03/12/2024 09:38 GMT+7

Dự thảo quy chế tuyển sinh: Một thang điểm chung khó khả thi!

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến.

Dự thảo quy chế tuyển sinh: Một thang điểm chung: khó khả thi! - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: N.HÙNG

Trong dự thảo quy chế tuyển sinh, nội dung "điểm xét tuyển, điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung" được nhiều chuyên gia cho rằng khó khả thi.

Bất lợi cho thí sinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-12, đại diện một trường đại học cho biết khi Bộ GD-ĐT đưa ra những sửa đổi đã có sự nghiên cứu và tính toán kỹ nên sẽ có những ưu điểm nhất định.

Theo đó, khi thang điểm quy về một đầu điểm sẽ làm gọn nhẹ điểm chuẩn đầu vào, tránh tình trạng rối điểm chuẩn, một ngành nhiều đầu điểm. Điều này buộc các trường phải tính toán mức độ tương đồng giữa các phương thức xét tuyển của từng trường. 

Các trường phải rà soát số liệu tuyển sinh các năm trước để đánh giá một cách khách quan về kết quả học tập và tỉ lệ tốt nghiệp, khả năng ra trường của sinh viên ở các phương thức xét tuyển khác nhau mà các trường đã công bố điểm chuẩn những năm trước.

"Khi đó các trường buộc phải tính toán để quy về một đầu điểm chuẩn. Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT lấy điểm chuẩn 25 điểm thì tương ứng với phương thức xét điểm đánh giá tư duy, IELTS, học bạ phải đạt bao nhiêu điểm. Vô hình trung đây cũng là mặt bất lợi. 

Cùng phương thức xét điểm đánh giá năng lực có thể mỗi trường lại dùng một công thức khác nhau. Có trường tính 100 điểm đánh giá năng lực sẽ đạt 25 điểm theo thang điểm chung, có trường lại quy ra được tới 30 điểm" - vị này nói.

Một chuyên gia tuyển sinh của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng với những thay đổi này Bộ GD-ĐT đã có phân tích, tổng kết, rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua. Dự thảo có nhiều điểm được đánh giá là tác động tích cực đến học sinh trong việc tập trung học tập đảm bảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên dự thảo cũng có điểm thay đổi tác động lớn tới số thí sinh dự định xét tuyển sớm, gây tâm lý bất ngờ, lo lắng cho các em. 

Theo vị này, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa để đánh giá tác động của chính sách trước khi đưa ra quyết định chính thức. Bên cạnh đó, bộ cần sớm công bố để các cơ sở đào tạo xây dựng/điều chỉnh phương án tuyển sinh sớm công bố để thí sinh chủ động trong việc học tập, thi cử.

Khó khả thi!

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT - cho rằng việc quy đổi điểm tất cả các phương thức, tổ hợp về chung một thang điểm chuẩn là một ý tưởng mới. Nhưng muốn quy đổi cần phải có đầy đủ số liệu thống kê từ 3 - 5 năm giữa các nhóm xét tuyển. Bởi bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực hay xét học bạ đều khác nhau.

"Bản chất của thi đánh giá năng lực học sinh để lấy kết quả xét tuyển đại học và một bên là mục tiêu đạt chuẩn tốt nghiệp THPT của kỳ thi tốt nghiệp. Thực tế rất khó để có sự công bằng tuyệt đối vì ngay cả kỳ thi đánh giá năng lực không phải tất cả các thí sinh đều có điều kiện tham gia như học sinh ở các vùng miền núi hay vùng đồng bào dân tộc. Việc quy đổi điểm giữa các phương thức về một thang điểm chung là bất khả thi trong điều kiện hiện nay", ông Vinh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đình Đức - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng việc quy đổi điểm của tất cả các phương thức về một thang điểm chung là "gượng ép và thiếu cơ sở". Bởi điểm chuẩn xét tuyển của các phương thức phụ thuộc vào độ khó đề thi và chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức. Việc chuyển đổi này chỉ được thực hiện một cách công bằng khi có sự tương đồng hoặc tương đương của ma trận đề thi.

Ông Đức lấy dẫn chứng bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là một bài thi khó. Từ trước đến nay chưa có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối và số em đạt trên 130/150 điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa những năm qua bài thi tốt nghiệp THPT chỉ phục vụ mục tiêu cao nhất là tốt nghiệp THPT. Còn để các phương thức khác là phương thức tuyển sinh vào đại học. Độ phân hóa ở mức khác hẳn và không thể quy đổi một cách máy móc.

"Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà bộ đã công bố mẫu và ma trận đề thi năm 2025 tôi đánh giá có độ phân hóa khá tốt. Nhưng để sử dụng được hai trong một, kết hợp xét tuyển đại học một cách tốt nhất để đỡ vất vả cho các trường và cho cả thí sinh khỏi phải tham gia thêm các kỳ thi đánh giá năng lực phải bàn kỹ thêm vì kết quả thi THPT còn phụ thuộc vào các yếu tố coi thi, chấm thi. 

Đề thi là yếu tố quan trọng nhưng chỉ là một yếu tố đầu tiên. Những vụ tiêu cực trong thi cử trước đây đã cho chúng ta bài học đắt giá. Nếu chỉ một trong các khâu đó xảy ra sơ suất, xảy ra tiêu cực là hỏng toàn bộ quá trình thi tuyển. Khi đó các trường đại học không thể yên tâm sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển vào đại học", ông Đức nói.

Thời gian đăng ký xét tuyển không nên để quá dài

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Đức, thời gian đăng ký xét tuyển không nên để quá dài. Điều này là không cần thiết, dễ gây nên tình trạng đăng ký ảo, thiếu tập trung, phân tán cho người học và sự mệt mỏi cho các trường. Suy cho cùng quyết định học ở đâu, trường nào là quyết định cao nhất của người học.

Đồng thời ông đề xuất Bộ GD-ĐT nên hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển tất cả các đợt cho tất cả các phương thức trong năm tuyển sinh đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đợt tuyển sinh.

Còn đối với chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo, theo ông Đức, bộ nên xem xét lại cơ sở khoa học đề xuất tỉ lệ 20%.

"Tuyển sinh là việc của các trường đại học được quy định theo luật. Do đó bộ không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỉ lệ khống chế nếu các phương thức khác của các trường trên thực tế tuyển được các em sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt.

Bộ chỉ nên hạn chế với các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để "vơ vét" người học.

Nên đề xuất quy định chỉ tiêu xét tuyển theo từng phương thức và không thay đổi, điều chỉnh giữa các phương thức. Chỉ tiêu theo từng phương thức xây dựng theo tỉ lệ sinh viên giỏi đầu vào cũng như tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn của chương trình đào tạo và do thủ trưởng chịu trách nhiệm giải trình", ông Đức nói.

Dự thảo quy chế tuyển sinh: Một thang điểm chung: khó khả thi! - Ảnh 2.Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên