28/07/2015 12:27 GMT+7

Đưa “cần câu cơm” qua biên giới

 SƠN LÂM - VIỄN SỰ
SƠN LÂM - VIỄN SỰ

TT - Dọc đường biên giới Tây Nam, câu chuyện mà chúng tôi nghe nhiều nhất về tình hữu nghị giữa hai cộng đồng người Việt - Khmer có lẽ là chuyện giúp nhau có cái nghề để thoát nghèo.

Thực hành gieo sạ trên cánh đồng tỉnh Long An - Ảnh tư liệu
Thực hành gieo sạ trên cánh đồng tỉnh Long An - Ảnh tư liệu

Những “cần câu cơm” từ Việt Nam đưa sang Campuchia có câu chuyện là tình riêng của một cá nhân đối với bạn bè Campuchia, có chuyện là cả một chính sách của tỉnh có đường biên giới.

Cách đây ba năm, chúng tôi từng nghe chuyện và ghé thăm ông Chín Nghĩa ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, Tân Hồng, Đồng Tháp luôn cưu mang người Campuchia trong nhà. Trở lại lần này, câu chuyện... vẫn thế.

Cưu mang dân nghèo nước bạn

Ông Chín Nghĩa tên thật là Lê Thanh Nghĩa, năm nay 58 tuổi, vốn là dân gốc Mỹ Tho, Tiền Giang nhưng được sinh ra ở Campuchia.

Theo cha mẹ trở về Việt Nam lúc tuổi lên 9, Chín Nghĩa đã thành thục đọc, viết cả hai ngôn ngữ Khmer và Việt.

Tham gia bộ đội rồi thành sĩ quan chuyên nghiệp thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp, hơn 20 năm nay ông Chín Nghĩa cũng chính là phiên dịch chính của nhiều cuộc hội họp giữa Việt Nam và Campuchia.

Từ cửa khẩu Dinh Bà về nhà ông Chín Nghĩa hơn 3km, vẫn bạt ngàn gió đồng. Vừa gặp chúng tôi vào, Thạch Ral đã nhận ra ngay, nhoẻn miệng hỏi: “Đường xa mệt lắm không?”.

Câu hỏi của Ral làm chúng tôi ngạc nhiên bởi cách đây ba năm, Ral vẫn mới chỉ là anh chàng từ Campuchia về làm vườn giúp ông Chín Nghĩa, ai hỏi gì cũng cười cười lắc đầu bởi không mảy may biết một câu tiếng Việt.

“Giờ mình hết làm vườn giúp ông Chín rồi, đang học điện lạnh, sắp sửa được cả tủ lạnh, máy lạnh luôn rồi” - Ral “giới thiệu” tiếp.

Ral là dân tỉnh Pursat, Campuchia. Ral nhà nghèo, học được đủ biết mặt chữ Khmer thì nghỉ. Trong một lần qua Pursat tìm tre về trồng vườn, ông Chín Nghĩa bắt gặp cậu nhóc đen ngỏm nhưng lanh lẹ, ra chiều thông minh nên đem về nuôi làm công trong vườn.

“Bảo nó cố gắng học tiếng Việt để đi kiếm nghề mà tự nuôi thân chứ không sống được với mình hoài. Nó cũng cố gắng lắm, sau một năm đã nói được tiếng Việt” - ông Chín Nghĩa kể.

Loanh quanh từ xã Tân Hộ Cơ đến thị trấn Sà Rài, huyện Tân Hồng, những tiệm điện lạnh luôn đầy hàng Campuchia qua sửa. Ông Chín Nghĩa gửi Ral vào một tiệm điện lạnh để học nghề.

Ông Chín nói thêm: “Nó học cũng mau, sắp ra nghề rồi, đang chuẩn bị cho nó ít vốn về lại Campuchia mở tiệm điện lạnh đây”.

Những trường hợp như Ral, được ông Chín Nghĩa cưu mang, học được cái nghề rồi trở lại Campuchia kiếm sống, nhẩm lại đã hơn chục người. Trong nhà ông Chín Nghĩa hiện tại, hai anh em Tà Phéc và Tà Đak cũng sắp sửa lành nghề thợ hồ với tay bay, tay gạt.

“Hai anh em nhà nó không có học, lại mù chữ nên học mãi cũng chỉ bập bõm không quá mười câu tiếng Việt. Được cái học nghề thợ hồ cũng nhanh” - ông Chín kể. Nhiều người thắc mắc sao ông Chín Nghĩa thương người Campuchia, ông chỉ cười hề hề.

Ông Chín Nghĩa tâm niệm đã là người thì ai cũng như ai, người nào gặp hoàn cảnh cần giúp thì giúp chớ phân biệt làm gì chuyện nước này nước nọ.

“Tui hay giúp mấy đứa Campuchia vì hay qua bên đó công tác, nên dễ gặp mấy hoàn cảnh đáng giúp. Hơn nữa, tui có thể dạy được cả tiếng Khmer nên nhiều phụ huynh cũng yên tâm gửi con đến cho mình nâng đỡ” - ông Chín Nghĩa bộc bạch.

Đa số người có nghề sau thời gian ở với ông Chín Nghĩa đều quay về Campuchia lập nghiệp. Ông Chín Nghĩa tâm sự:

“Nhiều vùng quê của họ nghèo hơn bên mình nhiều. Dân nghèo nên dựa nhau mà sống chứ phân định nhau làm gì. Mấy đứa trở về quê lập nghiệp, tui đều dặn phải ráng để giúp quê hương”.

Các học viên Campuchia trong buổi thực tế tập thu hoạch lúa - Ảnh tư liệu
Các học viên Campuchia trong buổi thực tế tập thu hoạch lúa - Ảnh tư liệu

Đào tạo chuyên gia nông nghiệp

Không chỉ cung cấp từng “cần câu cơm” cho từng người, từ năm 2013 đến nay tỉnh Long An còn tổ chức lớp huấn luyện để đào tạo các “chuyên gia trồng lúa” cho nước bạn.

Ông Trịnh Hoàng Việt - phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, chủ nhiệm chương trình - cho biết thêm: “Theo chương trình phối hợp giữa hai sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Ngoại vụ tỉnh Long An về việc phối hợp huấn luyện cho cán bộ nông nghiệp Vương quốc Campuchia trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, năm 2013 - 2014 chúng ta tổ chức một lớp công nghệ sản xuất hạt giống lúa chất lượng cao cho ba học viên tỉnh Svay Rieng.

Đến khóa 2014 - 2015, chúng ta nâng lên hai lớp. Một lớp công nghệ sản xuất hạt giống lúa chất lượng cao như khóa trước cho bốn học viên ngành nông nghiệp tỉnh Prey Veng. Lớp kia nâng cao hơn, đào tạo các phương pháp và kỹ năng khuyến nông, kỹ thuật canh tác những cây trồng chính theo hướng sản xuất an toàn, bền vững cho bảy học viên của cả hai tỉnh Svay Riêng và Prey Veng”.

Kể lại quá trình học tập, ông Việt nói hồ hởi: “Các bạn Iv Van, Nghet Chanbo, Chuong Saray... mà mình hướng dẫn trực tiếp đều trẻ, người lớn nhất chỉ mới 30 tuổi nên họ năng nổ và tiếp thu rất nhanh. Các buổi tọa đàm chuyên đề, giao lưu với các trường đại học trong khu vực đều được các bạn trẻ Campuchia hưởng ứng nhiệt tình”.

Các lớp học này đều được báo cáo viên của Trung tâm Khuyến nông như anh Thuận trình bày bằng tiếng Việt, bằng hình ảnh minh họa và thông qua thông dịch của Sở Ngoại vụ dịch ra tiếng Campuchia.

“Có thể thấy được nét phấn khởi rõ nhất của các học viên ở những buổi ra đồng học xác định giống lúa, vào vườn thanh long tập phát hiện bệnh...” - ông Việt nói tiếp.

Sau một khóa học, các học viên Campuchia đều thuần thục phương pháp cấy vụ, biết được từng giai đoạn phát triển của cây lúa.

Ngoài ra họ còn được đào tạo để có thể xử lý rơm và làm mô nấm, chăm sóc, quản lý theo quy trình sản xuất nấm rơm, chăm sóc, tỉa cành tạo tán thanh long, thực nghiệm ghép chiết cây chanh...

Không chỉ dạy trên đất Việt Nam, cán bộ ngành khuyến nông Long An còn theo các học viên trở về quê nhà trên đất Campuchia để giúp họ làm những vườn mẫu cho bà con nông dân xứ thốt nốt.

Ông Việt nhận định: “Điều kiện tự nhiên ở Campuchia có nhiều nét khác với Việt Nam, việc theo các học viên qua đó xây dựng mô hình cũng chính là cơ hội học tập, thực nghiệm để trau dồi thêm nghiệp vụ đối với chính các cán bộ khuyến nông Việt Nam”.

Không chỉ học nghề nông, các học viên này còn được dạy tiếng Việt trong những khóa đào tạo này. Ông Việt nói thêm: “Những học viên hoàn thành khóa học đều viết khóa luận bằng tiếng Việt. Dĩ nhiên khó mà sành sỏi nhưng cũng đủ để làm nền tảng để họ có thể dễ dàng tiếp cận thêm nghề nông Việt Nam về sau”.

Nhưng những bản khóa luận tốt nghiệp tiếng Việt của các học viên Campuchia không chỉ có chuyện chuyên môn. Trong đó còn có những câu “cảm ơn Việt Nam” được viết nắn nót.

Ông Liêu Trung Ngươn - phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Long An - cho biết: “Qua hai khóa đào tạo, chúng ta có thêm 11 bạn người Campuchia thật sự là chuyên gia khuyến nông trên đất nước họ. Hiện tại, tỉnh Long An đang tiếp tục xây dựng để phát triển thêm chương trình các khóa huấn luyện này.

Trong vòng mấy năm tới, chúng ta sẽ có thêm nhiều người bạn ở quốc gia giáp ranh là chuyên gia khuyến nông thực thụ. Để từ những chuyên gia này, nền nông nghiệp của hai nước sẽ gần nhau hơn, cùng giúp nhau phát triển”.

__________

Kỳ tới: Trở lại cột mốc 203

SƠN LÂM - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên