Chúng tôi xin trích những bình luận bạn đọc gửi đến cho tuyến bài Tiếp sức đến trường mà Tuổi Trẻ Online khởi đăng trong một tháng qua.
Tiếp sức đến trường và bao phép thử của cuộc sống
Trong bài viết Học vì từng hơi thở của người má ung thư giai đoạn cuối, Lê Thị Ái Ni - tân sinh viên Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng - có mẹ đang chiến đấu từng ngày với bệnh ung thư giai đoạn cuối, cha lại rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Gia đình phải "gá" nửa cái nhà cấp 4 (nằm sát con đường dẫn qua trung tâm xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) để sinh sống mấy năm qua và sắp tới Ái Ni đi học cũng vậy.
Trước tình cảnh của Ni, bạn đọc N.D. và dan** đã bày tỏ: "Hoàn cảnh gia đình vậy mà em vẫn chăm ngoan học tập. Em là một tấm gương cho bao đàn em. Chúc em sức khỏe!", "Đọc mà rơi nước mắt. Thương con quá. Cầu mong con sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn".
Hay như với em Châu Ngọc Linh, nhân vật trong bài viết Linh mồ côi vào đại học với đôi bàn tay trắng tin cứ bước rồi sẽ thành đường, đang trọ ở gần Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng để nhập học tại đây, là một câu chuyện đầy phép thử khác của cuộc đời.
Linh mồ côi cha, từng có mẹ. Mấy mẹ con sống ở Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), nhưng khi Linh lên 5 tuổi, mẹ đưa hai chị em xuống Quế Sơn rồi đặt bên vệ đường, bỏ đi mất. Rồi hai chị em được gửi vào trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh.
Những ngày đầu tiên vào đời của Linh bắt đầu với "4 không": không tiền bạc, không giấy tờ, không cha mẹ, không quần áo, khiến người đọc không thể cầm lòng, như những dòng bình luận để lại "Bác tin con sẽ mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách, thay đổi số phận" (bạn đọc Huỳnh Thị Thu); "Thương con quá bé ơi, cầu mong con vững chãi trên cuộc đời" (bạn đọc Huế Thương); "Chú cũng từng vất vả, cơ cực như cháu, nhưng hoàn cảnh chỉ làm mình thêm mạnh mẽ, chúc con vững lòng" (bạn đọc Lê Việt Hoàn).
Bên cạnh đó là những tấm lòng mong muốn hỗ trợ em trong thời gian tới. Câu chuyện Ngọc Linh cũng đã mang đến cho người đọc một cảm xúc ấm áp như lời bạn đọc Nhung Tuyết: "Xin cảm ơn báo đã cho câu chuyện để ta tin thêm vào cuộc đời".
Trong những bạn trẻ tìm đến/được giới thiệu với Tiếp sức đến trường năm nay, còn có em Đỗ Thị Ngọc Chi - thủ khoa khối C toàn tỉnh Thừa Thiên Huế với điểm 10 môn lịch sử.
Sau bài viết Không phải thủ khoa chắc em đã nghỉ học làm công nhân, câu chuyện về cô gái là con thứ 3 trong một gia đình nghèo có 4 chị em, với người mẹ bị bệnh tim bẩm sinh, mất sức lao động, mọi trang trải đều cậy cả vào đồng lương công nhân bốc vác ở lò gạch của ba, bạn đọc đã gửi đến những chia sẻ với những giọt nước mắt hạnh phúc sau cả quá trình rất dài vượt khó để học của em.
Bạn đọc Tăng Hữu Thủy đã giới thiệu cặn kẽ về ngành báo chí, cũng như nơi có thể hỗ trợ Ngọc Chi vun bồi ước mơ trở thành một phóng viên truyền hình. Hoặc đó cũng là một lời động viên chân tình của bạn đọc ký tên Pin: "Không có gì chỉ có thể động viên, cố lên nhé cháu gái".
Đặc biệt, câu chuyện như cổ tích hiện đại Con trai đậu thủ khoa, người mẹ nhặt rác lần đầu được tặng hoa về tân sinh viên Phan Văn Trường (Đà Nẵng) - thủ khoa khối A toàn Đà Nẵng và là á khoa của khối trên toàn quốc, đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng - đã nhận được rất nhiều bình luận từ bạn đọc.
Có cha phụ hồ, mẹ làm nghề nhặt rác và không rành mặt chữ, nhưng Trường đã tự tin mở cánh cửa đời mình với nỗ lực không đeo mang mặc cảm, khi tự cho rằng không bao giờ cảm thấy thiếu thốn hay thua thiệt bạn bè.
"Cha mẹ yêu thương và lo cho cháu ăn học đầy đủ là quá may mắn rồi. Giờ vào đại học cháu hiểu càng áp lực hơn, nhưng dẫu sao vẫn may mắn hơn nhiều bạn bè" - Trường nói.
Trước suy nghĩ trong trẻo của chàng trai 18 tuổi đó, những lời bình luận đã được để lại, như: Đọc những tin thế này thấy đời vui hơn, đẹp hơn. Chúc Trường thành người tốt và sớm trưởng thành để phụng dưỡng cha mẹ! (Bàng Giang), Mình rất ngưỡng mộ những bạn trẻ như thế này. Tuyệt vời, tự tin, giỏi giang, không so sánh, không đổ thừa số phận (Hj).
Hạnh phúc vô bờ. Chúc mừng con và gia đình. Mong sao con luôn tiếp tục phấn đấu để trở thành người công dân có ích cho xã hội bằng chính nghị lực, và sự quyết tâm của chính mình con nhé. (Dân).
Cảm ơn con đã báo hiếu bằng vinh quang 12 năm khổ luyện và 18 năm cày cuốc của ba mẹ. Hy vọng con tiếp tục viết tiếp thành tích tốt để báo hiếu ba mẹ nhé chàng trai. (Tâm gà); Câu chuyện cổ tích ngoài đời thực, chúc em thành công trên con đường đại học để viết tiếp câu chuyện này thật đẹp! (Thái Huy); Đọc xong thì nước mắt cũng lưng tròng. Chúc mừng con và gia đình. Hãy cố gắng học thật tốt để có tương lai tốt hơn nhé. (Hoang Oanh)…
Đó còn là những góp ý, "hiến kế" để bồi dưỡng nhân tài, để kêu gọi trách nhiệm của xã hội trong đường dài nuôi dưỡng sự học đối với thế hệ trẻ của đất nước như những bình luận: Trường đại học nên trao học bổng 100% suốt 4 năm học cho cháu. Những trường hợp chịu khó, chịu khổ vươn lên trong cuộc sống thì xã hội và chính quyền cần tạo điều kiện kinh tế thiết thực để các cháu vượt qua nghịch cảnh, có đóng góp tốt cho xã hội! (Anh Kiệt).
Nếu thủ khoa thì phải không thu học phí (Phan Trần Vinh), Những dòng tin trên mang lại bao nỗi vui mừng và tự hào của bà con lao động! Chân thành chúc mừng em, trường và gia đình. Mong em học thật tốt, ra nghề có ngay công ty nhận vào làm việc để có điều kiện giúp đỡ cha mẹ đã yêu thương và tự hào vì em!!! (Hoang Yên Bình), Nhà nước nên hỗ trợ học phí cho các trường hợp này đến khi tốt nghiệp (Coc)...
Cuộc đời không bất hạnh, dẫu có cha có mẹ bị điên
Cha bỏ từ bé, mẹ bị tâm thần hết đập phá nhà mình tới nhà hàng xóm, nhưng chàng trai Nguyễn Văn Học (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) trong bài viết Niềm tự hào của người mẹ điên vẫn lặng lẽ học và lớn lên.
Với số điểm 25,75, Học có nhiều lựa chọn nhưng bạn quyết định vào Trường đại học Phạm Văn Đồng, ngành sư phạm tiểu học, chỉ vì "được gần nhà, lỡ mẹ lên cơn còn kịp về chứ không thể học quá xa, ai lo cho mẹ".
Học đã tính cả việc làm thêm khi vào giảng đường, nghĩ cả chuyện vừa học vừa có tiền thang thuốc cho mẹ. "Mình chỉ khổ hơn bạn bè thôi. Còn cha bỏ, mẹ điên là số mệnh rồi, mình đâu được quyền chọn nên có gì là bất hạnh" - Học nói và tấm lòng hiếu thảo của Học đã nhận được sự chia sẻ và những lời chúc từ bạn đọc: Thương cháu quá, một người con hiếu thảo và học giỏi. Chúc cháu sức khỏe và tiếp tục hành trình chinh phục kiến thức (Khanh), Mong em sẽ có một tương lai rộng mở, luôn là chỗ dựa vững chắc cho mẹ (Minh Huy)…
Đó còn là câu chuyện của Bùi Mạnh Dũng (17 tuổi, dân tộc Mường). Với 26,35 điểm, Dũng là người có điểm thi cao nhất khối B00 của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình.
Năm ngoái, mẹ của Dũng mất vì căn bệnh ung thư. Còn bố của Dũng những lúc "lên cơn" thường đập phá, vứt đồ đạc, bỏ nhà đi lang thang nên gia đình phải đành lòng xích lại. Ở nhà chỉ còn ông nội đã 87 tuổi, hằng ngày, ông đan lát giỏ tre bán kiếm tiền đỡ đần cho cháu có tiền ăn học, tiền sinh hoạt phí. Nhưng ở cái tuổi "gần đất xa trời", cụ Chén chẳng biết có đủ sức để lo được cho cháu quãng đường dài sắp tới hay không.
Câu chuyện của Dũng đã nhận được nhiều bình luận từ bạn đọc: Thật sự là đủ can đảm để đọc hết bài viết! Bạn thật sự mang đến niềm tự hào và sự cảm phục. Chúc bạn và gia đình sức khỏe an bình may mắn. (Thầy Ba); Thật cảm phục em, hy vọng em cố gắng trong con đường sắp tới! (Tuan)…
Đồng thời, chính câu chuyện được lan tỏa của Dũng đã nhận về những bàn tay cùng đưa ra để hỗ trợ tiếp sức cho em đi tới, để rồi Dũng quyết định nhường suất ứng tuyển vì vừa rồi nhờ cộng đồng chia sẻ, em đã nhận được một khoản tiền hỗ trợ bước đầu. Dũng cũng trúng tuyển vào một quỹ học bổng khác với hỗ trợ trong suốt 4 năm học.
"Em muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ em trong lúc khó khăn. Em cũng mong muốn mọi người có thể tiếp tục giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn như em, thậm chí khó khăn hơn em nữa trên khắp đất nước mình" - Dũng bày tỏ.
Những "ủy thác" đến Tiếp sức đến trường
Ngoài trách nhiệm mang đến học bổng cho các tân sinh viên khó khăn nhưng nỗ lực học giỏi, Tiếp sức đến trường cũng được bạn đọc gửi gắm những đặt hàng "lan tỏa những câu chuyện cảm động truyền cảm hứng":
* Một chương trình hết sức tuyệt vời của báo Tuổi Trẻ, không chỉ mang lại hy vọng và tương lai cho những bạn học sinh gặp khó khăn nhiều tài năng và đạo đức bản lĩnh, chương trình còn mang lại sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về những giá trị tốt đẹp, những câu chuyện cảm động truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, chúng ta đều thấy được hình ảnh của mình trong các câu chuyện vươn lên của các bạn trẻ này dù thời gian đã thay đổi rất nhiều thứ... Xin cảm ơn báo Tuổi Trẻ. (Một bạn đọc có địa chỉ email phon****@)
* Khâm phục kết quả học tập của Trường. Thương cho hoàn cảnh của em. Báo Tuổi Trẻ nên có nhiều bài viết về tấm gương học tập như thế này để lan tỏa tinh thần vượt khó học tập trong cộng đồng. (Mr Nguyễn)
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận