Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị lùi thời hạn lắp camera trên xe tới tháng 7-2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là lo ngại của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe cũng như cơ quan quản lý điều hành giao thông các tỉnh thành.
Gián đoạn chia sẻ dữ liệu
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa gửi Bộ GTVT, từ tháng 7-2020 tới nay dữ liệu giám sát hành trình (GPS) từ máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngưng truyền về máy chủ của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.
Việc gián đoạn chia sẻ dữ liệu đã làm ảnh hưởng việc cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân trên cổng thông tin TP. Không chỉ dữ liệu GPS, sở cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ dữ liệu đăng kiểm về TP để đảm bảo công tác quản lý phương tiện ổn định, liên tục.
Có doanh nghiệp phản ảnh xe đã đi đăng kiểm đạt rồi nhưng khi lên Sở GTVT xin cấp phù hiệu lại phải chờ do dữ liệu đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa truyền về! Nói như ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, việc kết nối dữ liệu chập chờn, lệch pha từ máy chủ giữa cơ quan trực thuộc Bộ GTVT với địa phương gây nhiều phiền hà bởi hiện nay các thủ tục hành chính dựa vào công nghệ là chính.
Nhiều năm qua, doanh nghiệp vận tải cả nước đã thực hiện lắp GPS theo quy định. Để quản lý dữ liệu này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuê máy chủ, thuê đơn vị vận hành để tích hợp, quản lý và chia sẻ dữ liệu về các địa phương. "Cần tăng cường phối hợp quản lý từ trung ương đến địa phương để có thể sử dụng hiệu quả hơn nữa các cơ sở dữ liệu từ thiết bị GPS. Trước hết, cần tổng kết đánh giá việc tính năng GPS đã được tận dụng hết chưa", đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị.
Dữ liệu khổng lồ, xử lý sao?
Theo ông Lê Trung Tính, dữ liệu GPS được xây dựng tốn rất nhiều chi phí nhưng chưa tận dụng hết được các lợi thế. Tới đây sẽ đồng loạt thực hiện việc lắp camera trên xe khách 9 chỗ trở lên và xe container. Dữ liệu khổng lồ này sẽ được xử lý như thế nào?
Tại buổi tọa đàm do Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều hiệp hội, đơn vị vận tải cho rằng cơ quan chức năng cần hoàn thiện máy chủ để tiếp nhận dữ liệu trước khi đề nghị doanh nghiệp lắp camera. "Dữ liệu giám sát GPS hiện nay chúng ta xử lý còn chệch choạc, khi dữ liệu nặng gấp vài ngàn lần, nếu không chuẩn bị kỹ hạ tầng làm sao đáp ứng được! Doanh nghiệp lắp camera xong, dữ liệu không xử lý được có lãng phí không?", đại diện một doanh nghiệp vận tải nói.
Về quy chuẩn camera, theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện nay trên thị trường các đầu ghi camera gắn trên xe phần lớn được sản xuất ở nước ngoài. Máy chủ nằm tại nước ngoài do sử dụng phần mềm của họ, từ đó không kiểm soát được chất lượng hình ảnh, độ bền của thiết bị.
Do vậy, cần có quy chuẩn nhằm đảm bảo các nhà cung cấp đầu ghi camera phải có đủ năng lực, sản xuất hàng đảm bảo chất lượng, quản lý, lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, sử dụng các phần mềm quản lý của Việt Nam.
Vì sao chúng tôi kiến nghị lùi thời hạn lắp camera?
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết đã kiến nghị Chính phủ xem xét về việc lùi thời gian thực hiện lắp camera thêm hai năm, tức là hạn cuối đến tháng 7-2023 (thay vì tháng 7-2021). Về chủ trương, các hiệp hội và doanh nghiệp đều đồng tình. Tuy nhiên, theo ông Quyền, thời điểm thực hiện cần lùi lại để khâu chuẩn bị kỹ càng và đạt hiệu quả.
"Dữ liệu sẽ truyền về máy chủ là lượng thông tin khổng lồ. Hiện chưa thấy Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo địa chỉ tiếp nhận dữ liệu", ông Quyền cho biết.
Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ngoài việc lùi thời gian thực hiện lắp camera cũng nên làm rõ hơn việc ghi hình camera hành khách suốt hành trình chạy xe có vi phạm quyền riêng tư hình ảnh hay không? Và cần phải thí điểm một số nơi để đánh giá trước khi thực hiện trên diện rộng.
Gánh nặng chi phí
Chi phí cho việc lắp GPS trước đây khoảng 1,5 triệu đồng/xe, chi phí truyền dữ liệu 80.000 đồng/tháng. Hiện các doanh nghiệp đang tiêu tốn khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để cập nhật dữ liệu 1 triệu xe truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Khoản này bao gồm 500 tỉ khấu hao thiết bị và 1.000 tỉ trả phí truyền dẫn và lưu trữ dữ liệu.
Theo Hiệp hội Vận tải ôtô, với mức giá của các đơn vị bán camera hiện nay, nếu lắp trên xe khách loại từ 30 chỗ trở lên cần 4 camera với chi phí 10 - 11 triệu đồng/xe. Nếu tính cho việc lắp đặt khoảng 300.000 xe thuộc diện phải lắp thì chi phí hơn 3.000 tỉ đồng, chưa kể phí truyền dữ liệu hằng tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận