01/12/2017 16:32 GMT+7

Dù nhọc nhằn, tôi vẫn chọn nghề trông trẻ

NGUYỄN THU HIỀN
NGUYỄN THU HIỀN

TTO - Biết tôi vào trung cấp sư phạm mầm non, ba tôi giận: "Nuôi con bao năm ăn học, điểm thi đại học cũng không thấp, sao lại chọn nghề trông trẻ nhọc nhằn vậy?".

Dù nhọc nhằn, tôi vẫn chọn nghề trông trẻ - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thu Hiền cùng học sinh Trường mầm non Hướng Dương (Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: T.H.

Hằng ngày, nhìn những cái miệng bé xíu, xinh xắn như miệng chim non của các bé tranh nhau cho tôi bón thức ăn, hoặc đồng thanh cất lên lời ca, bài hát do tôi dạy, thì mọi nhọc nhằn trong tôi tan biến cả

Thu Hiền

Những năm học cấp 3, chúng tôi suốt ngày mơ về tương lai của mình. Bạn tôi đứa mơ làm bác sĩ, đứa sau này là nhà giáo... Riêng tôi, nhất định là hướng dẫn viên du lịch, vì cái tính thích đi đây đi đó.

Ước mơ này hình thành trong một chiều hè trước năm học lớp 12, khi tôi cùng bạn bè lên tham quan động Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình quê tôi. Nhìn cô hướng dẫn viên du lịch mặc chiếc áo dài truyền thống, duyên dáng thuyết minh cho đoàn du khách nước ngoài, tôi mê mẩn...

Điều mơ ước ấy đã nhẹ nhàng thành sự thật khi điểm thi đại học của tôi năm ấy (2012) vượt lên điểm tuyển của ngành hướng dẫn viên du lịch một trường ĐH tại TP.HCM.

Tôi giã từ quê hương Ba Đồn vào TP.HCM học tập. Nhưng sau khi bước vào trường đại học đó tìm hiểu chi phí học tập, tôi vội vàng... bỏ chạy! 

Học phí năm đầu không quá cao, nhưng chi phí thực tập cho những đợt đi tour rất tốn kém, mà gia đình tôi lại nghèo. Đồng lương hưu mất sức của ba và lương công nhân của mẹ dù tằn tiện mấy cũng không thể nuôi hai anh em tôi ăn học đủ đầy từ tấm bé, huống chi bây giờ cả hai chúng tôi cùng học đại học. 

Cứ mỗi lần anh trai tôi (đang theo học tại ĐH Kinh tế TP.HCM) đóng học phí là mẹ lại đạp xe đi một vòng gặp bạn bè, anh em trong xóm vay tiền, rồi về nằm gác tay lên trán thở dài. Tôi không thể thực hiện ước mơ của mình bằng cách đặt thêm gánh nặng lên vai mẹ nữa.

Một tháng sau đó, giữa lúc đang băn khoăn chưa biết chọn học nghề gì, tôi nhận được thông tin một trường ĐH có tuyển sinh trung cấp ngành sư phạm mầm non. Vậy là tôi lao vào ôn thi và trúng tuyển.

Lúc nhận giấy báo nhập học rồi, tôi mới dám thú thật với mọi người. Bạn bè tôi ngỡ ngàng. Ba tôi rất giận, gọi điện chất vấn: "Nuôi con bao năm ăn học, điểm thi đại học cũng không thấp, sao lại chọn nghề trông trẻ nhọc nhằn vậy?". 

Tôi biết, sở dĩ ba hỏi vậy vì cạnh nhà tôi có một nhà trẻ. Hằng ngày, nhìn những cô giáo ở đó đi sớm về tối, "đánh vật" với các bé "thò lò mũi xanh" con các cô các chú công nhân, nông dân... thật là vất vả. 

Mẹ tôi thở dài thườn thượt, khổ mấy cũng chịu đựng được, để cho con gái học lấy một nghề sướng thân...

Biết ba mẹ không hài lòng về nghề mình chọn, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đến cùng. Rồi thời gian sẽ chứng minh cho ba mẹ thấy là tôi không sai.

Hai năm theo học trung cấp sư phạm, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Thầy cô tận tình dạy bảo, bạn bè tứ phương cùng hoàn cảnh hợp thành thân thiết, chia sẻ gian khó chuyện học hành. 

Chúng tôi phải học rất nhiều thứ: múa, hát, đàn, vệ sinh và dinh dưỡng cho bé, tâm lý trẻ... những môn mà thời học phổ thông tôi không nghĩ có lúc mình sẽ học...

Tôi tốt nghiệp, nhưng do không có hộ khẩu TP nên phải đi xin việc ở các trường tư. Cuối cùng, tôi đã có điểm dừng tại một trường mầm non ở quận Tân Bình, nơi tôi từng thực tập. Tôi được nhận vào dạy lớp lá. 

Khi thật sự bước vào nghề, tôi mới thấy hết được trách nhiệm và sự vất vả của nghề này. Chăm lo từng giấc ngủ, dỗ dành từng bữa ăn, lo đến từng cái hắt hơi, từng cơn ho cho các bé, dạy cho bé hình thành nhân cách... 

Vất vả vậy nhưng không ít phụ huynh vẫn chưa hài lòng, nặng nhẹ các kiểu, làm cho giáo viên nặng lòng. Dẫu biết nghề này nhọc nhằn nhưng tôi vẫn tin mình không chọn sai, vì tôi cảm nhận được tình yêu mà nghề này đã mang lại cho mình.

Tôi đã thực hiện một phần mơ ước của mình

Năm 2016 tôi đã lấy được bằng cao đẳng sư phạm mầm non. Hiện tại, có hộ khẩu TP, tôi thi đậu công chức và đang dạy ở một trường mầm non tại quận Tân Phú, TP.HCM.

Theo kế hoạch, năm 2019 hoặc 2020, tôi sẽ lấy bằng đại học sư phạm mầm non, rồi tiếp tục học chuyên sâu theo con đường mình đã vạch ra.

Giờ đây sức khỏe ba mẹ tôi đã khá hơn trước rất nhiều, nợ ngân hàng đã trả xong, ngôi nhà cấp bốn ngoài quê đã được sửa sang bằng đồng tiền chân chính anh em tôi gửi về. Đó cũng là một phần của mơ ước mà tôi đã thực hiện được.

Tiếp tục nhận bài dự thi "Tôi chọn nghề"

Cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, với các đơn vị đồng hành: Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ Kỹ nghệ II và Trường CĐ An ninh mạng Ispace.

Nhận bài dự thi từ nay đến ngày 21-1-2018, với giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng và giải ba 10 triệu đồng. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ trao thêm 5 giải khuyến khích (mỗi giải 5 triệu đồng), bài viết hay nhất tháng (5 triệu đồng), bài viết hay nhất tuần (2 triệu đồng).

Bài dự thi dưới 1.200 chữ kèm hình ảnh nhân vật. Dưới bài viết để tên hoặc bút danh, địa chỉ, số điện thoại, email để ban tổ chức liên lạc khi cần. Bài dự thi phải là bài chưa được đăng trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào, kể cả mạng xã hội.

Bài dự thi gửi về email [email protected], hoặc Ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ (số 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM), ghi rõ Dự thi "Tôi chọn nghề".

TUỔI TRẺ

Mời dự thi viết "Tôi chọn nghề", nhiều giải thưởng hấp dẫn

TTO - Cuộc thi "Tôi chọn nghề" nhận bài dự thi từ nay đến 21-01-2018 với giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn khác đang chờ bạn.

Dù nhọc nhằn, tôi vẫn chọn nghề trông trẻ - Ảnh 6.

NGUYỄN THU HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên