Việc giảm lãi suất điều hành tạo cơ hội giảm chi phí vốn cho nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Làm thủ tục giải ngân cho khách hàng - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Ông Phạm Thanh Hà - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho rằng: "Điều này là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nhận thức sâu sắc chủ trương của Chính phủ để từ đó đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng sẵn sàng giảm lợi nhuận trong ngắn hạn nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp".
Giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp
* Điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa qua sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn?
- Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0 - 0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần, nhiều ngân hàng trung ương đã có các động thái tương tự, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm các mức lãi suất để góp phần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm lãi trong thời gian qua, việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đồng thời điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và cho vay, tăng lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc. Việc lựa chọn điều chỉnh các loại lãi suất nói trên trong số các công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả.
Các biện pháp này đều hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cân đối vốn tốt hơn, kịp thời, thiết thực hỗ trợ với doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Ông Phạm Thanh Hà
Sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp
* Có lo lắng cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng cung tiền và lạm phát. Ông đánh giá thế nào?
- Quyết định của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế. Áp lực lạm phát đã giảm bớt do giá dầu giảm mạnh, đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước đã được củng cố vững chắc trong những năm qua.
Việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn... đã phát tín hiệu về sự sẵn sàng của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn. Quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
* Định hướng điều hành của Ngân hàng nhà nước trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt diễn biến thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất, tỉ giá, giá dầu...), qua đó cập nhật, phân tích, dự báo để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ tại thời điểm và với liều lượng hợp lý.
Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, Ngân hàng Nhà nước hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỉ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt.
TS Bùi Quang Tín:
Phù hợp với diễn biến lạm phát
Mức độ giảm lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước khá tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỉ giá... Cụ thể, 2 tháng đầu năm, lạm phát bình quân tăng 5,91%, là cao hơn mức dự trù 4% của cả năm. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ở mức độ như hiện tại là phù hợp với mức độ lạm phát, tỉ giá hiện nay cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác.
TS Nguyễn Trí Hiếu:
Có tính đến hỗ trợ các ngân hàng
Việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc thêm 0,2% là giúp hệ thống ngân hàng thương mại có thêm nguồn thu từ việc dự trữ nguồn vốn huy động của mình tại Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng có dư thanh khoản có thể gửi tại Ngân hàng Nhà nước và hưởng lãi suất 1%/năm, từ đó tạo cơ sở để giảm chi phí vốn, đồng thời có thể giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tại thời điểm này giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc là không cần thiết. Hệ thống ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, trong khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế xuống thấp. Đẩy thêm một lượng tiền vào lưu thông qua việc giảm dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay và giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Nhưng hiện nay các ngân hàng thì dư thừa vốn trong khi các doanh nghiệp đang chật vật với thanh khoản.
TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia):
Không nới lỏng tiền tệ
Việc chỉ giảm lãi suất điều hành mà không giảm dự trữ bắt buộc cũng như các chính sách của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là hợp lý. Việc điều hành trên bản chất là giảm lãi suất, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân nhưng chưa phải là nới lỏng tiền tệ. Bởi vì lúc này có nới lỏng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn tốt, tiền dồi dào, thị trường tiền tệ liên ngân hàng có lãi suất thấp.
Bơm tiền ra lúc này, nền kinh tế cũng không thể hấp thụ được, minh chứng cụ thể nhất là tăng trưởng tín dụng 2 tháng qua rất thấp. Cho nên cách thức thực hiện của Ngân hàng Nhà nước hiện tại là gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nguồn vốn giá rẻ.
Chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trước mắt sẽ giúp các ngân hàng thương mại có nguồn lực cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay.
Ngân hàng có sẵn lòng giảm lợi nhuận?
Ông Lê Thành Trung (phó tổng giám đốc HD Bank):
Cơ hội giảm lãi suất cho vay
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất giúp ngân hàng có điều kiện cân đối nguồn vốn huy động với kỳ hạn dài hơn, giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng sẽ xem xét các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có giải pháp hỗ trợ như miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ...
Ông Lê Đức Thọ (chủ tịch VietinBank):
Doanh nghiệp khó, ngân hàng cũng vạ lây
Nếu mang tâm lý chờ đợi hướng dẫn thì các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, phá sản, ngân hàng cũng khó mà sống được. Do đó, VietinBank giảm lãi suất trước, hỗ trợ thanh khoản, tập trung vào các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của COVID-19 trong lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu. Nói hỗ trợ thì dễ bị hiểu lầm là cho đi. Bản chất ở đây là chia sẻ, hai bên cùng nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Ông Nguyễn Sỹ Hồng (chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương):
Mong ngân hàng triển khai nhanh
Doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngân hàng. Nay chúng tôi mong được kéo giãn thời gian trả nợ. Mong muốn các ngân hàng thương mại triển khai kịp thời các gói hỗ trợ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Bà Nguyễn Hồng Vân (phó tổng giám đốc VietinBank):
Hi sinh lợi nhuận ngắn hạn
Ngân hàng sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp, người dân, hi sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng vì sự sống còn của doanh nghiệp cũng là nguồn sống của ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận