Ngày 30-11, Hội điều phối vùng Tây Nguyên tổ chức hội nghị lần thứ 2 tại Pleiku (Gia Lai) với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong khu vực cùng các chuyên gia và nhà khoa học tham gia góp ý, ý kiến về dự thảo quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch vùng Tây Nguyên ra sao?
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo quy hoạch vùng Tây Nguyên nhấn mạnh việc phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững, dựa trên việc khai thác các nguồn lực và động lực tăng trưởng mới một cách bền vững.
Điều này bao gồm việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sử dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.
Các ngành có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo được xem là trọng tâm trong việc phát triển kinh tế.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tận dụng văn hóa Tây Nguyên như một động lực cho sự phát triển và hội nhập của vùng.
Quy hoạch đề cập đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước là bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình "3 cực - 3 tiểu vùng - 5 hành lang". Trong đó, 3 cực phát triển là TP Pleiku, TP Buôn Ma Thuột và TP Đà Lạt.
3 tiểu vùng bao gồm: Bắc Tây Nguyên (gồm có 2 tỉnh là Kon Tum và Gia Lai), Trung Tây Nguyên (gồm 1 tỉnh là Đắk Lắk), Nam Tây Nguyên (gồm có 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng).
Còn 5 hành lang gồm 4 hành lang cao tốc và 1 hành lang cửa khẩu.
Quy hoạch vùng Tây Nguyên hướng tới thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành của vùng theo lợi thế và vị thế để trở thành các cực tăng trưởng. Phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn phù hợp với các điều kiện đặc trưng về tự nhiên, bản sắc văn hóa.
Quy hoạch cũng đưa ra các phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng nhằm hướng tới mục tiêu kết cấu hạ tầng Tây Nguyên được kết nối đồng bộ, trong đó hạ tầng số, hạ tầng giao thông là các nền tảng quan trọng thúc đẩy vùng này kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Dựa lợi thế để tạo đột phá
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng hiện nay Tây Nguyên đang cơ bản chỉ tận khai tài nguyên có sẵn chứ chưa tạo ra động lực phát triển mới và lợi thế mới. Theo ông, phương thức này không thể tiếp tục, phải có cách tiếp cận khác.
"Có nhiều yếu tố quốc tế, thời đại ảnh hưởng trực tiếp đến sự lựa chọn của Tây Nguyên. Tôi nghĩ phải bàn sâu thêm cho Tây Nguyên về vấn đề này", ông Thiên đề xuất.
Ông cho rằng Tây Nguyên cần phát triển theo chuỗi, chứ không nên phát triển theo nhóm ngành, tách hướng phát triển thành các ngành.
"Đột phá theo ngành thì Tây Nguyên vẫn đứt đoạn, không liên thông được với nhau, nên căn cứ vào lợi thế để tạo đột phá và có định hướng hỗ trợ khuyến khích theo chuỗi", ông Thiên nói.
Lãnh đạo các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên tham dự hội nghị đã có những đóng góp cho bản dự thảo.
Điểm chung của các ý kiến góp ý liên quan đến việc đẩy nhanh thực hiện các dự án cao tốc, thực hiện nghị quyết số 326 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia (2021 - 2023), giải quyết các khó khăn do quy hoạch chồng lấn lên nhau...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh trong vùng Tây Nguyên khẩn trương nghiên cứu và tham gia ý kiến vào hồ sơ quy hoạch vùng Tây Nguyên.
Theo ông Dũng, quy hoạch vùng cần thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch và phải đề ra các động lực để phát triển vùng; cố gắng bổ sung, điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận