Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu đang được TP Hà Nội lấy ý kiến lại quy định: người đi thuê nhà muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 và khu vực ngoại thành là 8m2.
Khó với lao động nghèo
Là một cặp vợ chồng trẻ tại Hà Nội, anh Hướng và chị Nga hiện đang thuê một căn phòng trọ hơn 15m2 trên phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm). Anh Hướng cho biết nếu quy định diện tích thuê nhà tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú ở Hà Nội sẽ gây áp lực lớn cho gia đình anh.
"Tôi và vợ tôi vừa cưới và chuẩn bị sinh em bé, lương của hai vợ chồng vừa ra trường cũng được hơn 15 triệu một tháng. Nếu chiếu theo quy định 15m2/người thì gia đình phải thuê nhà diện tích tới 45m2 mới được đăng ký thường trú. Như vậy, tiền thuê nhà của chúng tôi có khi còn chiếm hơn nửa thu nhập rồi" - anh Hướng nói.
Anh Hướng mong muốn UBND TP Hà Nội xem xét kỹ lưỡng và thực tế để tránh gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những gia đình trẻ và những người lao động nghèo.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ luật học - đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng có thể Hà Nội đưa ra dự thảo quy định trên nhằm bảo đảm không gian tối thiểu để người dân có đủ không gian sống bảo đảm sức khỏe và những tiện lợi khác.
Đồng thời nhằm hạn chế áp lực gia tăng dân số cơ học và ngăn chặn được các khu nhà trọ quá rách nát, không đảm bảo được văn minh đô thị.
Tuy nhiên, ông Vân cho rằng điều kiện thực tế và khả năng chi trả cho việc thuê nhà có diện tích từ 15m2 trở lên không phải người dân nào cũng có thể đảm bảo.
"Nếu đòi hỏi cao quá sẽ không phù hợp với khả năng chi trả của người lao động, nên theo tôi, phải làm rõ mục đích đạt được khi đưa ra dự thảo này.
UBND TP Hà Nội nên quản lý bằng nhiều tiêu chí như việc các khu nhà cho thuê phải thông thoáng và không gian cho người thuê không được phép quá chật chội hoặc quá ẩm thấp nhằm bảo đảm cuộc sống, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị. Chứ tôi nghĩ không nên quản lý cứng nhắc khi quy định phải đạt 15m2/người mới cho đăng ký thường trú" - ông Vân nói.
Còn theo luật sư Phan Văn Chiều, dự thảo nghị quyết của TP đương nhiên phải căn cứ theo luật, không thể trái luật nhưng dự thảo trên chưa phù hợp với Luật cư trú, cần phải xem xét lại. Việc không được đăng ký thường trú sẽ dẫn đến một số bất cập, đặc biệt là các thủ tục hành chính của người dân.
Cụ thể, một vài thủ tục thường gặp như thủ tục khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp căn cước công dân... và một số thủ tục thông thường như nhập học cho con, thế chấp ngân hàng đều cần dùng đến hộ khẩu thường trú.
"Đương nhiên Hà Nội là đô thị đặc thù nên cần có những cơ chế, chính sách riêng cho phù hợp với điều kiện TP. Tuy nhiên chính sách, cơ chế cũng cần đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật và thuận lợi cho người dân" - luật sư Chiều nói.
Luật thủ đô quy định thế!
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-3, ông Lê Hồng Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội - cho biết dự thảo quy định diện tích nhà ở tối thiểu ở Hà Nội là 15m2/người nhằm đảm bảo các điều kiện sống cần thiết của người dân.
"Ví dụ tôi ở Thanh Hóa ra Hà Nội mà muốn đăng ký thường trú lần đầu ở nội thành thì phải đảm bảo diện tích 15m2/người, còn nếu không đủ điều kiện thì tôi ra khỏi khu vực nội thành. Như vậy vẫn tạo điều kiện đăng ký cư trú. Vì Luật thủ đô đã quy định nên chúng ta đang thực hiện theo Luật thủ đô" - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, sắp tới Hà Nội sẽ có những quy định, chính sách nhằm vừa đảm bảo tự do cư trú của công dân theo Hiến pháp, mặt khác để cho cuộc sống của người dân tại thủ đô đáng sống hơn.
"Chúng ta cứ tưởng tượng ở trong một ngôi nhà chật chội mấy mét vuông thì làm sao đáng sống được, trong khi mình có chính sách khuyến khích người dân giãn ra ngoại thành để giảm áp lực cho nội đô. Tất nhiên không chỉ vì quy định này mà giãn được, mà có rất nhiều yếu tố và một hệ thống chính sách đồng bộ" - ông Sơn nói thêm.
TP.HCM: 8m2/người
Mới đây, anh S.V. (ngụ TP Thủ Đức) bảo lãnh cho người quen đăng ký thường trú vào căn hộ của mình theo diện cho mượn, ở nhờ. Theo quy định, anh phải chuẩn bị các hồ sơ theo yêu cầu đó là sổ hồng nhà, hợp đồng (công chứng) cho mượn nhà, xác nhận đủ diện tích bình quân của UBND phường.
Từ ngày 1-7-2021, áp dụng quy định Luật cư trú quy định diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào TP.HCM trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ thì diện bảo đảm tối thiểu 8m2/người.
Sau khi chuẩn bị đủ các giấy tờ trên, anh S.V. chụp ảnh các giấy tờ và truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện đăng ký thường trú trực tuyến. Sau bảy ngày thì công an phường nơi anh S.V. thường trú thông báo đã đăng ký thường trú thành công cho người quen của anh.
Theo một cán bộ công an phường, hiện nay đối với thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú thì cơ quan công an sẽ hướng dẫn người dân thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công chứ không giải quyết trực tiếp tại trụ sở.
Khi người dân đăng ký trực tuyến thì thông tin hồ sơ sẽ chuyển trên hệ thống điện tử đến công an phường để giải quyết. Công an phường giải quyết đăng ký xong thì trả kết quả cho người dân, đồng thời cập nhật thông tin cư trú lên hệ thống dữ liệu chung.
THÁI AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận