Sở Tài chính sẽ hợp nhất với Sở KH-ĐT TP Hà Nội - Ảnh: V.D. |
Tuy nhiên, các ý kiến khác đồng tình và đề xuất hợp nhất thêm một số sở chứ không dừng ở các sở mà dự thảo đề xuất. Cũng có ý kiến cho rằng: nên hợp nhất từ cấp bộ trước, cấp sở sau.
Băn khoăn “siêu sở”
Dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương đang được lấy ý kiến đóng góp trên website của Bộ Nội vụ (https://moha.gov.vn). Tại đây, khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc hợp nhất một số sở.
Bà Đặng Khánh Uyên (Nghệ An) cho rằng việc hợp nhất sở nên dựa trên nguyên tắc tương đồng về chức năng nhiệm vụ, đảm bảo công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục phiền hà và nhất quán từ trung ương đến địa phương.
Theo bà Khánh Uyên, các sở có chức năng nhiệm vụ độc lập và quá nhiều công việc mà nhập với nhau như sở giao thông vận tải với sở xây dựng, sở tài chính với sở kế hoạch - đầu tư sẽ dẫn đến quá tải trong thực hiện nhiệm vụ, chuyên quyền, tạo ra siêu sở, đẩy lùi cải cách hành chính.
Ngược lại, các sở tương đồng về chức năng nhiệm vụ và ít công việc thì đứng độc lập như sở nội vụ, sở tư pháp, sở thông tin - truyền thông, sở khoa học - công nghệ... sẽ dẫn đến nhiều đầu mối, nhiều thủ tục hành chính.
Bà Ngô Thị Thanh Hương (Bắc Ninh) băn khoăn việc hợp nhất sở tài chính và sở kế hoạch - đầu tư mà không hợp nhất Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ xảy ra tình trạng một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của hai bộ, không phù hợp với xu thế cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy.
Ông Mai Văn Diễm (Nghệ An) cũng không đồng tình việc hợp nhất hai sở này vì một cơ quan tham mưu nguồn thu ngân sách hợp nhất với một cơ quan tham mưu nguồn chi ngân sách “sẽ không đảm bảo sự minh bạch”.
Đối với sự hợp nhất sở giao thông vận tải với sở xây dựng, ông Hoàng Văn Đồng (Thanh Hóa) cho rằng sở giao thông vận tải ngoài chức năng quản lý hạ tầng giao thông còn có chức năng quản lý hoạt động vận tải nên khi nhập thành sở hạ tầng và phát triển đô thị thì chức năng quản lý vận tải sẽ không bao quát hết, không quản lý chuyên sâu về vận tải.
Ông đề nghị xây dựng đề án hợp nhất cấp bộ trước, sau đó mới hợp nhất cấp sở để thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Ông Bùi Gia Thanh (Lào Cai) đề xuất cần nghiên cứu hợp nhất những sở có nhiệm vụ tương đồng như nhập sở ngoại vụ với sở thông tin - truyền thông thành sở thông tin và đối ngoại; hợp nhất sở tư pháp với sở nội vụ thành sở tư pháp; hợp nhất sở giáo dục - đào tạo với sở khoa học - công nghệ thành sở giáo dục và khoa học.
Từ 36 giảm còn 9 phòng ban
Theo đại diện Sở Tài chính TP.HCM, việc hợp nhất hai sở tài chính và kế hoạch - đầu tư đã được UBND TP.HCM đưa ra và bàn ở cuộc họp gần đây, có đại diện hai sở và Sở Nội vụ.
“Toàn bộ ý kiến đã được nêu lên và được Sở Nội vụ ghi nhận. Đây là chủ trương lớn nên UBND TP quyết định sao chúng tôi sẽ thực hiện theo” - đại diện Sở Tài chính TP.HCM nói.
Theo một chuyên gia từng làm việc tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, đề xuất hợp nhất cần được nghiên cứu và bàn thảo kỹ vì hiện nay chức năng hoạt động của hai sở khác nhau và có phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ dữ liệu.
Nếu thực hiện hợp nhất thì có cảm giác như hai bộ máy cộng lại với nhau chứ mục đích hợp lý hóa về tổ chức, tinh gọn bộ máy và công việc thì chưa thấy.
“Nhưng dù sao đây cũng là chủ trương lớn. Do đó cần tìm hiểu kỹ mới đánh giá được” - vị này nói.
Sau hợp nhất, sự sắp xếp sẽ có biến động lớn. Ví dụ, tại ba sở Xây dựng, Quy hoạch - kiến trúc và Giao thông vận tải ở TP.HCM, hiện có tất cả 36 phòng ban.
Theo dự thảo, nếu hợp nhất ba sở này lại thành Sở Hạ tầng và phát triển đô thị, sẽ chỉ có tối đa 9 phòng ban chuyên môn cùng văn phòng và thanh tra sở, giảm được 25 phòng ban chuyên môn trực thuộc.
Nhiều người muốn “cân nhắc”
TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ - thận trọng: “Địa phương rất cần sự ổn định”.
Ông Đức nêu: bộ máy hành chính cần thiết được cải tổ phù hợp, nhưng phải xác định thật rõ cải tổ để đạt mục tiêu gì?
Những cải tổ ấy liệu có gây khó khăn trong hoạt động của đối tượng trực tiếp chịu tác động - mà ở đây là bộ máy hành chính của địa phương - hay không? Những thay đổi ấy liệu có thuận lợi cho dân hay không?
Nếu không thuận lợi cho dân thì các phương án tinh gọn bộ máy, hợp nhất các cơ quan phải cân nhắc kỹ. Cần chỉ ra các khuyết điểm hiện nay của bộ máy, cân nhắc giữa thay đổi cả cơ cấu, tổ chức bộ máy hay khắc phục những tồn tại để ổn định sẽ có lợi hơn để quyết định cách làm.
Điều đó cũng có nghĩa là không thể chỉ vì một vài điểm tồn tại có thể khắc phục nhưng lại quyết thay đổi toàn bộ cơ cấu, tổ chức bộ máy được.
Ông Lê Hồng Muôn, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Sóc Trăng, đặt vấn đề: “Việc tinh gọn biên chế là nên làm nhưng cùng lúc hợp nhất hai cơ quan Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Ông Muôn phân tích: “Từ chỗ hai đơn vị hiện có gần 20 phòng, nay nhập lại, còn hơn phân nửa là không hề đơn giản về việc giải quyết công việc, phân công cán bộ. Nói thì dễ, nhưng khi giải quyết, đặc biệt liên quan đến bố trí, sắp xếp nhân sự, không phải làm một lúc là xong. Không minh bạch, dân chủ, có khả năng phát sinh chuyện không hay trong việc sắp xếp, tinh gọn biên chế”.
Hải Dương xử vụ “loạn” lãnh đạo ở Sở LĐ-TB&XH Đến nay, Sở Lao động - thương binh và xã hội Hải Dương đã kiện toàn đội ngũ nhân sự sau khi Bộ Nội vụ có kết luận khẳng định về việc “loạn” lãnh đạo tại sở này là có cơ sở, bởi trong 46 biên chế thì có đến 44 người được bổ nhiệm làm lãnh đạo quản lý với chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên. Cụ thể, có một phó trưởng phòng xin chuyển về đơn vị cũ công tác và bảy cán bộ khác xin được thôi giữ chức vụ phó trưởng phòng, nhưng vẫn thuộc biên chế của sở khi được sắp xếp xuống làm nhân viên. Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ sau khi đối chiếu các quy định hiện hành cho thấy tại Sở Lao động - thương binh và xã hội Hải Dương thừa 8 nhân sự cấp phó phòng. Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo sở này phải thực hiện đúng quy định về chức danh cán bộ cấp phòng, cụ thể với 9 phòng thì mỗi phòng không được quá 3 lãnh đạo, bao gồm trưởng và phó phòng. Đồng thời, xem xét xử lý nghiêm những người tham mưu, đề nghị bổ nhiệm cán bộ quá số lượng quy định. (TIẾN THẮNG) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận