Phóng to |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tổng bí thư nói: “Dự thảo lần này so với trước được ưu điểm là ngắn gọn, súc tích hơn, nhưng chuẩn xác thì chưa, hay thì lại càng chưa, chưa có sức vang vọng như lời hiệu triệu kêu gọi. Có đại biểu nói lời nói đầu tốt lắm rồi mà tôi thì còn băn khoăn”.
TTO xin ghi lại ý kiến phát biểu thảo luận của Tổng bí thư tại Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.
Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa. Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành.
Ở đây tôi xin góp ý vào lời nói đầu. Cũng có ý kiến đánh giá rất cao, nhưng tôi thấy còn một số điểm cần kiến nghị với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và ban soạn thảo nghiên cứu.
Đã gọi là lời nói đầu, tuy nó ngắn gọn nhưng như một tuyên ngôn, tổng kết cô đúc, khái quát và đặc biệt là phải chuẩn xác. Nếu viết hay, có tính chất như là lời kêu gọi, hiệu triệu thì rất tốt. So với yêu cầu ấy thì dự thảo chưa đạt. Mặc dù ngắn hơn trước, gọn chỉ bằng 2/3 Hiến pháp 1992, tuy nhiên tôi thấy có mấy điểm chưa ổn.
Dự thảo viết: “Từ năm 1930, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”. Chỗ này có mấy cái không ổn. “Từ năm 1930…” là ta lấy nguyên văn từ lời nói đầu của Hiến pháp 1992. Ở Hiến pháp hiện hành là liệt kê cả quá trình, bắt đầu từ 1930, còn đây đã viết khái quát tổng hợp rồi mà vẫn giữ kể từ 1930. Đưa điểm này ra tôi sợ rằng các nhà khoa học, lý luận sẽ tranh luận.
Thực tình mà nói vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là cả một quá trình, chứ năm ấy (1930 - PV) tư tưởng cũng còn máy móc giáo điều, trí - phú - địa - hào đào tận gốc - trốc tận rễ hoặc theo tư tưởng quốc tế cộng sản… ta biết rồi.
Thứ hai là theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì (tư tưởng Hồ Chí Minh) lúc ấy chưa hình thành, cũng là cả quá trình. Tới năm 1991, tại Đại hội (Đảng) lần thứ 7 tranh luận mãi, rằng tư tưởng đạo đức tác phong hay là chỉ có đạo đức tác phong hay chỉ tư tưởng, sau kết luận là tư tưởng Hồ Chí Minh, với một hệ thống quan điểm lý luận. Điều đó thì từ 1930 chưa thể có được.
Thứ ba, dự thảo viết “Đảng Cộng sản VN lãnh đạo nhân dân…”, trong khi lời nói đầu Hiến pháp hiện hành hay hơn ở chỗ nhấn mạnh chủ thể là nhân dân: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân VN đã…”. Đây bỏ chủ thể nhân dân, chỉ nói Đảng Cộng sản lãnh đạo thôi là không ổn.
Tôi đề nghị sửa thế này: thay vì nói là “từ 1930”, viết lại thành “trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng” thì chặt chẽ, không ai bắt bẻ được.
Tiếp đó, dự thảo lời nói đầu viết: “Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước”.
“Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới”, tôi thấy hai vế này không đồng đẳng với nhau. Chỉ cần viết là bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế thôi. Chứ nếu đã đề cao sự giúp đỡ “quý báu” ở vế sau thì vế trước cũng phải đề cao ý chí và sức mạnh “to lớn” hoặc “vô địch” của toàn dân tộc thì mới đồng đẳng với nhau.
Cái ý “nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế” thì đúng rồi. Nhưng ý sau “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước” có mấy lỗi.
Lỗi thứ nhất, đây là sự tiếp tục của giai đoạn trước trong cách mạng dân tộc dân chủ. Giai đoạn dân tộc dân chủ đã có xây dựng CNXH rồi khi từ 1960 tại Đại hội (Đảng) 3 chúng ta đã tuyên bố đưa miền Bắc đi lên CNXH chứ đâu phải chỉ tới công cuộc đổi mới mới xây dựng CNXH.
Lỗi thứ hai, xếp xây dựng CNXH và đổi mới đất nước bằng nhau. Xây dựng CNXH thì lại mất cái vế bảo vệ Tổ quốc, rất là thiếu ý và lủng củng chỗ này. Có thể nói là trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc chứ không nên nói trong cuộc xây dựng CNXH và đổi mới. Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.
Cho nên nếu có sửa thì phải nói là “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên CNXH” sẽ chuẩn hơn.
Tôi cũng không hiểu tại sao dự thảo lại viết “thực hiện chủ quyền của mình, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thêm cái vế “thực hiện chủ quyền của mình” vào, nó gò bó và không chuẩn xác. Sao lại thực hiện chủ quyền của mình? Sao lại thêm cái ý này vào? Lâu nay vẫn nói là độc lập, thống nhất chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; chủ quyền, quyền chủ quyền, nhưng là ở phạm trù khác, đặt vào đây thì không phải. Cái chính là phát huy quyền làm chủ của mình.
Lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp sửa đổi Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Từ năm 1930, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước. Thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, thực hiện chủ quyền của mình, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận