29/10/2019 09:37 GMT+7

Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi: Nhiều bức xúc nhưng ngại góp ý

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Theo các chuyên gia, đây là thời điểm quan trọng để ngành sản xuất phim góp ý cho quy định kiểm duyệt điện ảnh vì vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), không nên để đến khi "gạo nấu thành cơm" mới than thở.


Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi: Nhiều bức xúc nhưng ngại góp ý - Ảnh 1.

Các phim Việt Nam mang yếu tố kinh dị, tâm linh đều phải cắt xén ít nhiều sau khi đi qua vòng kiểm duyệt. Trong ảnh: cảnh trong phim Thất sơn tâm linh - Ảnh: ĐPCC

Xưa nay, quanh chuyện kiểm duyệt điện ảnh hiếm khi có sự đối thoại tới cùng giữa cơ quan chức năng và nhà sản xuất phim. Dễ nhận thấy tiếng nói của giới sản xuất phim giai đoạn này vẫn còn lẻ tẻ và dè dặt.

Luật điện ảnh trước kia xây dựng để quản lý phim nhà nước (được làm bằng tiền ngân sách), còn bây giờ phim được làm bằng nguồn tiền xã hội hóa là chủ yếu. Nên Luật điện ảnh cũ cũng như quy chế duyệt phim cũ không còn phù hợp nữa.

Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh

Doanh nghiệp sản xuất phim ngại góp ý

Trong hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) tổ chức ở Hà Nội vào tháng 8-2019, các đại biểu có góp ý về việc cấp phép, phổ biến phim nhưng không có ai đi sâu vào phân tích những bất cập của chính sách này. 

Sau khi xảy ra hai vụ việc: phim Ròm chưa được cấp phép "vượt rào" đi Liên hoan phim Busan và đoạt giải, Cục Điện ảnh để lọt phim Everest: Người tuyết bé nhỏ có "đường lưỡi bò" thì câu chuyện kiểm duyệt điện ảnh mới được xới lên trở lại.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy xã hội thảo luận về chính sách điện ảnh một cách sôi nổi, với nhiều ý kiến đa chiều, mạnh mẽ. Tuy nhiên, tiếng nói của các nhà sản xuất vẫn còn yếu và anh cũng hiểu vì sao họ ngại góp ý về chính sách duyệt phim. 

"Trong nhiều năm, cơ quan kiểm duyệt nói sao thì nhà sản xuất phải chấp nhận vậy, không ai dám phản biện. Số phận phim Việt trên thị trường vốn dĩ mong manh nên nhà sản xuất không muốn lên tiếng vì họ cần bảo vệ "nồi cơm" của mình. Những người làm điện ảnh chưa có các hiệp hội để bảo vệ quyền lợi, giúp họ lên tiếng khi cần thiết".

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết sau nhiều lần vấp phải các quy định về kiểm duyệt, bản thân anh luôn có nỗi sợ mơ hồ, nhất là khi đụng đến quy định không được làm trái thuần phong mỹ tục, không phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam. 

"Tôi nghĩ xã hội hay con người luôn bao gồm cả mặt xấu và mặt tốt. Nếu nhà làm phim chỉ phản ánh mặt tốt thôi chưa đủ. Điện ảnh thế giới từ lâu đã đủ dũng khí phản ánh xã hội, con người với đầy đủ hai mặt tốt, xấu. Còn ở Việt Nam, nhà làm phim không dám làm phim gai góc, phản ánh góc tối của xã hội, vì vậy chúng ta chỉ có phim hài hước vui vẻ thôi" - đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định.

Ông Nguyễn Minh Đức - phó trưởng phòng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết rất nhiều doanh nghiệp điện ảnh bức xúc với các quy định luật pháp bất cập, nhưng khi góp ý lại không đồng ý nêu tên. "Nhiều luật sư gửi ý kiến góp ý đã từ chối cho biết họ đang làm cho doanh nghiệp nào", ông Đức nói.

“Kiểm duyệt điện ảnh cần công bằng để tạo ra một môi trường sáng tạo phát triển lành mạnh, để thúc đẩy nền điện ảnh đi lên, thay vì giậm chân tại chỗ, mỗi người nhìn về một hướng như bây giờ.

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Người làm phim không biết đường nào mà lần

Người làm nghề và dư luận gần đây quan tâm đến góp ý của VCCI cho Luật điện ảnh, trong đó nêu các doanh nghiệp sản xuất phim không hài lòng với cơ chế độc quyền cấp phép và phổ biến phim, cũng như cách hội đồng duyệt phim quốc gia can thiệp quá sâu vào nội dung phim trong quá trình thẩm định.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, phó tổng giám đốc Công ty BHD, đánh giá: "Góp ý của VCCI có vài ý chưa thật chuẩn xác về nghề nhưng đã buộc mọi người phải thoát ra khỏi lối tư duy quen thuộc. 

Ngay chính chúng tôi ở quá lâu trong môi trường điện ảnh cũng có thói quen tự kiểm duyệt trong đầu. Tôi nghĩ đây là thời điểm quan trọng để mọi người cùng nhìn lại vấn đề kiểm duyệt điện ảnh ở Việt Nam. 

Luật điện ảnh trước kia xây dựng để quản lý phim nhà nước làm bằng tiền ngân sách, còn bây giờ phim được làm bằng nguồn tiền xã hội hóa là chủ yếu, nên Luật điện ảnh cũ cũng như quy chế duyệt phim cũ không còn phù hợp nữa. Dù luật đã từng được sửa đổi rồi có thêm chính sách này kia nhưng thực tế vẫn chỉ là chắp vá".

Một luật sư cho biết ở Việt Nam các cá nhân, tổ chức vẫn chưa có thói quen sát sao góp ý trong giai đoạn lấy ý kiến xây dựng dự thảo luật. Theo luật sư này, mấy năm gần đây người dân mới có thói quen góp ý cho dự thảo luật. Đặc biệt là sau khi người ta phát hiện Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 có nhiều lỗi sai.

Vị luật sư này cho biết: "Luật điện ảnh của mình rất khác với các nước khác vì nó khiến người làm phim không biết đường nào mà lần. Kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa đương nhiên là cần rồi, nhưng kiểm duyệt chỉ được chấp nhận khi vì lợi ích chung của cộng đồng. 

Cơ quan nhà nước chính là đại diện cho nhân dân đứng ra thực hiện nhiệm vụ này, nên khi làm dự thảo luật họ cần xác định rõ mục tiêu của kiểm duyệt điện ảnh là gì. Chỉ khi thống nhất được mục tiêu của kiểm duyệt thì mới xây dựng được các quy định cụ thể, trách nhiệm của từng thành phần".

Cho thôi chức quyền cục trưởng và xử phạt CGV 170 triệu đồng

Liên quan đến hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trong phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ, ngày 27-10 Bộ VH-TT&DL đã ban hành công văn thông báo quyết định khiển trách và thôi giao nhiệm vụ quyền cục trưởng Cục Điện ảnh đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó cục trưởng, khiển trách bà Lý Phương Dung - phó cục trưởng... Ông Tạ Quang Đông, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, sẽ điều hành Cục Điện ảnh từ ngày 28-10.

Bộ cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - đơn vị nhập khẩu bộ phim - 170 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (các file phim kỹ thuật số đã nhập, các tài liệu quảng cáo phim).

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Phúc - phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL - cho biết mức phạt nặng như trên để tăng tính cảnh báo, răn đe. Ông cũng cho biết việc xử phạt với CGV đã "xong xuôi".

Trong công văn, bộ cũng đề nghị Cục Điện ảnh nâng cao năng lực của hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim, đồng thời phối hợp với Vụ Pháp chế để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật điện ảnh và các nghị định hướng dẫn. Trong đó cần sửa cơ chế thẩm định, cấp phép phổ biến phim phù hợp với tình hình thực tiễn, xem xét việc phân cấp cho địa phương thẩm định, cấp phép phim...

N.D. - T.ĐIỂU

Đạo diễn Victor Vũ:

Thể loại phim kinh dị, tâm linh gặp khó

nguoi bat tu

Phim Người bất tử đã phải thay đổi cái kết vào giờ cuối để có thể ra rạp - Ảnh: ĐPCC

Tôi có kinh nghiệm khá đau thương khi Người bất tử đã đóng máy, dựng xong, chuẩn bị phát hành thì nhận được tin hội đồng duyệt phim yêu cầu phải thay đổi cái kết. Vì quá sát ngày nên chúng tôi không có cách nào khác, đành phải dùng sẵn những hình đã quay và làm nên một cái kết chắp vá.

Sự việc này khiến tôi vô cùng đau lòng vì mình đã có một quá trình chuẩn bị chỉn chu từ đầu đến cuối, vậy mà phút cuối mình phải chấp nhận một cái kết như vậy.

Phim ra rạp, khán giả có chê thì mình cũng phải chịu. Khán giả không quan tâm nhà làm phim đã phải sửa những gì, họ chỉ quan tâm những gì họ thấy trên màn ảnh mà thôi.

Cá nhân tôi thấy việc siết chặt kiểm duyệt với phim kinh dị, phim tâm linh không chỉ khiến thể loại này khó lòng tỏa sáng mà còn ảnh hưởng đến những người làm - luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, khó lòng sáng tạo được nữa. Ngoài ra còn khiến khán giả bị định kiến phim kinh dị Việt Nam.

N.DIỆP ghi

Việt Nam đang duy trì mô hình quản lý điện ảnh Việt Nam đang duy trì mô hình quản lý điện ảnh 'làm khổ lẫn nhau'

TTO - Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng hiện Việt Nam đang duy trì mô hình quản lý điện ảnh "làm khổ lẫn nhau, dẫn đến thế đối đầu giữa cơ quan quản lý và những người làm phim và bất ổn xảy ra liên tục".


NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên