Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani, phát biểu trên truyền hình tại Tehran, Iran - Ảnh: REUTERS
Trung Đông "vỗ tay"
Theo hãng tin Reuters, ngày 13-10, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho biết nước này hoàn toàn ủng hộ chính sách mới của Mỹ với Iran. UAE cũng tái cam kết sẽ hợp tác với Washington để chống lại sự ủng hộ của Iran với chủ nghĩa cực đoan.
Hãng thông tấn nhà nước UAE, WAM, viết trên tài khoản Twitter: "UAE công bố hoàn toàn ủng hộ với chiến lược mới của Mỹ trước những chính sách gây tổn hại tới an ninh và ổn định của Iran".
Bahrain cũng nói nước này hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran, cũng như đối với việc Iran ủng hộ các nhóm cực đoan tại Trung Đông.
Israel và Saudi Arabia cũng lên tiếng ủng hộ tổng thống Mỹ. "Tổng thống Trump đã vừa tạo ra cơ hội để sửa chữa thỏa thuận tồi tệ này, để giảm bớt sự hung hăng của Iran và kiểm soát việc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố của họ", thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói.
Saudi Arabia cũng hoan nghênh quyết định này, gọi đó là "chiến lược then chốt" của ông Trump với Iran, cho rằng việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã tạo điều kiện cho Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của họ, tang cường ủng hộ với các nhóm phiến quân như Hezbollah và Houthis ở Yemen.
Châu Âu cam kết tuân thủ thỏa thuận
Lập trường của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran rõ ràng đã xung đột với những đồng minh chủ chốt của Mỹ như Anh, Pháp, Đức cũng như với những thành viên khác cùng tham gia quá trình thương thảo để đạt được thỏa thuận này là Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Trước nguy cơ thỏa thuận hạt nhân Iran từng phải rất vất vả mới có thể đạt được năm 2015 dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama, nhiều lãnh đạo các nước đã lên tiếng khẳng định cam kết giữ vững thỏa thuận này, bất chấp các cảnh báo muốn hủy bỏ nó của ông Trump.
Tại Brussels, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, cho rằng Washington không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân.
Bà Federica Mogherini nói: "Chúng ta không thể hủy bỏ một thỏa thuận hạt nhân đang có hiệu lực. Thỏa thuận này không phải là thỏa thuận song phương. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu, đã chứng minh rõ ràng thỏa thuận đó là gì và sẽ vẫn tiếp tục được thực thi".
Các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung cảnh báo Mỹ không được đưa ra những quyết định có thể gây tổn hại tới thỏa thuận hạt nhân như việc tái áp đặt trừng phạt với Tehran.
Lãnh đạo ba nước cho biết họ chia sẻ với Mỹ về những lo ngại liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và những hoạt động gây bất ổn khu vực của họ, nói sẵn sàng sẽ hợp tác với Washington để giải quyết những lo ngại đó.
Cùng với đó, ngày 13-10, tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron, khẳng định với tổng thống Iran, Hassan Rouhani, rằng nước Pháp cam kết thực thi thỏa thuận này.
Thông báo từ văn phòng tổng thống Pháp cho biết, việc Mỹ quyết định không xác nhận thỏa thuận này sẽ không thể chấm dứt nó. Pháp và các đối tác châu Âu sẽ duy trì việc thực hiện những cam kết của họ liên quan tới thỏa thuận.
Cũng trong ngày 13-10, chính quyền Nga lên tiếng chỉ trích tổng thống Mỹ về tuyên bố đe dọa chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran.
Bộ ngoại giao Nga cho rằng trong ngoại giao quốc tế, không có chỗ cho những lời lẽ đe dọa và công kích. Phía Nga cũng nói quyết định của ông Trump không xác nhận thỏa thuận sẽ không có tác động trực tiếp với việc thực thi nó nhưng sẽ gây cản trở tới tinh thần của bản thỏa thuận.
Hiện vẫn chưa có phản ứng từ Trung Quốc, mặc dù ông Alexei Pushkov, thượng nghị sĩ Nga, cho biết cả Matxcơva và Bắc Kinh đều không ủng hộ lập trường của ông Trump.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận