Một rừng Mã Đà (Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), nơi dự kiến đưa đàn bò tót về sinh sống - Ảnh: V.Sự |
Một dự án táo bạo nhưng không kém phần “lãng mạn” đang được ấp ủ: chuyển “hộ khẩu” của hai đàn bò tót hơn 20 con từ Đồng Phú (Bình Phước) sang rừng Mã Đà (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Người chủ trì dự án này là ông Trần Văn Mùi, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, khẳng định:
“Đây là dự án cực kỳ khó về kỹ thuật, với số tiền dự tính thực hiện đến hàng trăm ngàn USD. Nhưng nếu không thực hiện, hai bầy bò tót ở Bình Phước đứng trước nguy cơ bị xóa đàn và đó là mất mát không gì bù đắp được”.
“Tái định cư” cho bò tót
Trắng dự án tài trợ với bò tót Mặc dù chỉ còn hơn 300 cá thể và được xếp vào nhóm nguy cấp, nhưng từ sau dự án “Điều tra sinh cảnh và hiện trạng bảo tồn bò tót tại Nam Cát Tiên” do Chính phủ Pháp tài trợ 560.000 EUR đã kết thúc năm 2008, đến nay không còn một dự án nào tài trợ cho việc bảo tồn bò tót ở Việt Nam. TS Phạm Hữu Khánh - phó phòng khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Nam Cát Tiên - cho biết không có kinh phí, việc bảo tồn bò tót là cực kỳ khó khăn. Bởi ngoài kinh phí nghiên cứu khoa học thì các dự án này sẽ giúp những đơn vị bảo tồn có kinh phí để hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ bò tót trong vùng dự án. “Không có dự án nên bây giờ bò tót phá rẫy, thậm chí húc bị thương người dân cũng không có tiền hỗ trợ. Như vậy thì khó lòng kêu gọi được cộng đồng tham gia bảo vệ loài thú quý hiếm này” - TS Khánh nói. |
Dẫn chúng tôi đi xuyên qua cánh rừng dọc theo sông Mã Đà, ông Nguyễn Hoàng Hảo - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, người tham gia xuyên suốt quá trình viết dự án này từ nhiều năm - cho biết:
“Để bắt cả bầy bò tót, gây mê rồi đưa về Đồng Nai thì không khó. Nhưng đó là cách làm hạ sách, bò sẽ bị “stress” nặng và không thể hòa nhập với môi trường mới. Dự án này sẽ tìm cách để bò tót tự về và tự chọn cánh rừng mới ở Đồng Nai cho tổ ấm của mình”.
Để đưa bò tót về rừng Đồng Nai, dự tính một hành lang xanh dài 25km, rộng 50m sẽ được trồng từ phía Bình Phước đến giáp bờ sông Mã Đà phía Đồng Nai.
Trong hành lang xanh này sẽ trồng các cây gỗ lớn bản địa và các loài cây có lá mà bò tót thích dùng làm thức ăn. Song song với việc trồng cây, một số hàng rào bằng thép gai, cọc bêtông hoặc hàng rào điện tử sẽ được dựng lên tại khu vực giáp ranh giữa vùng rừng bò tót sinh sống và các rẫy cây ăn trái, vườn cao su của người dân tại Đồng Phú (Bình Phước).
Hàng rào này vừa giúp bảo vệ đàn bò tót, đồng thời cô lập dần, dồn đàn bò về phía hành lang xanh và dần tạo cho đàn bò tót thích nghi ở hẳn trong hành lang xanh.
“Thời gian để thực hiện có thể sẽ dài, nhưng khi đã dẫn dụ được bò tót vào hành lang xanh này thì việc đưa bò về Đồng Nai sẽ không khó. Vì bầy bò tót ở Bình Phước và Đồng Nai vốn có quan hệ huyết thống với nhau. Trước đây vào mùa cạn bò tót vẫn thường vượt sông qua lại giữa hai tỉnh” - ông Hảo cho biết.
Không chỉ dẫn dụ bò tót về vùng đất mới, dự án này còn chuẩn bị cả “cơ sở hạ tầng” để bầy bò tót từ Bình Phước về có đủ nơi ăn chốn ở và được đảm bảo an toàn. 10 điểm khoáng và 10 hồ nước nhân tạo sẽ được tạo ra trong vùng lõi khu bảo tồn.
Sự kỹ lưỡng của những người ấp ủ dự án còn được thể hiện ở cả việc chuẩn bị tâm lý cho người dân đang sống trong vùng lõi khu bảo tồn bằng các lớp tập huấn và tạo công ăn việc làm, để người và bò không còn phải “tranh nhau đất sống”.
Ấp ủ dự án này không chỉ có phía Đồng Nai, mà cả những người đang thực hiện việc quản lý rừng phía Bình Phước cũng ủng hộ. Đầu tháng 4-2013, Chi cục Kiểm lâm Bình Phước có công văn đề nghị Kiểm lâm vùng III hỗ trợ di dời đàn bò tót và bò rừng tại đây sang Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, chính thức “bật đèn xanh” cho dự án táo bạo này.
Những con bò tót chờ nơi “tái định cư” - Ảnh: Tăng A Phẩu |
Tiền đâu để thực hiện dự án?
Đó là câu hỏi mà nói như ông Trần Văn Mùi là mấy năm qua đã tìm cách “quẫy cựa” hết sức nhưng vẫn chưa trả lời được. “Khó không hẳn vì không có nơi tài trợ, mà vì có nhiều chuyện nằm ngoài khả năng trả lời của chúng tôi” - ông Mùi chia sẻ.
Ông Mùi kể: thông qua các mối quan hệ tại WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) năm 2012 ông đã gửi dự án lên tổ chức này, nhưng oái oăm là trong dữ liệu của WWF thì rừng Đồng Phú - nơi bầy bò tót đang sinh sống - vẫn còn tỉ lệ che phủ rất cao và hoàn toàn phù hợp với đời sống của bò tót.
Trong khi thực tế (đã không được báo cáo lên WWF) thì phần lớn diện tích rừng tự nhiên tại đây đã và đang bị chuyển đổi thành rừng cao su, từ lâu bò tót đã không còn đất sống. “Câu hỏi này thì tôi không trả lời được vì không thuộc phạm vi rừng mà chúng tôi quản lý” - ông Mùi nói.
Bị WWF từ chối, nhưng ông Trần Văn Mùi nói bằng mọi cách vẫn phải đưa được đàn bò tót từ Bình Phước về rừng Mã Đà. Theo ông Mùi, cách để có tiền di dời đàn bò tót hợp lý nhất là tỉnh Bình Phước có thể trích từ tiền thuế của hàng ngàn hecta cao su được mọc lên ngay trên lãnh địa của bò tót trước đây.
“Cái này cũng giống như làm thủy điện, phá bao nhiêu hecta rừng thì phải trồng lại rừng. Nay mình lấy đất của bò tót làm cao su thì đóng góp chút “lộ phí” để bò tót về nhà mới cũng là hợp tình” - ông Mùi ví von.
Tuy nhiên, đây lại vẫn là điều không nằm trong sự quyết định của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai mà chỉ như một đề xuất giải pháp để phía Bình Phước quyết định.
Không thể khoanh tay ngồi đợi nên mới đây nhất Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã đặt vấn đề kết hợp với Thảo cầm viên Sài Gòn để di chuyển bầy bò tót.
Theo ông Mùi, việc hợp tác này sẽ ở cả vấn đề kỹ thuật và kinh phí. Tuy nhiên sẽ khác đôi chút với mục tiêu ban đầu, ông Mùi cho biết dự tính sẽ chỉ đưa 15 con bò tót về sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Số bò tót còn lại 5-6 con sẽ được đưa về Thảo cầm viên để phục vụ việc tham quan và nghiên cứu, bảo tồn.
“Thời gian không chờ đợi, đất sống của đàn bò tót ở Bình Phước ngày một thu hẹp dần nên bằng mọi cách chúng tôi sẽ tìm nguồn kinh phí để cứu được bầy bò tót này” - ông Trần Văn Mùi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận