TTCT - Nội thành ngày càng đất chật người đông nên người chơi bonsai đã đưa cây lên sân thượng để tận dụng diện tích, đồng thời nghĩ cách để cây thích ứng với nắng gió. Ai cũng có thể tham gia cuộc chơi này, miễn là có đam mê và sự kiên nhẫn.“Vườn” bonsai của ông Nguyễn Hưởu tận dụng tối đa diện tích sân thượng và cầu thang - Ảnh: Yến TrinhVừa rời khỏi cầu thang xoắn ốc dẫn lên sân thượng nhà ông Nguyễn Thành Công (59 tuổi, hẻm đường Nguyễn Cửu Đàm, Q.Tân Phú, TP.HCM), một không gian thật mát mắt đã mở ra: cả trăm chậu bonsai lớn nhỏ được bài trí đẹp mắt trong “khu vườn” rộng chừng 40m2.Tận dụng từng vuông gạchSớm tinh mơ, ông Công đã khoác áo dài tay, đội nón như nông dân đứng tưới nước cho bonsai. Sân thượng của ông có kiểu tầng lệch nên phần phía sau cao như cái bục, phần trước thấp và mất một khoảng cho giếng trời. Nơi bục cao, ông để những chậu bonsai cỡ lớn hoặc trung, muốn tưới tỉa phải leo lên cây thang ngắn. Phần phía dưới ông để những chậu nhỏ hơn, đặt kệ để tận dụng diện tích. Giữa hai chậu lớn có một khoảng hở cũng được ông đặt một chậu bonsai mini cỡ bàn tay!“Trước đây nhà ở chỗ khác không có sân thượng, tôi phải thiết kế kệ trên mái tôn để chơi bonsai, buộc chặt chúng lại và chăm sóc rất cực. Từ năm 2011, tôi chuyển về nhà này và biến sân thượng thành nơi chơi bonsai” - ông giải thích.Hai lầu trên của nhà ông Nguyễn Hưởu (45 tuổi, đường số 8, Q.Gò Vấp) xây lọt giữa sân thượng tầng một, thế nên đứng từ trên cùng ngó xuống chỉ thấy bonsai và bonsai. Những cây tùng, linh sam, mai chiếu thủy… đang giai đoạn nuôi trồng (gọi là phôi) được ông Hưởu xếp gọn trên kệ và những ngóc ngách tận dụng được. Tính luôn số cây đặt ở sân trước, ông có khoảng 15.000 chậu bonsai đủ kích cỡ.Trên sân thượng ông trồng cây trong chậu nhựa, sau khi cây lớn mới sang ra chậu sành. Với tổng diện tích sân thượng 140m2 được xem là rộng rãi của giới chơi bonsai nhà phố, ông Hưởu vẫn cảm thấy thiếu thiếu: “Cứ trồng mới hoài thành ra thói quen, nên dù rộng hay hẹp cũng cảm giác là không đủ chỗ, phải tận dụng từng vuông gạch”.Với những sân thượng diện tích chừng 20m2, người mê bonsai cũng bài trí đâu ra đó những chậu cây đủ kích cỡ. Bắt đầu chơi bonsai trên sân thượng vài năm nay, ông Phan Thanh Đồng (43 tuổi, nhà hẻm đường Bà Hạt, Q.10) có mấy chục chậu bonsai mini để phần sân thượng phía trước và trên bộ bàn ghế đá. Còn ông Man Đức Huy (51 tuổi, nhà ở đường Đỗ Công Tường, Q.Tân Phú) chơi bonsai trên sân thượng 20m2 của mình từ ba năm nay.“Trước đây tôi không rành về bonsai, nhờ chơi chung với mấy người bạn, học cách chăm sóc của họ nên dần dần cũng biết và khoảng sân thượng hẹp của mình được tận dụng, có lý lắm!” - ông nói.Theo ông Ngô Tý - chi hội trưởng Chi hội bonsai Q.Tân Phú, số người chơi bonsai trên sân thượng ở quận này hơn 20 người, chưa kể số người chơi không nhập hội. Bản thân ông cũng chơi bonsai sân thượng từ năm 2011. Ở các quận khác như 8, 10, 11, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình… cũng rải rác kiểu chơi bonsai sân thượng.Ông Ngô Tý cho rằng đây là hướng mở cho giới chơi bonsai vì không còn không gian nào khác. Đó cũng là một thể nghiệm thú vị nhưng phù hợp của thị dân Sài Gòn.Một góc sân thượng trồng bonsai mini của ông Phan Thanh Đồng - Ảnh: Yến Trinh“Gả con lấy tiền”Giới chơi bonsai nghệ thuật nói vui rằng bán đi một chậu bonsai giống như “gả” đứa con của mình cho thiên hạ, chỉ “chọn mặt gửi vàng” cho ai thật sự đam mê. Người chơi thường là giới trí thức, hưu trí, kinh doanh… có thu nhập tương đối nên không đặt nặng chuyện bán mua, dù họ thừa nhận bonsai cũng là một mặt hàng.Ông Thái Văn Thiện, giảng dạy ở Trường nghệ thuật bonsai Thanh Tâm (Q.12), nhận xét: “Chơi bonsai trên sân thượng còn là một dạng “nông nghiệp đô thị”, người chơi chỉ có một diện tích nhỏ nhưng sở hữu khối lượng sản phẩm có giá trị kinh tế. Vì vậy nếu biết khai thác, người chơi có thể tạo nguồn thu rất lớn”.Ông Đồng kể rằng từng mua phôi giá vài triệu đồng, sau một hai năm chăm sóc có thể bán bonsai với giá gấp mười lần nếu dáng cây, bộ rễ… đẹp. Một số người khác cho biết họ từng bán bonsai với giá chục triệu, vài trăm triệu đồng. Giá trị của cây bonsai dựa vào vẻ đẹp của dáng cây (dáng thác đổ…), hình dạng bộ rễ, các chi…Vì thế, ít ai có thể ước tính chính xác giá trị “vườn” bonsai sân thượng của mình. Hơn nữa, làm sao tính được công sức và tâm huyết họ đổ vào những chậu cây ấy?Đối với người vừa chơi bonsai vừa kinh doanh loại cây cảnh này, như ông Nguyễn Hưởu, một cây linh sam cao chừng 10cm chưa qua tạo dáng trồng trong chậu nhựa có thể bán 800.000 đồng, một chậu bonsai mini mới chiết ra cũng 100.000 đồng, cao dần đến mức chục triệu, trăm triệu với những cây dáng đẹp và có tuổi. Như vậy, “vườn” bonsai của ông nếu tính ra cũng tiền tỉ.Ông Nguyễn Thành Công phải dán chặt chậu bonsai với mặt kệ bằng silicon để đề phòng gió - Ảnh: Yến Trinh1.001 cách chăm sócNgười chơi bonsai sân thượng cho biết nuôi trồng bonsai trên cao khó hơn dưới thấp về nhiều mặt, và cũng lắm chuyện rủi ro như chậu cây rớt xuống mái tôn nhà hàng xóm mà có lần ông Công phải qua đền bù và đem cây về “chữa trị”. Để phòng tránh, người chơi dùng dây buộc chậu bonsai vào đế hoặc kệ, thậm chí dùng silicon dán chặt đế chậu xuống gạch, hay trồng trong chậu nhựa như trường hợp ông Hưởu.Với những cây quá to không thể đem lọt qua cầu thang, người chơi dùng dây kéo, đòn bẩy, hoặc tự thiết kế “thang máy” vận chuyển từ dưới đất lên như trường hợp ông Nguyễn Lê Dũng (41 tuổi, nhà ở cư xá Bùi Minh Trực, Q.8) chơi bonsai trên sân thượng rộng 80m2.Bonsai sân thượng “trơ gan cùng tuế nguyệt” nên người chơi phải kỳ công đối phó với nắng gió. Những tháng nắng, ông Đồng phải liên tục thay đổi vị trí để tránh nắng gắt cho những cây mới nuôi, đồng thời vẫn đảm bảo cho tất cả cây được hưởng nắng đầy đủ. Thường cây đang trong giai đoạn nuôi chỉ cần hứng nắng chừng 3 giờ/ngày. Vừa nói, ông Đồng vừa lấy chậu trúc bonsai nhỏ gọn trong lòng bàn tay đặt vào chỗ có tấm ván che để tránh nắng.Còn ông Công gọi vui chỗ tránh nắng cho cây yếu, mới xử lý bầu đất của mình là “bệnh viện” có tấm lưới giăng màu đen. Mật độ đặt chậu cây cũng phải hợp lý để tránh sâu bệnh lây lan. Với những cây trụi lá, thân cây không được che chắn, một số người chơi còn lấy áo thun cũ, bao bố quấn thân cây để tránh nắng. Nhiều người đi làm cả ngày không theo dõi được cây đã làm hệ thống lưới che sân thượng để tránh bớt nắng gió. Ông Ngô Tý lưu ý không để cây cao hơn phần tường rào vì gió thổi nhiều sẽ làm cây mất nước.Có mục kích một ngày của ông Công mới hiểu được chỉ riêng chuyện tưới nước đã đủ… nhức đầu! Nghỉ hưu rồi nên 5g sáng ông đã lên sân thượng dùng vòi nước tưới lần lượt từng chậu, trong khi ông có cả trăm chậu. Vừa tưới vừa quan sát trạng thái của cây ngày hôm đó như thế nào, canh sao cho nước tưới không quá nhiều. Sau đó ông bắt đầu tỉa cành.“Vì tưới thường xuyên nên lớp gạch sân thượng phải đảm bảo chống thấm tốt, và phải nhớ hốt dọn lá cây tránh làm nghẹt cống” - ông Công lưu ý.Mới qua một ngày nhưng mấy chậu linh sam đã mọc đầy chồi mới, ông dùng kéo cắt từng chồi vì nếu để chồi lớn sẽ ảnh hưởng hình dáng cây và ăn bớt dinh dưỡng của cây. Rồi ông sắp xếp lại vị trí các cây để chúng hứng nắng, kiểm tra “sức khỏe” những chậu cây để trong “bệnh viện”. Tưới và cắt tỉa bố trí xong xuôi là 11g!Trưa vừa cơm nước xong, 1g thấy nắng gắt quá ông lại trèo lên sân thượng: “Tưới buổi trưa chủ yếu là để làm mát môi trường xung quanh cây bằng cách tưới đẫm phần sân, rồi tưới xung quanh chậu làm mát đất, không tưới vào thân cây. Tôi cũng thường tưới lên phần vách nhà hàng xóm để bớt tỏa nhiệt xuống cây”.Ông nhấn mạnh chỉ những khi trời quá nắng mới tưới buổi trưa, còn bình thường một ngày chỉ tưới nhiều nước một lần vào buổi sáng, hoặc buổi chiều tưới nhiều thì sáng tưới ít. Chiều chừng 17g, ông tưới chủ yếu trên lá, tưới ít ở gốc để gốc thoáng hấp thụ oxy. Có một số cây cần nhiều nước, ông gắn chiếc bình nhựa một bên chậu để nước nhỏ giọt cả ngày vào cây.Chơi bonsai phải chăm sóc mỗi ngày, thậm chí có việc đi xa người chơi phải nhờ người nhà lo giùm. “Có những cây cần ít nước nên tôi dặn con mỗi khi tưới một chậu thì đếm từ một đến năm, thấy nước vừa rỉ ra khỏi đáy chậu là dừng” - ông Công kể. Những người bận rộn thì thiết kế hệ thống phun tưới tự động chừng vài triệu đồng.Nuôi trồng bonsai sân thượng lắm chuyện như vậy nhưng người đã mê thì vẫn đeo đuổi như một niềm vui. Nơi đó là khoảng không gian để chiều tối họ bắc ghế ngồi hóng gió gắn kết tình cảm gia đình, để con cái học hành căng thẳng lên ngắm nghía cây xả stress và để bạn cùng chơi bonsai có chỗ bàn luận. Tags: Cây cảnhBonsaiĐưa lên trờiThú chơiSân thượng
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6 - 1,8 tỉ đồng".