tên nhãn mác giống gần 90 - 95% nhãn hàng thật", bà Phương cho biết.

Dù phun thuốc giả cỏ không chết nhưng hàng giả rẻ hơn, chiết khấu cao hơn nên nhanh chóng có mặt ở nhiều tỉnh thành, cạnh tranh trực tiếp với hàng chính thống. 

"Công ty BMC chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng của các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk... để nhờ vào cuộc ngăn chặn hành vi làm hàng giả và buôn bán chất cấm này", bà Ngọ Thị Phương cho hay.

Trộn chất cấm, làm hàng giả không chỉ tiếp tục đổ chất độc hại xuống ruộng đồng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn tạo ra những rủi ro cực kỳ lớn cho các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Do mua phải hàng giả hoặc hàng trộn chất cấm nhưng không biết, nhiều lô hàng tưởng như đã được kiểm soát chặt chẽ từ vùng nguyên liệu bỗng dưng bị thị trường nhập khẩu "tuýt còi".

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản e ngại

Việc trộn chất cấm vào chất BVTV nhưng cố tình không ghi thành phần đã được nhiều công ty xuất khẩu nông sản cảnh báo từ vài năm qua.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết việc trộn chất cấm vào các sản phẩm phân bón hay thuốc BVTV là vấn đề đau đầu với các nhà xuất khẩu nông sản, nhất là khi xuất sang các thị trường khó tính. Bởi vì để xuất khẩu sang các thị trường này, các công ty phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong đó không được dùng các chất trong danh mục cấm của họ.

DN phải xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, làm việc với nông dân. "Nhưng một số đơn vị sản xuất họ cố tình cho chất cấm vào dù trong thành phần không ghi. Nông dân không thể biết trong một chai thuốc có chứa chất cấm. Vì thế, nhiều lô hàng có nguy cơ bị tồn dư và bị trả về hoặc tiêu hủy, thiệt hại cho DN là rất lớn", ông Tùng nói.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, tình trạng buôn bán chất cấm tràn lan, hàng giả lộng hành như hiện nay cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Thị trường thuốc BVTV có đến hàng ngàn đơn vị sản xuất và kinh doanh với hàng chục ngàn tên sản phẩm khác nhau cho thấy sự quá dễ dãi trong cấp phép và quản lý chất lượng trong ngành kinh doanh có điều kiện này.

Không thể đổ lỗi cho việc người ta bán chui hay bán trên mạng mà để cho chất cấm tràn lan, thấm vào trong nông sản thực phẩm. 

"Ngành thuốc BVTV là siêu lợi nhuận, nhưng còn rất nhiều vấn đề cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý. Cục BVTV, Bộ NN&PTNT cần phải siết chặt lại việc cấp phép kinh doanh các loại hóa chất trong nông nghiệp. Nếu không kiểm soát được thì tạm ngưng cấp phép cho DN mới, hoạt chất mới vào thị trường. Đồng thời theo thông lệ quốc tế để hạn chế, tiến tới loại bỏ các chất độc mà các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... đã cấm để tránh trường hợp nông sản Việt Nam bị cảnh báo và trả về như thời gian qua", TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết.

Liên tục bắt các vụ bán hàng giả

Ngày 4-11, đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Thống Nhất và đội quản lý thị trường số 6, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) đã bắt giữ 3 nhà xe vận chuyển hàng ngàn chai thuốc BVTV có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, có hơn 3.000 chai thuốc trừ cỏ có dấu hiệu bị làm giả thương hiệu, bao bì nhãn mác và không hóa đơn chứng từ Jiafosina 150SL (hiệu "Khai Hoang Q7") và Newfosinate 150SL của Công ty CP BMC Việt Nam. Trên 1.000 chai thuốc trừ cỏ không chọn lọc, 400 can chất lỏng bên trong không nhãn hiệu, có màu đỏ loại 5kg/can. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ nên đã bị niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh hành vi vi phạm.

Trước đó, trong tháng 10 và đầu tháng 11, lực lượng chức năng của Long An, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cũng liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển các chất BVTV có dấu hiệu làm giả, chứa chất cấm đang đưa đi tiêu thụ.

Nhiều con đường đưa chất cấm ra thị trường

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), cho biết ngay sau khi bài viết "Chất cấm lại rình rập nông sản" đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, nhiều DN thành viên đã gửi công văn cho Cục BVTV và VIPA để làm rõ thông tin.

Theo đó, các DN cho biết sau khi các chất cấm như 2,4D, paraquat, glyphosate... được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục cấm, thành viên VIPA chấp hành nhưng trên thị trường vẫn có những loại thuốc chứa các chất cấm nói trên, thậm chí là cả các sản phẩm với tên thương mại đã được cấp phép (trước đây).

Điều này là do hàng nhập lậu qua đường biên Trung Quốc, Lào và Campuchia. Hiện có hình thức tổ chức, cá nhân đặt hàng không nhãn mác về in nhãn hàng nào thị trường cần để bán thu lợi bất chính, như vụ bắt giữ 3 xe hàng của đoàn 389 Đồng Nai vào hôm 4-11.

Một số tổ chức, cá nhân đã cố tình làm giả tên và nhãn hiệu bán chạy của các thành viên VIPA. Ngoài ra, còn một số hàng tồn kho thuốc mới hết hạn cấm lưu hành như glyphosate (từ 30-6-2021) tại các đại lý nhỏ lẻ, có thể chưa tiêu thụ kịp do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Ông Sơn cho biết việc nhập lậu, làm giả các loại thuốc (đã bị đưa khỏi danh mục) là hành động nguy hiểm cho cả nông dân lẫn các DN làm ăn đàng hoàng. VIPA mong cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay với các hành vi sản xuất kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả thuốc BVTV nói trên.

Chất cấm lại Chất cấm lại 'rình rập' nông sản

TTO - Với nhiều cảnh báo về dư lượng chất cấm trong nông sản Việt Nam xuất khẩu cùng nhiều lô hàng bị trả về gần đây cho thấy dù đã bị cấm sản xuất và kinh doanh, nhưng nhiều chất độc hại vẫn đổ xuống ruộng đồng Việt Nam.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên