14/10/2013 12:23 GMT+7

Dự luật "nút xóa": Xóa nhưng có sạch?

HẢI MINH
HẢI MINH

TTCT - Ngày 13-2-2013, thiếu niên Justin Carter (bang Texas, Mỹ) trong lúc quá hào hứng với “Liên minh huyền thoại”, một trò chơi điện tử trên Facebook, đã lên mạng xã hội đe dọa nổ súng vào trường học.

Kết quả: Carter bị tạm giam 6 tháng ở một nhà tù Texas trong khi chờ bản án chính thức xử tội “âm mưu khủng bố”.

nvH5cGMx.jpg
Justin Carter - Ảnh: nydailynews

Khi đưa những đe dọa nổ súng ấy lên mạng, Justin Carter không mảy may biết rằng ở một góc khác của quả địa cầu, một phụ nữ Canada đã đọc được những đe dọa này. Bà tra Google ra địa chỉ Carter và thấy nhà cậu ở không xa Trường tiểu học Wooldridge (Austin, Texas), bèn gọi báo cảnh sát. Justin Carter bị bắt ngày 14-2-2013.

Người phụ nữ này có lý do để lo sợ: chỉ mới hai tháng trước đó, vụ nổ súng tại Trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut đã giết chết 20 trẻ em và sáu người lớn. Hung thủ Adam Lanza của vụ thảm sát này cũng chỉ mới 20 tuổi.

Mặc dù gia đình Carter khẳng định đó chỉ là những đùa cợt ngông cuồng trẻ con, nhưng nhà chức trách không nghĩ vậy. Bản án tạm giam vẫn được thực thi. Đó là một trong những lý do khiến dự luật “nút xóa” ra đời ở bang California. Những người thảo ra dự luật hi vọng có thể bảo vệ những người trẻ như Carter, cho họ quyền kiểm soát nhân thân trên mạng xã hội, xóa bỏ những gì họ đăng trên đó.

Trường hợp Justin Carter

Bố của cậu, ông Jack Carter, ủng hộ dự luật SB-568 này của bang California, nhưng cho rằng như thế là chưa đủ. “Họ được phép xóa, nhưng liệu những thông tin đó có thật sự bị xóa?” - ông Carter, 39 tuổi, hỏi. Ngoài ra, nếu con trai ông Carter xóa bỏ cuộc đối thoại mà ai đó đã báo cáo lại với nhà chức trách thì hành động đó có bị ghép vào tội hủy hoại chứng cứ?

“Đây là địa hạt hoàn toàn mới, Internet đang phát triển nhanh hơn nhiều so với luật pháp - ông Carter bình luận - Con trai tôi là một nạn nhân của điều đó”.

Gia đình Carter đã không thể trả khoản tiền bảo lãnh để con họ có thể được tại ngoại, cho tới tháng 7 khi một người hảo tâm giấu tên đồng ý đóng khoản tiền bảo lãnh 500.000 USD. Tính tới ngày đó, Carter đã ngồi tù được năm tháng và vừa bước sang tuổi 19.

Trường hợp của Carter cũng như dự luật mới của bang California đã thu hút sự chú ý lớn từ công luận, những tổ chức bảo vệ trẻ em và những nhà hoạt động tự do ngôn luận.

Theo tài liệu của tòa, Justin đã viết trên mạng: “Tao sẽ chỉnh cho chúng mày ngay ngắn lại, tao sẽ bắn sạch một nhà mẫu giáo, xem máu của những người vô tội chảy và ăn tim của chúng”. Ông Jack Carter nói con trai ông đã thêm vào các biểu tượng “LOL” (Laugh out loud: buồn cười quá) và “J/K” (Just kidding: chỉ đùa thôi) nên các bình luận đó là không hề nghiêm túc.

“Tôi nghĩ rằng những gì tôi nói đã được trích dẫn ngoài bối cảnh và bị thổi phồng quá mức” - Carter nói với Đài truyền hình Mỹ CNN sau khi được tại ngoại. “Đặt trong bối cảnh đầy đủ thì tuyên bố đó rõ ràng chỉ là đùa cợt quá trớn” - Chad Van Brunt, một trong những luật sư của Carter, cũng cùng nhận định.

Bao nhiêu là đủ?

“Nút xóa”, hay quyền được xóa, là một phần trong dự luật đã được thông qua với đa số tuyệt đối ở thượng viện bang California, bảo đảm quyền riêng tư cho trẻ vị thành niên trên mạng. Dự luật quy định Facebook, Twitter, Tumblr và các mạng xã hội khác phải đáp ứng yêu cầu xóa từ những người dùng vị thành niên.

Các cuộc cãi vã trên Facebook, những tin nhắn Twitter nông nổi, các bức ảnh riêng tư và những thông tin khác có thể làm hại uy tín của người dùng là đích nhắm của dự luật này.

Các trang mạng cũng được yêu cầu cung cấp chỉ dẫn một cách rõ ràng về việc xóa những thông tin nói trên và thông báo với người dùng rằng họ có thể xóa các nội dung mình đã đăng sau khi đăng ký. Được thống đốc Jerry Brown ký ban hành ngày 30-9-2013, đạo luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Dự luật nhằm bảo vệ “một trẻ em có thể nói điều gì đó trên Internet mà các em sẽ thấy hối tiếc chỉ năm phút sau đó”, theo lời nghị sĩ Darrell Steinberg, người đã giới thiệu dự luật.

Tuy nhiên, dự luật không làm tất cả lạc quan hơn. Không ít người hoài nghi cho rằng các nội dung đã bị xóa trên mạng xã hội chưa chắc sẽ biến mất hoàn toàn, và dự luật có thể khiến trẻ em trở nên thiếu trách nhiệm hơn, phát biểu và đăng tải tùy tiện trên mạng xã hội, một khi các em tin rằng những sai lầm đó có thể được sửa chữa dễ dàng.

Thêm vào đó, dự luật “nút xóa” không yêu cầu các công ty xóa hẳn dữ liệu đã đăng tải khỏi các máy chủ của họ. Nó cũng không thể bảo vệ một người dùng nếu như thông tin họ đăng tải đã được những người khác chia sẻ. “Nói cách khác, một bức ảnh riêng tư trở nên nổi tiếng sẽ không hề biến mất trên Internet” - nhà báo Somini Sengupta viết trên tờ The New York Times.

Những người khác nói dự luật thay vì bảo vệ trẻ em, có thể khiến đời tư các em bị đào xới sâu hơn, bởi lẽ để tuân thủ dự luật, các trang mạng xã hội sẽ phải có thêm thông tin về người dùng, bao gồm việc họ đã đủ 18 tuổi hay chưa. Họ cho rằng nước Mỹ cần một phong trào “quyền được quên” rộng lớn hơn như ở châu Âu, nơi các nhà cải cách đang thúc đẩy một dự luật cho phép tất cả mọi người, chứ không chỉ trẻ vị thành niên, được “biến mất hoàn toàn” trên mạng.

Không có nút xóa vĩnh viễn trên internet!

Chuyên gia về lừa đảo trên mạng Daniel Draz đã kể một câu chuyện riêng về việc khó xóa bỏ thông tin thế nào trên Internet. Trong 18 năm, ông đã cố giữ bí mật địa chỉ nhà của mình để bảo vệ gia đình khỏi những người ông đã đưa vào tù. Nhưng sau khi ông chuyển về Illinois, Daniel Draz phát hiện địa chỉ nhà mình trên...

Internet, có lẽ vô tình được đưa lên mạng từ những bản khai thay đổi địa chỉ của công ty quản lý bất động sản của ông. Khi ông tìm cách gỡ địa chỉ nhà mình khỏi mạng, ông nhận được tới chín trang phải điền vào đó yêu cầu và địa chỉ nhà mới được gỡ. “Cuối cùng tôi phải đầu hàng, bởi ngay cả khi đó cũng chẳng có bảo đảm nào rằng các công ty ấy sẽ xóa những địa chỉ của tôi.

Với hình ảnh đăng lên mạng cũng vậy, ngay cả khi hình ảnh đã được gỡ khỏi mạng, số các trang thương mại đã vớ được những hình ảnh này trong các thỏa thuận chia sẻ thông tin với các trang mạng khác chưa chắc đã gỡ bỏ chúng khỏi máy chủ như luật đã yêu cầu” - Daniel Draz chia sẻ.

Những ngôi sao ở các lĩnh vực cũng có những bài học của mình. “Không có nút xóa vĩnh viễn trên Internet” - Mario Almonte, đối tác của Công ty Herman & Almonte Public Relations trụ sở ở New York, khẳng định sau rất nhiều “cọ xát” trong lĩnh vực này.

“Ngay cả những hình ảnh hay đoạn văn chỉ xuất hiện vài giây trên Internet cũng dễ dàng bị ai đó chộp lấy và tải lại trên mạng vĩnh viễn. Trong khi luật này có những ý định tốt thì việc tải gì đó lên mạng, trong đa số trường hợp, sẽ là một hành động không thể nào đảo ngược được” - bà cảnh báo.

CS Monitor

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên