Một góc vườn quốc gia Bidoup - núi Bà - Ảnh: NHẬT TIÊN |
Ngày 10-6, thạc sĩ Tôn Thất Minh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới (vườn quốc gia Bidoup - núi Bà) - cho biết tại kỳ họp lần thứ 27 của Hội đồng Điều phối quốc tế chương trình Con người và sinh quyển (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) diễn ra ngày 9-6 tại Paris (Pháp) đã công nhận khu dự trữ sinh quyển Lang Bian gồm vườn quốc gia Bidoup - núi Bà và đỉnh Lang Bian trở thành khu dự trữ sinh quyển thứ chín của thế giới tại Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển Lang Bian bao trùm lên toàn bộ vườn quốc gia Bidoup - núi Bà (gồm đỉnh Lang Bian) với tổng diện tích khoảng 260.000ha.
Khu dự trữ sinh quyển Lang Bian sẽ có vùng lõi khoảng 57.000ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái và phân khu nghiêm ngặt của vườn quốc gia Bidoup - núi Bà nằm ở độ cao 2.167-2.287m (so với mực nước biển); vùng đệm khoảng 90.000ha gồm một phần diện tích các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đà Lạt; vùng chuyển tiếp có diện tích khoảng 118.000ha, là một phần diện tích các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà…
Được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới là điều kiện thuận lợi, tạo điều kiện để duy trì, bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại của vùng Tây nguyên, bảo vệ được rất nhiều nguồn gen thực vật cổ quý hiếm trên thế giới không có, bảo toàn được nguồn nước cho cả Tây nguyên và khu vực Đông Nam bộ.
Loài vượn đen má vàng quý hiếm đang sống tại vườn quốc gia Bidoup - núi Bà - Ảnh: NHẬT TIÊN |
Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà sẽ trở thành vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Lang Bian là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam, đây còn là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới, là ba trong số 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam với hơn 226 loài khác nhau.
Ngoài ra, vườn còn là nơi sinh sống của 441 loài động vật, trong đó có 32 loài nằm trong Sách đỏ thế giới được Liên minh Bảo tồn thế giới (IUCN) công bố năm 2009.
Nhiều loài động vật quý hiếm như cu li nhỏ, voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, gấu, bò tót sinh sống trong khu vực này. Về thực vật, toàn khu vực có 1.933 loài, trong đó có 96 loài đặc hữu và 62 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ.
Ếch ma cà rồng bay là loài ếch quý hiếm đang sống tại vườn quốc gia Bidoup - núi Bà - Ảnh: NHẬT TIÊN |
Tại vườn quốc gia Bidoup - núi Bà có 14 loài cây lá kim trên tổng số 33 loài có mặt tại Việt Nam, trong đó có những loài cây đặc hữu quý hiếm như thông hai lá dẹt, thông năm lá Đà Lạt, pơ mu, thông đỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận