Dự luật Phòng, chống tác hại của rượu bia: Một cuộc thảo luận gập ghềnh

Những người tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia nêu những quan điểm ra sao về các quy định mà dự luật này đưa ra?

Ông Lưu Bình Nhưỡng. -Ảnh: T.Long
Ông Lưu Bình Nhưỡng. -Ảnh: T.Long

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Dự án luật cần tập trung mục tiêu thay đổi hành vi con người

Sở dĩ dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia kéo dài nhiều năm chưa đạt được sự đồng thuận, gặp nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, cho thấy dự thảo luật không tạo được sự đồng thuận. Và có sự thiếu đồng bộ với một số luật khác hiện nay, trong đó có những điều trái với Luật quảng cáo hay đi ngược xu thế phát triển kinh doanh trên Internet.

Tôi cho rằng cần nhìn nhận rượu bia khác với ma túy, thuốc lá. Đây là sản phẩm đặc thù của lịch sự. Rượu bia tự nó không tạo nên một tiêu cực nào, mà ở đây do người sử dụng nó không có văn hóa ứng xử với nó đúng mực mới để xảy ra những hậu quả tiêu cực. Ở đây do những cá nhân sử dụng rượu bia vô văn hóa, không tôn trọng các quy tắc xã hội, pháp luật, thậm chí không tôn trọng bản thân và gia đình.

Vì vậy, dự án luật cần tập trung vào mục tiêu thay đổi hành vi của con người, thiết kế một văn hóa uống rượu bia giống như các nước, để người dân uống rượu có văn hóa, có trách nhiệm. Nói cách khác, luật này phải thiết kế được môi trường văn hóa để mọi người biết được mình đi quá hành vi là mình có lỗi.

Mặt khác, một vấn đề rất quan trọng mà dự thảo luật này chưa chú trọng đề cập là quy định về việc quản lý chất lượng của vài trăm triệu lít rượu thủ công đang sản xuất trôi nổi tung ra thị trường mỗi năm. Cần quy định rõ ai là người quản lý, chịu trách nhiệm cho sự trôi nổi của rượu thủ công, rượu chất lượng kém trên thị trường.

Một đạo luật ra đời mà không đạt được những mục tiêu giúp xã hội cải thiện được tình hình, không giúp xã hội xây dựng được nền tảng về rượu bia thì thông qua sẽ không có giá trị, chỉ tốn tiền và khó khăn trong giai đoạn triển khai.

Ông Phạm Văn Hòa.-Ảnh: T.Long
Ông Phạm Văn Hòa.-Ảnh: T.Long

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Còn hai điều luật gây tranh cãi

Sau nhiều phiên thảo luận, lấy ý kiến, đến nay dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia đã điều chỉnh nhiều điều luật bất hợp lý. Hiện chỉ còn hai điều luật gây tranh cãi.

Thứ nhất, quy định về cấm quảng cáo bia rượu vào “giờ vàng” (từ 18h-21h) trên báo hình và báo giấy.

Thứ hai, là quy định liên quan đến việc cho phép các công ty sản xuất rượu bia tài trợ cho các chương trình nhưng không được quảng cáo hình ảnh tại chương trình đó.

Các doanh nghiệp sản xuất rượu bia không đồng tình và có ý kiến điều chỉnh với hai điều luật này.

Tuy nhiên, thời gian qua, với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe sử dụng rượu bia thiếu ý thức, không tuân thủ pháp luật, chúng ta đã thấy quá rõ tác hại của việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Vì vậy tôi hi vọng kỳ họp lần này sẽ thông qua được dự án luật này để có những biện pháp mạnh ngăn chặn việc lạm dụng rượu bia, đồng thời xây dựng văn hóa trong sử dụng rượu bia.

 

Đại biểu Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn (Long An): Nhiều cử tri đồng tình tăng mức xử phạt

Sau khi dự luật này được đem ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua, các ý kiến gần như đều thống nhất sẽ có thêm nhiều phương án nhằm “siết” thêm, hạn chế tác hại của rượu bia như xem xét tăng thuế, kiểm soát việc mua bán... Hầu hết cử tri cũng đồng tình khi nói về việc tăng mức xử phạt đối với người tham gia giao thông mà uống rượu, bia.

Tôi rất hi vọng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội thông qua cũng như các mức xử phạt vi phạm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thay đổi theo hướng chế tài nặng hơn thì việc sử dụng rượu bia sẽ giảm, xã hội sẽ hạn chế được thiệt hại.

PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa): Ép nhau nhậu là phản văn hóa

Phải nhìn nhận đúng thực tế: người VN hiện sử dụng rượu bia rất nhiều. Nhưng cũng cần suy nghĩ vì sao thị trường rượu bia được chăm chú khai thác đến vậy.

Ở mức độ vĩ mô cần đặt vấn đề: nếu một nước chú trọng đầu tư rất nhiều vào sản xuất rượu bia bán ngay thị trường trong nước như VN mà ít quan tâm phát triển mạnh các ngành sản xuất khác để xuất khẩu, để làm giàu cho đất nước, như thế cũng có nghĩa là lạm dụng rượu bia.

Còn khi nhìn nhận dựa trên tâm thế của xã hội, chuyện lạm dụng rượu bia đã trở thành một căn bệnh, nơi đâu cũng đua nhau uống. Từ thôn cùng xóm vắng đến đô thị, chỗ nào cũng thấy nhậu. Ở một khía cạnh nào đó, nhậu nhiều, tiêu thụ được nhiều mặt hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng mặt trái của nó thì rất nhiều. Nhiều người lao vào nhậu, có những người rất nghèo, kinh tế rất khó khăn nhưng kiếm được đồng nào là nhậu hết đồng ấy, rồi nghiện rượu bia, số người này rất nhiều, đâu phải chỉ những người giàu mới nhậu.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người lạm dụng rượu bia, ham nhậu nhẹt để rồi bệnh tật đủ đường, đến mức ung thư, chết non. Rượu bia cũng làm khủng hoảng nhiều gia đình, gây ra nạn bạo lực trong gia đình, kích thích hung tính trong con người, đánh nhau, chém nhau... thậm chí ảnh hưởng cả vấn đề nòi giống.

Nghiêm trọng hơn nữa, thời gian gần đây đã nổi lên những vấn đề bất an cho xã hội, nhậu nhẹt say xỉn rồi lái xe, gây tai nạn liên hoàn khiến nhiều người chết rất thương tâm. Tình trạng lạm dụng rượu bia ngày càng nhiều, thậm chí không ít người còn diễn giải theo kiểu nhậu là văn hóa. Nếu hiểu theo nghĩa văn hóa là một thói quen, nhậu đã trở thành thói quen của rất nhiều người, lây lan ra rất nhiều nơi. Còn nếu nói văn hóa theo nghĩa tốt đẹp như “chân, thiện, mỹ, ích”, việc ép nhau nhậu là phản văn hóa, phi văn hóa. Ép nhau nhậu thì đâu có tôn trọng người khác, cũng chẳng tôn trọng mình.

Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia): Cần bổ sung hình phạt lao động công ích

Từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) tuy đã giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương (từ gần 12.000 người chết vì TNGT/năm xuống 8.248 người/năm 2018) nhưng những kết quả trên không cho phép chúng ta quên rằng mỗi ngày TNGT vẫn cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng.

Đặc biệt, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT do lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra.Mỗi năm có hàng trăm ngàn người lái xe bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn; vi phạm chưa gây ra tai nạn thì phạt tiền; phạt tù, tối đa là 15 năm, nếu gây ra TNGT làm bị thương nặng hoặc chết người.

Tuy nhiên nếu dừng lại ở hoạt động truyền thông thì hiệu quả sẽ không cao. Về phía quản lý nhà nước, cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật đủ sức răn đe. Vừa qua, lãnh đạo Quốc hội đã có ý kiến ủng hộ việc tăng chế tài xử phạt lái xe sử dụng rượu bia, ma túy, đồng thời nghiên cứu để bổ sung các hình phạt lao động công ích (thu gom rác, nạo vét sông), và tịch thu bằng lái xe vĩnh viễn...

Hiện nay có rất nhiều quy định pháp luật cần thay đổi, trong đó có việc sửa đổi hoặc hướng dẫn thi hành Luật hình sự với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, nghiên cứu tăng mức xử phạt về hành chính, lưu trữ để quản lý tái phạm, bổ sung các chế tài khác như lao động công ích, học thi lại bằng lái và đặc biệt sớm dùng công cụ kinh tế (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới), điều chỉnh mức đóng bảo hiểm theo rủi ro của phương tiện, người lái và lịch sử lái xe an toàn...

Đây là những giải pháp đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia và chúng ta có thể tham khảo.

Đại tá Trần Sơn. -Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đại tá Trần Sơn. -Ảnh: TUẤN PHÙNG

Đại tá Trần Sơn (nguyên phó trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an): Nên trừng phạt bằng biện pháp kinh tế

Thời gian qua có rất nhiều vụ TNGT liên hoàn, thường bị gọi là “xe điên”, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo phân loại TNGT. Nhiều vụ tai nạn dạng này là do lái xe dương tính với chất ma túy hoặc sử dụng rượu bia.

Luật giao thông đường bộ hiện hành nghiêm cấm lái ôtô khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tức khi lái ôtô tuyệt đối không được có rượu bia hoặc chất kích thích. Bởi hầu hết người sử dụng rượu bia, chất kích thích không làm chủ được tay lái, dẫn đến TNGT. Ngoài vấn đề đạo đức, ý thứ trách nhiệm thấp của các tài xế, một nguyên nhân của những vụ tai nạn nói trên là chế tài đối với các hành vi sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định, chất kích thích đang còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Tại nhiều hội thảo đã có đề xuất nâng chế tài, xử phạt hoặc thêm các biện pháp xử lý khác đối với tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích, tức là nâng mức phạt cao hơn nữa. Hiện nay phạt tiền cao nhất với hành vi vi phạm nồng độ cồn là 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng, đều không đủ sức răn đe.

Ngoài người làm nghề lái xe, đặc biệt đáng lo là những người sử dụng xe cá nhân đi ăn nhậu, tiệc tùng có uống rượu bia rồi vẫn lái xe về nhà. Tuyên truyền nhiều rồi, ai cầm vôlăng cũng hiểu được tác hại của rượu bia nhưng vẫn bất chấp. Rõ ràng chế tài, xử phạt chưa đủ làm người ta sợ. Việc kiểm tra tài xế vi phạm nồng độ cồn thường khó cho lực lượng chức năng khi phải có kế hoạch chuyên đề mới thực hiện; mỗi điểm kiểm tra xử lý phải có 2 tổ lực lượng gần 10 người mới đảm bảo. Tài xế vi phạm hay “lý sự cùn”, cãi chày cãi cối, tìm đủ mọi cách tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Tôi đồng ý với các đề xuất sửa đổi cả luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, sửa các luật liên quan theo hướng: tăng chế tài xử phạt tiền với người sử dụng rượu bia lái xe, người vi phạm ở mức cao nhất thì tước vĩnh viễn bằng lái.

Với những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả chưa đến mức xử lý hình sự mà tài xế có sử dụng rượu bia, chất kích thích thì ngoài phạt tiền, tạm giữ xe, tước bằng lái nên bổ sung hình phạt cưỡng bức lao động công ích bằng những việc góp phần làm giao thông tốt đẹp: hướng dẫn giao thông, làm vệ sinh đường, chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở các bệnh viện...Nhiều nước đã thực hiện các hình phạt này.

Chúng ta nên thực hiện, nên trừng phạt bằng biện pháp kinh tế cho mỗi lần vi phạm để họ sợ không dám tái phạm. Với các vụ việc vi phạm nồng độ cồn, cơ quan truyền thông cần đưa công khai họ tên người, hành vi vi phạm nhằm giáo dục, răn đe.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận