Cơ quan chức năng kiểm tra tài sản của người lao động bị ông Vũ giữ - Ảnh: MAI VINH |
Các thanh niên này ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Một người trong nhóm 4 người đã tự về lại Quảng Trị, tên Hồ Quang Đạt, sinh năm 1996.
Gia đình nhóm thanh niên này đã có đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Lâm Đồng, thông báo con em của họ đã mất liên lạc. Qua lời kể của Đạt, những người còn ở lại Lâm Đồng bị chủ đánh đập, giam lỏng và dọa giết.
Những người lao động này đến Lâm Đồng sau khi đọc được tờ rơi đăng tuyển lao động dán nhiều nơi tại tỉnh Quảng Trị.
Cơ quan chức năng đã đưa người lao động đến gặp, đối chứng với đại diện công ty môi giới lao động, người sử dụng lao động để làm rõ đơn tố cáo lừa đảo của người nhà các thanh niên này.
4 người được xác định tìm việc thông qua môi giới của Công ty Tâm Đức Lộc (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Đây là công ty môi giới lao động lớn hoạt động tại tỉnh Lâm Đồng.
Cường, Hợp, Tú nhận lại tài sản và giấy tờ để ra xe về lại Quảng Trị - Ảnh: MAI VINH |
Theo lời khai của Hồ Xuân Cường (sinh năm 1987), Phạm Bá Hợp (1999) và Võ Thanh Tú (1996) tại Công an thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà), 3 người này cùng Hồ Quang Đạt đọc được mẩu quảng cáo tuyển dụng của Công ty Hoa Việt có trụ sở tại số 4 Trần Hưng Đạo (TP Đà Lạt) tuyển dụng lao động trồng hoa cùng số điện thoại của một người tên Tuấn.
Nhóm thanh niên đã gọi cho Tuấn để hỏi cụ thể thì không được hướng dẫn nhiều, chỉ nói đơn giản là trồng hoa tại Đà Lạt, công việc nhẹ nhàng, lương tháng đầu tiên từ 5 đến 6 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ được thưởng thêm 600.000 đồng.
Sau đó Tuấn hướng dẫn nhóm thanh niên lên xe khách chạy tuyến Quảng Trị - Lâm Hà.
Nhóm thanh niên này đến Lâm Hà ngày 23-7 và được nhân viên Công ty Tâm Đức Lộc đón và đưa về công ty. Tại đây, nhóm thanh niên không nhận việc trồng hoa với mức lương như lời giới thiệu của Tuấn mà phải nhận việc trồng cà phê với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Do không có tiền về xe, cả nhóm nhận việc, đồng ý ký hợp đồng làm việc cho ông Dương Huy Vũ (xã Tà Nung, TP Đà Lạt). Làm được vài ngày thì cả nhóm lao động không chịu nổi vất vả và điều kiện ăn ở khắc nghiệt nên xin nghỉ.
Lúc này, ông Vũ buộc mỗi người phải trả 2,4 triệu đồng cho ông Vũ gồm tiền xe vào Lâm Đồng, tiền chuyển nhượng lao động mà ông đã đóng cho Công ty Tâm Đức Lộc.
Không có tiền trả ông Vũ để về, cả nhóm xin gán điện thoại để ra ngoài liên lạc nhờ gia đình gửi tiền vào. Cơ quan chức năng làm việc với ông Vũ và ghi nhận ông có giữ 3 điện thoại, giấy tờ tùy thân của người lao động.
Cường, Hợp, Tú khai họ không bị đánh đập, giam giữ cũng như mất tích như các thông tin lan truyền trên mạng.
Ông Võ Ngọc Hải, phó phòng việc làm và an toàn lao động (Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Lâm Đồng), nhận định nhóm lao động không có kỹ năng kiểm chứng thông tin tuyển dụng nên bị “cò” Tuấn lừa.
Hiện cơ quan chức năng đang xác định danh tính “cò” Tuấn và làm rõ mối quan hệ của Tuấn với Công ty Tâm Đức Lộc trong việc tuyển dụng và môi giới lao động.
Đến tối 27-7, Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Lâm Đồng liên lạc với hãng xe đi tuyến Quảng Trị - Lâm Hà để đưa các lao động này về lại địa phương.
Cơ quan chức năng xác định Công ty Hoa Việt là công ty không có thật. Địa chỉ công ty rao in trong tờ rơi dán khắp nơi là địa chỉ của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận